TTVH Online

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng: 'Thủy quái' sông Gianh

01/02/2019 12:43 GMT+7

18 tuổi giành HCV tại Olympic trẻ. 18 tuổi đấu tay đôi và chỉ chịu thua kỷ lục gia thế giới hơn 2 giây tại ASIAD 18. 18 tuổi giành 4 HCV, góp công lớn đưa đoàn Quảng Bình lần đầu tiên lọt vào Top 15 trong lịch sử thi đấu Đại hội TDTT toàn quốc...

(Thethaovanhoa.vn) - 18 tuổi giành HCV tại Olympic trẻ. 18 tuổi đấu tay đôi và chỉ chịu thua kỷ lục gia thế giới hơn 2 giây tại ASIAD 18. 18 tuổi giành 4 HCV, góp công lớn đưa đoàn Quảng Bình lần đầu tiên lọt vào Top 15 trong lịch sử thi đấu Đại hội TDTT toàn quốc. 18 tuổi trở thành hiện tượng và hi vọng mới của thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic. Đó không thể là ai khác ngoài Nguyễn Huy Hoàng - kình ngư được ví là thủy quái sông Gianh.

Từ cậu bé may mắn của làng chài…

Nguyễn Huy Hoàng là ai? Vì sao lại làm được những thành tích kỳ diệu như vậy? Tại sao một “báu vật” trên đường đua xanh như thế mà từ trước tới nay không nhiều người biết đến? Không ai có thể trả lời chính xác được, ngay cả với những người làm chuyên môn của ngành thể thao.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 6 người con làm nghề nuôi cá lồng ven bờ sông Gianh ở thôn Thanh Tiến, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình nên việc biết bơi gần như là… bắt buộc với mọi đứa trẻ ở vùng đất ấy. Theo lời Hoàng kể, trẻ con ở cùng làng, cùng xã chỉ 3-4 tuổi là đã biết bơi vì sống gần sông. Hồi ấy, Hoàng được các anh lớn hơn dạy bơi và biết bơi từ hồi học mẫu giáo.

Nhưng chuyện một cậu bé sống ở vùng sông nước biết bơi từ nhỏ, lại sống trong một gia đình không có truyền thống về thể thao nên xuất phát điểm của Hoàng coi như bằng không. Thậm chí so với chúng bạn cùng trang lứa, Hoàng còn bé nhỏ hơn và chẳng có điểm gì đặc biệt về thể hình so với những tài năng đặc biệt của bơi Việt Nam trước đây. “Nếu chị Ánh Viên có tố chất đặc biệt về thể hình với đôi tay dài hơn chiều cao cơ thể thì em chẳng… có gì. Người bé, chân tay ngắn và thể lực thì hồi nhỏ em cũng chẳng khỏe hơn các bạn là mấy”, Hoàng vừa cười vừa chia sẻ rất vô tư.

Nói như thế để thấy, từ xuất phát điểm chẳng có gì nổi bật và con đường để trở thành một kình ngư chuyên nghiệp sau này của Hoàng có phần gì đó thực sự may mắn. May mắn vì Hoàng được tuyển chọn là VĐV năng khiếu. May mắn vì trụ lại được sau một quá trình khổ luyện. Và may mắn được trao một cơ hội để rất nhiều người biết tới sau này bắt đầu từ một sự cố vô tiền khoáng hậu trong lịch sử đội tuyển bơi quốc gia trước thềm SEA Games 29.

… đến thủy quái sông Gianh

Lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển trạch của thể thao Quảng Bình, cuộc đời của Hoàng bắt đầu rẽ sang một lối khác. “Hồi ấy, được tuyển vào đội bơi của tỉnh em sung sướng lắm vì em rất thích bơi. Nhưng đến khi bước vào tập luyện, mới thấy để trở thành một VĐV chuyên nghiệp không hề đơn giản. Năm 11 tuổi em được vào đội và tập đến năm 13 tuổi thì bắt đầu thấy chán và muốn bỏ vì quá… mệt, mà lương của VĐV trẻ thì lại quá thấp, em chẳng giúp đỡ được nhiều cho gia đình”, Hoàng nhớ lại.

Thật sự may mắn cho Hoàng, bởi vào thời điểm ấy, nếu không có thầy Hoàng Quang Minh - một VĐV và giờ là HLV kỳ cựu của thể thao Quảng Bình. “Với sự động viên của thầy Minh, em đã không bỏ giữa chừng mà cố gắng tập tiếp. Chính quãng thời gian khổ luyện trước đây đã giúp em tích lũy được nền tảng thể lực để khắc phục được các hạn chế do không có tố chất đặc biệt về thể hình”. Đến nay, nhìn Hoàng, không ai tin được chàng trai cao 1m78, nặng 63kg mảnh khảnh, gày gò trông như cái sào lại có thể nuốt trọn giáo án tập luyện trung bình bơi 20km mỗi ngày dễ như… ăn cơm.

Nhưng chuyện đời VĐV của Hoàng còn có một điều đặc biệt hơn. Từ năm 11 tuổi đi theo con đường tập luyện thể thao chuyên nghiệp, song chưa một lần Hoàng được đi tập huấn nước ngoài. Kể cả khi lên ĐTQG (vào năm 16 tuổi), trong mắt các nhà chuyên môn, Hoàng giống như một “kép phụ” hay “quân xanh” cho nhiều kình ngư khác.

Thậm chí, việc Hoàng được lựa chọn vào đội hình thi đấu cự ly 1.500m nam sau cuộc thi đấu nội bộ hồi tháng 8/2017 trước thềm SEA Games 29 đến giờ vẫn được nhắc lại như một điển hình cho những góc khuất trong ĐTQG bơi. Hoàng đã chiến thắng trong cuộc đấu nội bộ (mà cả giới chuyên môn, báo chí và người trong cuộc đều phản đối) với các đồng đội Lâm Quang Nhật, Nguyễn Hữu Kim Sơn và sau đó phá sâu kỷ lục đại hội của Quang Nhật, giành HCV SEA Games 29. Kể từ đó đến nay, cái tên Huy Hoàng mới thực sự huy hoàng theo đúng nghĩa đen của nó và trên đường đua xanh của Việt Nam đã xuất hiện một… thủy quái.

Hẹn gặp lại Sun Yang

Hoàng xứng đáng với cái biệt danh “thủy quái” bởi nhiều lý do nhưng lý do đặc biệt nhất, đó chính là khả năng cải thiện thành tích một cách thần tốc. Chỉ tính riêng ở cự ly 1.500m tự do nam (nội dung thi đấu sở trường), năm 2016 Hoàng lập KLQG với thành tích 15 phút 30 giây 11, đến năm 2017 lập kỷ lục SEA Games 29 với thành tích 15 phút 20 giây 20 và đến tháng 8/2018 thành tích của Hoàng là 15 phút 01 giây 63. Vẻn vẹn trong 2 năm, từ một kình ngư không ai biết đến, không có tố chất đặc biệt, chỉ loanh quanh tập huấn trong nước và kinh nghiệm thi đấu quốc tế gần như chẳng có gì song Hoàng đã rút ngắn thành tích của chính mình tới gần 30 giây ở một nội dung thi đấu đầy khắc nghiệt. Khi rất nhiều các ngôi sao sáng của thể thao Việt Nam đều không còn là chính mình ở các sân chơi lớn thì những thành tích của Hoàng ở SEA Games 29 hay ASIAD 18 là vượt quá mong đợi và như thế để thấy, nếu không phải “thủy quái” thì Hoàng cũng chẳng phải… người thường.

Kình ngư Huy Hoàng và những tấm huy chương rẻ nhất thế giới

Kình ngư Huy Hoàng và những tấm huy chương rẻ nhất thế giới

Tại ASIAD 2018, một gương mặt lạ hoắc đã gây chấn động khi giành 2 tấm huy chương, trong đó có chiến tích Bạc lịch sử ở nội dung siêu khó 1.500m tự do nam sau một cuộc đua tranh sòng phẳng với kỷ lục gia thế giới Sun Yang. Đúng một tháng sau, ở Olympic lại chính kình ngư 18 tuổi ấy tiếp tục lập kỳ tích với ngôi đầu trên đường bơi 800m tự do.

Và quả đúng như vậy, nếu ai từng chứng kiến cuộc so tài giữa Hoàng với đương kim kỷ lục gia thế giới Sun Yang (Trung Quốc) ở cự ly 1.500m tự do nam tại ASIAD 18 vừa qua. Kém đối thủ tới hơn 20cm chiều cao, Hoàng thậm chí còn hơi sợ hãi khi nhìn thấy Sun Yang bên thành bể nhưng khi xuống nước, Hoàng chỉ mất 8 vòng để bám đuổi, sau đó vượt lên dẫn đầu. Và một chút tiếc nuối cho Hoàng khi kình ngư người Trung Quốc quá xuất sắc trong đoạn nước rút để giành HCV với thành tích 14 phút 58 giây 63, còn Hoàng giành HCB với thành tích 15 phút 1 giây 53, nghĩa là chỉ kém 2 giây. “Em rất mong đợi một cuộc tái ngộ với Sun Yang. Em có lợi thế là trẻ tuổi hơn và tin chắc sẽ còn tiến bộ và rút ngắn được thành tích”, Hoàng chia sẻ về ước mơ trong thời gian tới.

“Em chẳng có bí quyết gì cả. Em biết mình bị hạn chế nhiều mặt nên chỉ quyết tâm và nỗ lực trong tập luyện để bù lại. Xuống nước là cắm đầu bơi thôi!”, Hoàng lý giải cho những bước tiến vượt bậc một cách rất… dễ thương như thế.

Vũ Hiền

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN