TTVH Online

Nghệ sĩ jazz trumpet Cường Vũ: 'Tôi chưa bao giờ nghĩ làm nghệ thuật là để đoạt giải Grammy'

23/01/2019 07:04 GMT+7

Nghệ sĩ jazz trumpet Cường Vũ (sinh năm 1969 tại Sài Gòn, hiện sống tại Mỹ) cùng với ban nhạc Pat Metheny Group đã 2 lần đoạt giải Grammy vào các năm 2002 và 2005. Các album jazz đương đại của ban nhạc này như Speaking Of Now, The Way Up… đang được tìm nghe trên khắp thế giới.

(Thethaovanhoa.vn) - Nghệ sĩ jazz trumpet Cường Vũ (sinh năm 1969 tại Sài Gòn, hiện sống tại Mỹ) cùng với ban nhạc Pat Metheny Group đã 2 lần đoạt giải Grammy vào các năm 2002 và 2005. Các album jazz đương đại của ban nhạc này như Speaking Of Now, The Way Up… đang được tìm nghe trên khắp thế giới.

Jazz vàng (Bài 3): Trumpeter Cường Vũ - Những người yêu thích jazz sẽ tự tìm đến nó

Jazz vàng (Bài 3): Trumpeter Cường Vũ - Những người yêu thích jazz sẽ tự tìm đến nó

Ở tuổi 41 Cường Vũ có trong tay 2 giải Grammy và cộng tác với nhiều đại thụ làng Jazz thế giới mà trong đó phải kể đến Pat Metheny. Dưới đây là cuộc trao đổi ngắn giữa anh và TT&VH Cuối tuần.

Trong vai trò giám đốc nghệ thuật của Soul Live Project Series, Cường Vũ vừa thực hiện chương trình Jazz Through tại TP.HCM. Cường Vũ có cuộc trò chuyện với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về nhạc jazz, về cơ hội của các nghệ sĩ trong dòng nhạc này.

* Với 3 đề cử và 2 lần nhận giải Grammy danh giá, anh có nghĩ nghệ sĩ ngoài nước Mỹ - như Việt Nam chẳng hạn - có cơ hội để nhận được giải này hay không? Tại sao?

- Tôi chưa bao giờ nghĩ làm nghệ thuật là để đoạt giải Grammy. Tôi chỉ muốn hoạt động thật chăm chỉ để tạo nên một kiểu âm nhạc có giá trị tự thân, được khán giả trong dòng nhạc này đón nhận.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Cường Vũ

Theo quan điểm của tôi, không chỉ những nghệ sĩ Việt Nam, mà là những nghệ sĩ châu Á nói chung cũng rất khó để đoạt được giải Grammy, bởi vì đây vốn là giải thưởng của Viện Hàn lâm Mỹ. Đặc biệt với nhạc jazz, khi nghĩ đến nó, người ta thường tưởng tượng đến những nghệ sĩ da đen, hoặc chí ít cũng là da trắng sống ở Mỹ, ở châu Âu.

Nói đến jazz châu Á (mà còn là jazz Việt Nam nữa), nghe có vẻ quá lạ lẫm, Grammy ít quan tâm cũng là chuyện bình thường. Tại Mỹ hoặc châu Âu, nói đến jazz châu Á, người ta chỉ biết đến người Nhật. Nên nếu hỏi rằng có thuận lợi hay không với nghệ sĩ Việt hoặc gốc Việt, chắc chắn là không.

Chú thích ảnh

* Nói như vậy thì anh quả là có may mắn với jazz, vì “huyết quản” của anh vẫn là người Việt nhập cư Mỹ. Khi đứng dạy jazz trên giảng đường đại học, anh nói thế nào với các sinh viên của mình - những người muốn trở thành một nghệ sĩ jazz chuyên nghiệp?

- Tôi luôn nghĩ nghệ thuật và tuổi trẻ có nét tương đồng ở sự phiêu lưu. Đến với nghệ thuật mà không dám phiêu lưu thì đừng đến, hãy chọn việc nào nhiều ổn định hơn mà làm. Tôi luôn nói với sinh viên rằng cơ hội kiếm sống với jazz là rất mong manh. Để tồn tại được, họ thường phải làm những việc mà bản thân không muốn làm, thậm chí có thể tổn thương đến lý tưởng jazz mà họ đang xây dựng.

Tôi nghĩ mình là người cực đoan, nên thích jazz thì sống chết với nó, chứ con đường này quá hẹp, chẳng có nhung lụa. Tôi đã đi diễn và đi làm bán thời gian để kiếm sống rất lâu trước khi được Pat Metheny Group mời tham gia ban nhạc. Rất nhiều nhạc sĩ tài năng mà tôi biết phải làm việc cả tháng để sống và chờ một cơ hội biểu diễn, mà thường thì cơ hội đó cũng không đến.

Chú thích ảnh

Thời trẻ, tôi có thể ngủ trên sàn nhà hoặc ngồi chuyến tàu kéo dài 12 giờ đồng hồ, với 6 lần chuyển ga, chỉ để có được một buổi biểu diễn cho chừng 20-30 người nghe. Nay thì tôi không thể làm điều đó được nữa. Nhưng ở tuổi của họ, những sinh viên mới ra trường, đầy máu lửa, họ nên chơi mọi buổi biểu diễn khi có cơ hội. Họ nên ngủ trên sàn, họ nên ngồi trên một chiếc xe tải cũ với đầy mùi hôi thối... chỉ để jazz được có cơ hội cất tiếng. Còn nếu thỏa hiệp, họ có thể bỏ jazz sang một bên và bước vào các thể loại nhạc khác, làm công việc khác.

* Ngoài trình diễn anh còn sáng tác, sắc thái âm nhạc của anh có phảng phất hương vị Việt hay không?

- Tôi không biết, vì tôi không để ý đến điều này. Hơn nữa, tôi chơi với nghệ sĩ Mỹ và các ban nhạc Mỹ là chủ yếu, nên phải hòa điệu cùng họ, làm sao để jazz được phiêu nhất. Chúng tôi không chú trọng đến sắc thái và sắc tộc khi sáng tác, trình diễn, mà thường là sự kết hợp, hòa trộn một cách tự nhiên. Nhưng cũng quái đản lắm, khi chơi nhạc với Nguyên Lê, Vanessa Võ… thì họ nhận xét nhạc của tôi có nhiều chất Mỹ, còn khi chơi với những nghệ sĩ Mỹ thì họ nói nhạc của tôi có hương vị khác với Mỹ. Tôi thấy đây là điều thú vị, chứng tỏ sự tự do, không biên giới trong âm nhạc, nghệ thuật.

Chú thích ảnh
Cường Vũ (bìa trái) trong chương trình vừa diễn ra tại TP.HCM

* Đây là lần thứ hai anh trở về Việt Nam trình diễn. Nhạc jazz vẫn còn một khoảng cách khá xa với âm nhạc đại chúng tại Việt Nam, vậy anh mong chờ điều gì?

- Tôi không mong đợi điều gì cụ thể, mà chỉ mong những điều tốt đẹp. Tôi mang đến đây màu sắc âm nhạc của mình, những điều mà tôi đã làm, đã tìm tòi, sáng tạo trong suốt đời làm nghề. Tôi muốn quay lại nơi mình sinh ra để xem nó đã thay đổi như thế nào, muốn biểu diễn cho những người Việt Nam giống mình xem. Tôi mong là khán giả Việt sẽ mở lòng đón nhận, để tôi sẽ có thêm nhiều cơ hội quay trở lại đây biểu diễn, làm việc, sáng tác.

* Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

1 trong 50 nghệ sĩ jazz đương đại xuất sắc nhất

Năm 11 tuổi, Cường Vũ nhận quà tặng là cây kèn trumpet từ mẹ, anh đã cầm lên và đi đến tận ngày nay. Hiện anh là giáo sư nhạc jazz và là Chủ tịch Hội nghiên cứu jazz tại Đại học Washington, Mỹ. Anh được đại học này trao tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú chỉ sau 3 năm giảng dạy. Anh từng được British Magazine ghi nhận là một trong 50 nghệ sĩ jazz đương đại xuất sắc nhất. Amazon xếp album Come Play With Me của anh vào danh sách 100 album jazz hay nhất mọi thời đại.

Văn Bảy (thực hiện)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN