TTVH Online

Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam: 'Đổi đời nhờ… áo dài'

14/03/2019 09:00 GMT+7

“Tôi đến với nghề may năm 16 tuổi, khi con trai cả lớp học nghề điện, chỉ mình tôi chọn nghề may. Bạn bè giễu, còn tôi không để tâm” – NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam chia sẻ - Bởi, tôi tin vào câu của người xưa, rằng chọn nghề cơm ăn áo mặc thì không sợ chết đói”.

(Thethaovanhoa.vn) - “Tôi đến với nghề may năm 16 tuổi, khi con trai cả lớp học nghề điện, chỉ mình tôi chọn nghề may. Bạn bè giễu, còn tôi không để tâm” – NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam chia sẻ - Bởi, tôi tin vào câu của người xưa, rằng chọn nghề cơm ăn áo mặc thì không sợ chết đói”.

Cận cảnh những thiết kế mới ‘Sắc màu phương Đông’ của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam

Cận cảnh những thiết kế mới ‘Sắc màu phương Đông’ của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam

NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam giới thiệu bộ sưu tập áo dài mới Sắc màu phương Đông trong chương trình Tự hào áo dài Việt diễn ra ngày 1/3 tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, số 20 Thuỵ Khuê, Tây Hồ, Hà Nội.

Còn bây giờ, từ khởi điểm ấy, những chiếc áo dài của Nam đã rất nổi tiếng cả trong nước và quốc tế

2 lần vỡ nợ

Đỗ Trịnh Hoài Nam bảo mình luôn sợ đói nên 18 tuổi là anh lao vào kinh doanh. Nam mở quán karaoke nhưng thất bại và nợ đầm đìa. Quay sang nghề may, Nam có tiền và trả hết nợ một năm sau, để rồi lại...vỡ nợ lần nữa. “Tôi vay tiền làm lớn, may hàng bán sẵn, rồi lại thất bại. Khi ấy, nợ đến mấy chục tỷ, tôi phải quay cuồng mất 5 năm mới trả hết”. – anh kể.

Nam nói anh mới thành công nhờ áo dài chưa lâu nhưng bén duyên với áo dài ngay từ lúc làm đám cưới ở tuổi 21. Dịp ấy, anh mua sách hướng dẫn, tự mua vải thiết kế và may áo dài cho các thành viên trong gia đình.

Chú thích ảnh
Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam (giữa) mang bộ sưu tập Sen vàng tới tuần lễ thời trang New York Couture Fashion Week (Mỹ) vào năm 2017

“Tôi may bằng công thức cũ mà ai cũng khen đẹp. Được khen thì cũng thích nhưng bản thân tôi vẫn thích thiết kế thời trang hơn” - nhà thiết kế nói “Tôi từng nghĩ mình phải thiết kế các bộ sưu tập mới cho các người đẹp, còn áo dài tôi chỉ may cho những người nào đặc biệt tới đặt hàng”.

Phải tới năm 2006, ở tuổi 31, Nam mới có dịp nhận thêm những lời khen, khi thiết kế bộ áo dài đặc biệt cho một chính khách. Từ thời điểm ấy, anh bắt đầu thiết kế áo dài nhiều hơn, đặc biệt là cho các chính khách và doanh nhân.

Chú thích ảnh
Đỗ Trịnh Hoài Nam được vinh danh Nhà thiết kế áo dài của năm 2017

Rồi bước ngoặt đến với Nam vào năm 2015. Trong show nhạc kịch “Women in love”, Đỗ Trịnh Hoài Nam thiết kế một nửa là đồ thời trang và một nửa là áo dài. Riêng phần trình diễn áo dài của anh được khán giả đón nhận rất nồng nhiệt. Sau show, anhbán hết áo dài với mức giá rất tốt 3.000 - 4.000 USD.

“ Tôi nhận thấy mình nên có một đường đi riêng và quyết định chuyên tâm với áo dài. Ban đầu, điều này khiến mình tiếc đến mất ăn mất ngủ. Bởi bao năm làm vest, đồ đầm, lượng khách hàng đang rất ổn định” – anh kể thêm.

Rất may mắn là quyết định đó đã giúp Đỗ Trịnh Hoài Nam thành công, anh bắt đầu được mời trình diễn ở các Lễ hội áo dài lớn trong nước và còn được mời diễn ở nước ngoài trong các tuần lễ thời trang New York, Paris...

Chú thích ảnh

Trao truyền văn hóa truyền thống

Gìn giữ những nét đẹp văn hóa dân tộc, tôn vinh áo dài Việt luôn là niềm khát khao và tự hào của Đỗ Trịnh Hoài Nam. Dù vậy, anh cũng thừa nhận, công việc đó cũng gặp không ít những khó khăn, nhất là khi đưa áo dài lên sàn diễn quốc tế.

“Là khách mời biểu diễn ở các tuần lễ thời trang quốc tế là tôi đã đỡ tốn hàng chục tỷ đồng nhưng việc đầu tư cho sản phẩm và đưa cả ê kíp sang đó trình diễn đâu phải đơn giản. Mang sang đó phải là đồ đẳng cấp, giá nguyên liệu cũng hàng trăm triệu đồng, mà mỗi show mình cần 30-40 bộ như thế, chưa tính công sức sáng tạo” – anh kể. “ Thực sự có quá nhiều khó khăn cản trở các nhà thiết kế Việt khi chinh phục làng thời trang quốc tế”.

Chú thích ảnh

Sắp tới, Đỗ Trịnh Hoài Nam cùng các thành viên CLB Áo dài Việt Nam sẽ phối hợp cùng Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thực hiện dự án tôn vinh áo dài Việt. Theo đó, anh dự định sẽ dạy nghề cho những người phụ nữ yếu thế, tạo thành sản phẩm du lịch trong Ngôi nhà tình thương tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, sau đó sẽ kết hợp với tour lữ hành.

"Sẽ rất hay nếu trong tour của du khách ngoại quốc có một buổi trải nghiệm kiểu mô hình homestay để trực tiếp chứng kiến những người phụ nữ yếu thế làm áo dài. Rất vui là chúng tôi được các chị lãnh đạo của Trung ương Hội LHPNVN cũng như Sở Du lịch Hà Nội ủng hộ" - Nam chia sẻ.

“Rất nhiều áp lực và khó khăn nhưng không là gì cả nếu mình đam mê và tin tưởng rằng đang trao những giá trị tốt tới cộng đồng. Tôi tin mình đang làm những điều tốt cho xã hội, giúp đỡ mọi người thì sẽ không gì có thể làm mình mệt mỏi nữa” - anh nói thêm.

Cuối cùng, khi được yêu cầu tự nhận xét về cơ duyên với áo dài, Nam nói khá giản dị: “Tôi học về thời trang bài bản, có nhiều bộ sưu tập nhưng áo dài mới khiến tôi nổi tiếng. Đúng là áo dài đã làm thay đổi cuộc đời tôi”.

Tiểu Phong

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN