TTVH Online

Brazil tổ chức đoàn thám hiểm bảo vệ bộ lạc nguyên thủy biệt lập

09/03/2019 22:02 GMT+7

Cơ quan phụ trách các vấn đề về người thổ dân bản địa của Brasil – cho biết đã tổ chức một đoàn thám hiểm nhân chủng học lớn nhất trong 2 thập kỷ qua đi vào vùng rừng rậm Thung lũng Javari, thuộc khu rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh Amazon, để bảo vệ một bộ lạc nguyên thủy biệt lập đang gặp nguy hiểm.

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 9/3, FUNAI – cơ quan phụ trách các vấn đề về người thổ dân bản địa của Brazil – cho biết đã tổ chức một đoàn thám hiểm nhân chủng học lớn nhất trong 2 thập kỷ qua đi vào vùng rừng rậm Thung lũng Javari, thuộc khu rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh Amazon, để bảo vệ một bộ lạc nguyên thủy biệt lập đang gặp nguy hiểm.

Peru huy động quân đội và cảnh sát chống khai thác mỏ trái phép tại rừng Amazon

Peru huy động quân đội và cảnh sát chống khai thác mỏ trái phép tại rừng Amazon

Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, nhà chức trách Peru ngày 19/2 đã huy động 1.400 cảnh sát và binh sĩ tham gia chiến dịch chung nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác mỏ trái phép tại vùng rừng Amazon, sau 13 tháng kể từ khi Giáo hoàng Francis kêu gọi nước này bảo vệ cộng đồng người bản địa và các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Nằm tại cực Tây của Brazil, khu dự trữ sinh quyển Thung lũng Javari có diện tích lên tới 85.444 km2 và là nơi tập trung các bộ lạc nguyên thủy biệt lập lớn nhất thế giới.

Theo thông báo của FUNAI, bộ lạc đang gặp nguy hiểm thuộc sắc tộc Korubo và các thành viên của họ đã phải phân tán vào rừng sâu để chạy trốn sau các cuộc giao tranh đẫm máu bằng cung tên và gậy gộc từ năm 2014 với một bộ lạc nguyên thủy thuộc sắc tộc Matis thù địch định cư gần kề.

Rừng Amazon
Rừng Amazon

Mục tiêu cuộc thám hiểm của FUNAI, dự kiến kéo dài nhiều tháng, là tìm kiếm các thành viên của bộ lạc đang sống rải rác và vận động họ di cư lên phía Bắc để sống gần những bộ lạc cùng sắc tộc Korubo khác, cũng như tránh việc các thành viên bộ lạc này tiếp xúc với người ngoài rừng rậm Amazon để giảm thiểu nguy cơ họ bị lây nhiễm các dịch bệnh lạ.

Từ năm 1995, FUNAI đã đề ra nguyên tắc chỉ tiếp cận các bộ lạc sống biệt lập tại rừng rậm Amazon trong trường hợp khẩn cấp. Hiện tại, cơ quan này đang bảo vệ 24 bộ lạc biệt lập tại nhiều nơi trong rừng Amazon, trong đó 8 bộ lạc sống tại Thung lũng Javari.

Lê Hà/TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN