TTVH Online

Cầu thủ Việt xuất ngoại: Đã đến thời ‘làm thật ăn thật’?!

09/02/2019 06:22 GMT+7

Cùng với phong độ chói sáng của các ĐTQG ở đấu trường châu lục trong hơn một năm qua, giá trị của cầu thủ Việt Nam đã tăng lên rất nhiều và bây giờ thì khó có cầu thủ Việt nào chấp nhận ra nước ngoài chơi bóng theo dạng hợp đồng thương mại mà đã chuyển sang giai đoạn “làm thật ăn thật”.

(Thethaovanhoa.vn) – Cùng với phong độ chói sáng của các ĐTQG ở đấu trường châu lục trong hơn một năm qua, giá trị của cầu thủ Việt Nam đã tăng lên rất nhiều và bây giờ thì khó có cầu thủ Việt nào chấp nhận ra nước ngoài chơi bóng theo dạng hợp đồng thương mại mà đã chuyển sang giai đoạn “làm thật ăn thật”.

Sau hợp đồng đắt giá, giờ là lúc Văn Lâm khẳng định giá trị

Sau hợp đồng đắt giá, giờ là lúc Văn Lâm khẳng định giá trị

Một ngày sau buổi họp báo công bố và lễ ra mắt hoành tráng, thủ môn Đặng Văn Lâm đã tham gia buổi tập chính thức đầu tiên cùng đội bóng mới và kịp di chuyển sang PhnomPenh sáng nay 8/2 để cùng Muangthong United chuẩn bị cho trận giao hữu với tuyển chọn các ngôi sao đang thi đấu tại Campuchia trong ngày mai.

Những ngày vừa qua, thủ môn Đặng Văn Lâm đã tạo nên một cơn sốt không nhỏ tại Bangkok khi trải qua buổi khám sức khoẻ và ra mắt tại CLB Muangthong United, đội bóng đang chơi ở Thai-League.

Để có được chữ ký của Văn Lâm trong bản hợp đồng có thời hạn 3 năm, Muangthong United đã phải chi ra hơn 11 tỷ đồng (hơn 500.000 USD) cùng chế độ đãi ngộ hậu hĩnh (lương tháng 10.000 USD, được cấp xe riêng, nhà riêng và thưởng thêm tuỳ theo thành tích cá nhân và đội bóng trong mỗi mùa giải).

Ngay sau khi Văn Lâm chính thức ra mắt trong màu áo Muangthong United chưa được bao lâu thì đến lượt Công Phượng được báo chí Hàn Quốc đưa tin sắp sửa khoác áo Incheon United ở K-League theo một bản hợp đồng cho mượn từ HAGL.

Chú thích ảnh
Đông đảo phóng viên Thái Lan tham gia phỏng vấn Văn Lâm ở lễ ra mắt.

Không chỉ có Văn Lâm hay Công Phượng, còn một loạt thành viên khác của đội tuyển Việt Nam đều đang lọt vào tầm ngắm của các đội bóng nước ngoài và chỉ cần nhận được sự cho phép của CLB chủ quản là các đội bóng này lập tức cử đại diện tới Việt Nam thương thảo hợp đồng.

Đấy là trường hợp của Quang Hải, Văn Hậu, Văn Đức, những tuyển thủ Việt Nam đã thi đấu chói sáng từ VCK U23 châu Á, Asian Games, AFF Suzuki Cup 2018 cho tới Asian Cup 2019, và được các đội bóng từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan quan tâm đặc biệt.

Trong số này, đáng kể nhất là Công Phượng, khi từ một cầu thủ có lối chơi rườm rà, có phần cá nhân thì sau một thời gian dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo, Công Phượng đã lột xác trở thành một cầu thủ tấn công hoàn hảo, từng khiến các trung vệ đang chơi bóng ở châu Âu của đội tuyển Nhật Bản phải một phen mệt mỏi, bối rối.

Vì thế, từ chỗ chỉ là một cầu thủ không có được chỗ đứng chính thức ở Mito Hollyhock, đội bóng đang chơi ở J-League 2 của Nhật Bản, Công Phượng bây giờ đã được đàm phán để chuyển sang Incheon United theo một hợp đồng dường như là không phải chỉ mang ý nghĩa thương mại, quảng cáo.

Sự thăng tiến mạnh mẽ của các ĐTQG Việt Nam trong hơn một năm qua ở sân chơi châu lục chính là bằng chứng hùng hồn cho thấy một sự thực rằng không cần phải quá cao to thì cầu thủ Việt Nam cũng có thể thi đấu sòng phẳng với các đối thủ từ Tây Á, Đông Á hay Nam Á.

Nói một cách khác, đã đến thời cầu thủ Việt Nam tự tin xuất ngoại là để thi đấu một cách nghiêm túc như những đồng nghiệp ở Thái Lan hay Philippines, chứ không còn bị ám ảnh bởi nỗi lo ra nước ngoài chơi bóng nhưng lại chỉ mài mòn đũng quần trên băng ghế dự bị hoặc suốt ngày phải đi phát tờ rơi quảng cáo như chuyện từng xảy ra trước đây.

Huy Anh

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN