TTVH Online

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đối mặt với một 'cuộc chiến' nếu tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia

08/01/2019 12:40 GMT+7

Tổng thống Mỹ Donald Trump gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến pháp lý nếu ông quyết định "đi đến cùng" trong đe dọa trước đó về việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để xây bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico mà không cần Quốc hội Mỹ phê chuẩn.

(Thethaovanhoa.vn) - Tổng thống Mỹ Donald Trump gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến pháp lý nếu ông quyết định "đi đến cùng" trong đe dọa trước đó về việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để xây bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico mà không cần Quốc hội Mỹ phê chuẩn.

Tổng thống Mỹ sẽ 'qua mặt' quốc hội, Đảng dân chủ để xây bức tường biên giới?

Tổng thống Mỹ sẽ 'qua mặt' quốc hội, Đảng dân chủ để xây bức tường biên giới?

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/1 cho biết ông có thể sử dụng quyền khẩn cấp để xây bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico mà không cần Quốc hội Mỹ phê chuẩn. Đây được xem là động thái đe dọa "qua mặt" các nghị sỹ đảng Dân chủ vừa tiếp quản Hạ viện.

Theo các chuyên gia, tuyên bố "tình trạng khẩn cấp quốc gia" có khả năng cao sẽ giúp chấm dứt tình trạng chính phủ đóng cửa hiện đã kéo dài sang ngày thứ 17, tuy nhiên hành động này cũng có thể dẫn đến một cuộc chiến pháp lý dài hơi, thậm chí dai dẳng, ảnh hưởng tới cuộc đua nhiệm kỳ hai của ông Trump vào năm 2020.   

Tranh cãi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và phe Dân chủ trong quốc hội liên quan ngân sách cho dự án xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico nhằm ngăn chặn làn sóng người nhập cư trái phép đã khiến một phần Chính phủ Mỹ phải đóng cửa hoạt động gần 3 tuần qua. Tổng thống Trump kiên định lập trường không ủng hộ dự luật của phe Dân chủ cho phép chính phủ hoạt động trở lại, trừ phi quốc hội chi hơn 5 tỷ USD để xây bức tường biên giới với Mexico. Tổng thống Trump ngày 4/1 cho biết ông có thể sử dụng quyền khẩn cấp để xây bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico mà không cần Quốc hội Mỹ phê chuẩn.  

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: THX/TTXVN

Hiến pháp Mỹ quy định quyền cấp ngân sách cho các cơ quan liên bang nằm trong tay quốc hội. Tuy nhiên, tổng thống có thể đưa ra các quyết định nhanh không cần sự phê chuẩn của quốc hội trong các trường hợp khẩn cấp như chiến tranh, các thảm họa thiên tai và đại dịch. Dù vậy, Đạo luật các trường hợp khẩn cấp quốc gia năm 1976 quy định tổng thống phải thông báo cho quốc hội cũng như người dân Mỹ khi ban bố tình trạng khẩn cấp. Quốc hội có quyền lực phủ quyết một tuyên bố như vậy, song cần sự đồng thuận từ cả thượng viện và hạ viện, điều khó có thể đạt được hiện nay với đảng Dân chủ kiểm soát hạ viện và Cộng hòa lãnh đạo thượng viện.   

Ông Trump có thể ban bố lệnh khẩn cấp quốc gia với lý do làn sóng di cư trái phép đang tạo ra một cuộc khủng hoảng, theo đó huy động quân đội tới biên giới và ra lệnh cho Bộ Quốc phòng xây dựng một bức tường. Nhưng phương án này có thể cần người đứng đầu Nhà Trắng phải ra trước tòa để giải trình. Và ngay cả trong trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia một cách "êm thấm", Tổng thống Trump vẫn sẽ gặp khó khăn để tìm kiếm khoảng ngân sách 5 tỷ USD mà ông mong muốn từ những khoản tiền mà Quốc hội đã thông qua.

Ông có thể gặp rắc rối lớn nếu tìm cách "giành giật" những khoản ngân sách vốn được giải ngân cho các mục đích khác, hành động có thể bị quy kết là "lấn" quyền quốc hội. Chính quyền ông Trump do đó sẽ cần tìm kiếm các khoản tiền được chi cho các cơ quan liên bang mà chưa có mục đích sử dụng cụ thể, vốn khá hiếm hoi và ít ỏi.    

Giáo sư về luật hiến pháp tại trường Luật Harvard Mark Tushnet cho biết nếu ông Trump kiên quyết với việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, đây sẽ là "một hành động rất hung hăng về vận dụng quyền lực tổng thống", và dù đây không phải việc làm trái phép, nhưng nó sẽ "vượt nhiều ranh giới mà trước nay luôn được tôn trọng".

TTXVN/Minh Ngọc

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN