TTVH Online

Chelsea có nên sa thải Sarri?

12/02/2019 06:23 GMT+7

Chelsea một lần nữa thể hiện phong độ thất thường đến khó chịu, và thêm một lần tương lai của HLV Maurizio Sarri bị đặt dấu hỏi. Liệu HLV người Italy sẽ bị đẩy ra ngoài đường sớm hay vẫn nhận được sự tin tưởng từ ban lãnh đạo?

(Thethaovanhoa.vn) - Chelsea một lần nữa thể hiện phong độ thất thường đến khó chịu, và thêm một lần tương lai của HLV Maurizio Sarri bị đặt dấu hỏi. Liệu HLV người Italy sẽ bị đẩy ra ngoài đường sớm hay vẫn nhận được sự tin tưởng từ ban lãnh đạo?

Jamie Carragher: 'Sarri đã khiến Chelsea đã trở nên yếu đuổi như Arsenal'

Jamie Carragher: 'Sarri đã khiến Chelsea đã trở nên yếu đuổi như Arsenal'

Chelsea đã bị so sánh với Arsenal sau khi đội bóng của HLV Maurizio Sarri thua 0-6 trước Man City tại Etihad.

Thời điểm quyết định

Cách đây 10 ngày, Chelsea nhận thất bại đậm nhất trong lịch sử Premier League trước Bournemouth. Tuy nhiên, kỷ lục này nhanh chóng bị phá bỏ bởi Man City vài ngày sau đó. Trên sân Etihad, đoàn quân HLV Pep Guardiola đã hạ nhục Chelsea tới 6 bàn trắng. Đây không phải tỷ số tồi tệ nhất của The Blues dưới triều đại Roman Abramovich mà còn là tệ nhất trong lịch sử của đội bóng tại Premier League.

Trong vòng vỏn vẹn 10 ngày, Chelsea nhận hai thất bại tủi nhục 0-4 và 0-6. Tương lai của HLV Maurizio Sarri hiển nhiên bị lôi ra soi xét, đặt dấu hỏi lớn. Dưới thời tỷ phú người Nga, việc Chelsea trảm tướng giữa mùa đã trở thành hình ảnh thương hiệu. Cho tới nay, từng có hai HLV bị sa thải ở ngay mùa giải đầu tiên. Đó là Luis Felipe Scolari và Andre Villas-Boas. Cả hai đều bị sa thải vào đầu giai đoạn hai. Scolari bị sa thải vào ngày 9/2/2009, còn Villas-Boas là 4/3/2012.

Lỗi lầm thuộc về Sarri?

Câu trả lời là có! Ngay từ những trận đấu đầu tiên Sarri dẫn dắt Chelsea, thứ bóng đá của ông khác xa so với những gì CĐV The Blues có thể mường tượng tới. Sự bảo thủ trong chính tư duy và triết lý bóng đá của Sarri khiến Chelsea ngày càng thi đấu tồi tệ hơn. Có thể dễ dàng nhận thấy, HLV người Italy không mấy khi có sự biến đổi về chiến thuật.

HLV Sarri ca thán sau thất bại trước Tottenham, Arsenal rằng các cầu thủ không thi đấu theo ý đồ của ông. Thế nhưng, ông cũng chẳng có bất kỳ sự thay đổi nhân sự nào cả. Vấn đề của Sarri là ông luôn ưu tiên lựa chọn các cầu thủ nhiều tuổi, có nhiều năm thi đấu hơn là tin tưởng các tài năng trẻ. Cả Emerson lẫn Christensen đều chỉ được tin tưởng trong 1 trận đấu rồi lại bị đẩy lên ghế dự bị, dẫu họ thi đấu không hề tồi khi được trao cơ hội. Điều này rõ ràng khiến đội hình của Chelsea không thể kỳ vọng vào một sự ổn định thời gian dài.

Sarri xứng đáng để tin tưởng?

Nếu Chelsea sa thải Sarri lúc này thì điều đó khiến quyết định bổ nhiệm ông của họ trở nên thật ngu ngốc. Chắc chắn ban lãnh đạo Chelsea hiểu rằng Sarri-ball không thể triển khai nhuần nhuyễn ngay trong mùa giải đầu tiên được. Còn nếu không, ban lãnh đạo Chelsea hẳn không có ai hiểu rõ về bóng đá.

Hãy nhìn vào Man City và Liverpool để thấy rằng sự tin tưởng của các ban lãnh đạo đã tạo ra nền tảng đội bóng tốt như thế nào. Giới thượng tầng của hai đội bóng này không chỉ tin tưởng HLV mà còn sẵn sàng, ủng hộ mọi đề xuất nhằm xây dựng đội bóng theo đúng ý đồ của HLV.

Ngoài ra, cần lưu ý, HLV Sarri tiếp quản Chelsea khá muộn. Ông chỉ chính thức dẫn dắt CLB 1 tháng trước khi mùa giải mới bắt đầu khởi tranh. Trong khi đó, triết lý Sarri-ball được đánh giá là một thứ bóng đá hấp dẫn nhưng rất khó để thi triển. Do vậy, sự thất thường của Chelsea cho tới lúc này có thể xem như là bình thường với 1 đội bóng đang tập làm quen với phong cách chơi mới.

Đổi HLV có thực sự sẽ tốt hơn?

Lịch sử Chelsea cho thấy họ rất có duyên với những thương vụ thay tướng giữa dòng. Những Guus Hiddink hay Di Matteo đã được lưu vào lịch sử đội bóng như những người đóng thế tài ba nhất. Tuy nhiên, đó đều là những quyết định nhằm giải quyết vấn đề ngắn hạn. Còn nếu Chelsea thực sự tính tới con đường dài hơi thì quyết định sa thải không phải chuyện có thể đưa ra một sớm một chiều. Có lẽ Chelsea vẫn nên lựa chọn phương án mạo hiểm tin vào khả năng cầm quân của HLV Sarri.

Nhiệm vụ của Sarri đến với Chelsea không phải giành các danh hiệu. HLV người Italy trong vài năm qua đã xây dựng Napoli từ đội bóng hạng khá trở thành kẻ thách thức danh hiệu tại Serie A bằng lối đá Sarri-ball. Chính điều đó khiến Roman Abramovich mang Sarri về Stamford Bridge. Bởi mong muốn sâu thẳm của tỷ phú người Nga luôn là xây dựng cho Chelsea một lối đá đặc trưng riêng, để khi nhắc tới phong cách đó là nhớ tới Chelsea, giống như tiki-taka của Barcelona.

Dẫu vậy, Chelsea cũng không thể tin tưởng mù quáng vào Sarri giống như Arsenal dành cho Arsene Wenger. Áp lực giành danh hiệu luôn phải được đưa ra cho các HLV. Nhưng nếu họ muốn có một lối đá mang bản sắc riêng, họ cần phải kiên nhẫn. Không chỉ riêng với Sarri mà bất kỳ HLV nào trong tương lai, đội chủ sân Stamford Bridge cũng cần có niềm tin dài hạn. Còn bây giờ, sa thải Sarri là quyết định quá sớm.

Quý Dậu

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN