TTVH Online

Chỉ còn “nóng” ghế... kiếm tiền!

07/12/2018 17:29 GMT+7

Ngày mai 8/12 tại Hà Nội, Đại hội khoá VIII Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) nhiệm kỳ 2018 - 2022 sẽ chính thức diễn ra. Hầu hết những vị trí quan trọng nhất của bộ máy lãnh đạo VFF khoá tới như Chủ tịch, Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn… đều đã xác định được ứng viên sáng giá...

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày mai 8/12 tại Hà Nội, Đại hội khoá VIII Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) nhiệm kỳ 2018 - 2022 sẽ chính thức diễn ra. Hầu hết những vị trí quan trọng nhất của bộ máy lãnh đạo VFF khoá tới như Chủ tịch, Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn… đều đã xác định được ứng viên sáng giá, và tất cả sự chú ý hiện giờ đều hướng về cuộc đua cho chiếc ghế Phó Chủ tịch tài chính của Liên đoàn.

Chiếc ghế kiếm tiền này có 4 ứng viên đang cạnh tranh quyết liệt gồm ông Trần Văn Liêng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Ca cao Việt Nam), Lê Văn Thành (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Động Lực), Cấn Văn Nghĩa (nguyên Giám đốc Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình) và ông Nguyễn Hoài Nam (Tổng Giám đốc Tập đoàn Berjaya Việt Nam).

Và nhìn vào bản danh sách ứng viên kể trên, có thể thấy sự phân chia rất thú vị, khi ông Lê Văn Thành và ông Cấn Văn Nghĩa thuộc nhóm ứng viên đã hoạt động lâu năm trong ngành thể thao hoặc liên quan tới ngành thể thao, còn ông Trần Văn Liêng và ông Nguyễn Hoài Nam lại là doanh nhân thực thụ.

Có lẽ cũng bởi là 2 doanh nhân thực thụ nên cả ông Liêng lẫn ông Nam đều có đề án tranh cử rất rõ ràng, khác hẳn với những ứng viên xuất thân từ ngành thể thao như ông Nghĩa hay ông Thành.

Cụ thể, ông Liêng đưa ra khẩu hiệu "Kế thừa và đột phá" cho cương lĩnh tranh cử của mình, và đề xuất 5 giải pháp để kiếm tiền cho bóng đá Việt Nam, trong đó, nổi bật nhất chính là Hệ sinh thái bóng đá Việt Nam (VFEco), một phần mềm ứng dụng hoạt động trên nền tảng điện thoại thông minh và các thiết bị di động khác, cho phép người hâm mộ bóng đá, giới truyền thông dễ dàng tiếp cận các sản phẩm bóng đá phong phú.

Theo ông Liêng, nguồn thu chính của VFEco là phí tải app ứng dụng theo các gói dịch vụ sản phẩm bóng đá từ miễn phí đến thu phí cơ bản và nâng cao mà người hâm mộ bỏ ra.

Gia nhập cuộc đua tranh cử chức Phó Chủ tịch tài chính VFF khoá VIII sau ông Liêng nhưng kế hoạch mà ông Nam đưa ra lại hoành tráng hơn rất nhiều, khi doanh nhân này đặt ra mục tiêu tham dự World Cup cho bóng đá Việt Nam.

Trong sự kiện công bố đề án tranh cử Phó Chủ tịch tài chính khoá VIII tổ chức vào sáng 29/11 vừa qua tại TP.HCM, ông Nam đã tuyên bố: "Chúng ta cứ mãi loay hoay với ước mơ vô địch Đông Nam Á, với SEA Games, với AFF Cup nhưng hầu như chúng ta không có được niềm vui trọn vẹn trong hơn một thập kỷ qua".

Trong đề án tranh cử mang tên "Giấc mơ Việt Nam - Giấc mơ World Cup” của mình, ông Nam đã vạch ra căn cứ và lộ trình cụ thể để hiện thực hoá giấc mơ World Cup cho bóng đá Việt Nam, điều mà không ít người hâm mộ vẫn cho là một mục tiêu quá sức.

Cơ sở để ông Nam nêu ra mục tiêu như vậy là việc bóng đá Việt Nam liên tục gặt hái được những thành tích ấn tượng ở sân chơi quốc tế trong thời gian vừa qua như chức á quân VCK U23 châu Á năm 2018, vị trí hạng Tư tại ASIAD 2018 hay tấm vé tham dự VCK ASIAN Cup 2019.

Vì thế, ông Nam cho rằng người hâm mộ Việt Nam hoàn toàn có thể mơ tới kịch bản đội tuyển Việt Nam một ngày nào đó sẽ góp mặt tại một kỳ World Cup. Ông Nam đặt mục tiêu đến World Cup 2026 và 2030, khi số đội được tham dự VCK nâng lên thành 48 đội và châu Á có 8,5 suất tham dự, thì khi đó bóng đá Việt Nam có thể góp mặt nếu chúng ta có lộ trình đúng đắn và bài bản.

Nhằm đưa ra thêm bằng chứng thuyết phục cho đề án "Giấc mơ Việt Nam – Giấc mơ World Cup” của mình, ông Nam tiết lộ: "Để chuẩn bị cho hoạt động tranh cử, tôi đã dành thời gian nghiên cứu rất kỹ, đi vòng quanh các CLB bóng đá của châu Âu, học hỏi và tham khảo từ những chuyên gia của các công ty nổi tiếng thế giới về điều hành bóng đá".

Hiện nay ông Nam là là thành viên Hội đồng quản trị hai đội bóng K.V. Kortrijk (Bỉ) và Sarajevo (Bosnia-Herzegovina). Những đội bóng này đều đang chơi ở hạng đấu cao nhất của Bỉ và Bosnia-Herzegovina.

Ông Nam hứa hẹn, nếu giành được ghế Phó Chủ tịch tài chính VFF, ông sẽ làm việc với hai đội K.V. Kortrijk và Sarajevo, để đưa cầu thủ của họ sang giải V-League thi đấu, hoặc tạo điều kiện để đội tuyển Việt Nam sang tập huấn tại Bỉ và Bosnia-Herzegovina.

Không chỉ có như vậy, ông Nam còn nhận được lời hứa hẹn ủng hộ từ ông Lê Đức Nghĩa, Tổng Giám đốc của doanh nghiệp là nhà tài trợ chính cho giải bóng đá hạng Nhất quốc gia 2018, và mới đây nhất, một tập đoàn lớn đã tuyên bố sẽ ủng hộ cho VFF khoá VIII số tiền từ 100 đến 200 tỷ đồng nếu như ông Nguyễn Hoài Nam trúng cử.

Tất cả điều này khiến cho ông Nam tuy đến sau nhưng lại đang nổi lên như là ứng viên sáng giá nhất cho vị trí Phó Chủ tịch tài chính VFF. Chiếc ghế này trong 2 nhiệm kỳ gần đây đều được trao cho những doanh nhân thực thụ, là ông Lê Hùng Dũng ở khoá VI và ông Đoàn Nguyên Đức ở khoá VII, nên cơ hội dành cho những ứng viên xuất thân từ ngành thể thao như ông Nghĩa hay ông Thành là không cao.

Đấy còn chưa kể tới việc ông Nghĩa vẫn chưa xử lý dứt điểm vụ việc nợ tiền thuế đất của Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình dưới thời ông Nghĩa, và bản thân ông Nghĩa cũng lớn tuổi (đã về hưu từ tháng 9/2018), nên nếu cần lựa chọn một gương mặt là doanh nhân thành đạt và trẻ trung cho vị trí Phó Chủ tịch tài chính VFF thì ông Nghĩa không phải là một ứng viên thích hợp.

Hôm nay, VFF quyết định vụ bán vé online chung kết Việt Nam vs Malaysia

Hôm nay, VFF quyết định vụ bán vé online chung kết Việt Nam vs Malaysia

Nội trong hôm nay, 7/12, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) mới quyết định hình thức bán vé trận chung kết lượt về giữa Việt Nam vs Malaysia ngày 15/12 tại Mỹ Đình.

Trong khi đó, ứng viên còn lại là ông Lê Văn Thành tuy là doanh nhân hoạt động lâu năm trong ngành thể thao nhưng bản thân ông Thành đang giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam nên cũng có không ít người lo ngại rằng nếu như ông Thành trúng cử chức Phó Chủ tịch tài chính VFF thì ông có sắp xếp được quỹ thời gian để đảm nhận công việc này một cách tốt nhất hay không.

Tất cả những điều này đều khiến cho cuộc đua đến chức Phó Chủ tịch tài chính VFF khoá VII trở nên rất khó lường, và khả năng kiếm tiền của VFF khoá tới sẽ được dự đoán ngay từ danh tính của người thắng cuộc ở cuộc đua này.

Đại hội không "nóng"

Theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng bởi sự kiện bóng đá được quan tâm nhất vào thời điểm này với với người hâm mộ nước nhà là cuộc hành trình tại AFF Cup 2018 của thầy trò HLV Park Hang Seo. Chả mấy ai quan tâm đến Đại hội VFF - Tổ chức chuyên môn quyền lực nhất của bóng đá Việt Nam.

Hơn thế, 2 vị trí được xem là quan trọng nhất của Liên đoàn khóa tới coi như cũng đã an bài khi chỉ có mình Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải tranh cử chức Chủ tịch và chiếc ghế Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn khó ai có thể qua nổi ông Trần Quốc Tuấn.

Huy Anh

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN