TTVH Online

Chủ tịch chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump đã nói dối cơ quan điều tra

08/12/2018 10:04 GMT+7

Ngày 7/12, nhóm điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller cáo buộc cựu Củ tịch chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump, ông Paul Manafort, đã nói dối cơ quan điều tra liên bang về một khoản tiền cũng như những lần liên lạc với các quan chức trong chính quyền tổng thống đương nhiệm.

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 7/12, nhóm điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller cáo buộc cựu Chủ tịch chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump, ông Paul Manafort, đã nói dối cơ quan điều tra liên bang về một khoản tiền cũng như những lần liên lạc với các quan chức trong chính quyền tổng thống đương nhiệm.    

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ khẩu hiệu tranh cử nhiệm kỳ 2

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ khẩu hiệu tranh cử nhiệm kỳ 2

Tiếp nối khẩu hiệu "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" xuyên suốt trong giai đoạn tranh cử tổng thống năm 2016 và được hiện thực hóa mạnh mẽ trong năm đầu cầm quyền 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố khẩu hiệu tranh cử tiếp theo của ông trong nhiệm kỳ thứ 2 tới đây sẽ là "Giữ cho nước Mỹ vĩ đại".

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trong hồ sơ gửi tới thẩm phán Tòa án quận ở Washington, văn phòng của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller nêu rõ trong những cuộc phỏng vấn với các điều tra viên từ văn phòng Công tố viên đặc biệt và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), ông Manafort đã đưa ra nhiều lời nói dối.

Chú thích ảnh
Tổng thống Donald Trump. Ảnh: TTXVN

Theo hồ sơ trên, ông Manafort đã không thành thật về những lần tiếp xúc với chuyên gia tư vấn chính trị Konstantin Kilimnik, người bị nghi ngờ có quan hệ với đơn vị tình báo quân đội Nga và bị cáo buộc xâm phạm hòm thư điện tử của các thành viên đảng Dân chủ Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2016.

Ngoài ra, ông Manafort cũng đưa ra thông tin sai lệch về những lần liên hệ với các quan chức trong chính quyền hiện nay của Tổng thống Trump.   

Trước đó, ngày 14/9, ông Manafort đã đồng ý hợp tác trong cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Muller nhằm tìm kiếm khoan hồng. Theo thỏa thuận, ông Manafort đã nhận một số tội danh, cũng như trả lời thẩm vấn, bàn giao tài liệu và làm chứng tại tòa trong các trường hợp cần thiết. Ông Manafort trở thành phụ tá thứ 5 của Tổng thống Trump nhận tội. Trước đó, cựu luật sư của tổng thống, ông Michael Cohen; cựu Cố vấn An ninh quốc gia Michael Flynn, cựu Phó Chủ tịch chiến dịch Rick Gates và cựu Cố vấn Chính sách đối ngoại George Papadopoulos cũng đã nhận tội trước thẩm phán về những cáo buộc liên quan đến cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Mueller.   

Cùng ngày, các công tổ viên Mỹ đã đề nghị một tòa án ở New York đưa ra một mức án tù đối với ông Cohen, cựu luật sư riêng của Tổng thống Trump, qua đó bác đơn xin khoan hồng của ông này.     

Trong văn bản đệ trình lên tòa án, luật sư Robert Khuzami nêu rõ ông Cohen, một luật sư và doanh nhân, đã phạm 4 tội nghiêm trọng cấp liên bang trong nhiều năm, với động cơ trục lợi cá nhân. Ông này đã liên tục sử dụng quyền lực và tầm ảnh hưởng để có hành động dối trá. Luật sư Khuzami đề nghị tòa đưa ra mức án từ 51-63 tháng tù đối với ông Cohen, song để ngỏ khả năng giảm nhẹ mức án này cân nhắc tới thái độ hợp tác của ông Cohen với cơ quan chức năng trong cuộc điều tra.   

Sau tiến trình điều tra kéo dài hơn một năm, vào ngày 21/8, ông Cohen đã nhận 8 tội danh liên quan tới trốn thuế, gian lận ngân hàng và vi phạm quy tắc tài chính trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump. Ông Cohen cũng thừa nhận đã lập các khoản đóng góp công ty và khoản đóng góp chiến dịch tranh cử một cách bất hợp pháp “theo chỉ đạo” của một ứng cử viên tổng thống năm 2016 với “mục đích gây tác động tới cuộc bầu cử”.

Ngày 29/11 vừa qua, cựu luật sư riêng lâu năm của Tổng thống Trump tiếp tục thừa nhận tội lừa dối Quốc hội trong cuộc điều tra đang được tiến hành liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.  

Trong khi đó, cũng trong ngày 7/12, trong một văn bản riêng rẽ gửi lên tòa án, Công tố viên đặc biệt Mueller cho biết ông Cohen khai rằng đã liên lạc với Nga từ tháng 11/2015. Cụ thể, khoảng 5 tháng sau khi ông Trump công bố quyết định tranh cử, ông Cohen đã trao đổi qua lại với một nhân vật "được cho là đáng tin cậy" của Nga. Người này đã đề nghị cung cấp "hỗ trợ chính trị" cho chiến dịch tranh cử của ông Trump "ở cấp độ chính phủ" cũng như sắp xếp một cuộc gặp giữa ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, ông Cohen đã không đáp ứng các đề nghị này.   

Cho tới nay, Moskva vẫn bác bỏ các cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

TTXVN/Đặng Huyền - Minh Ngọc

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN