TTVH Online

23 đứa trẻ bị 'lấy lời khai': Sự ngoan ngoãn sau cái tát

04/12/2018 07:12 GMT+7

Ngành giáo dục địa phương lại yêu cầu Trường THCS Duy Ninh(tỉnh Quảng Bình) kiểm điểm.

(Thethaovanhoa.vn) - Ngành giáo dục địa phương lại yêu cầu Trường THCS Duy Ninh (tỉnh Quảng Bình) kiểm điểm.

Tát bạn, các em cũng là những nạn nhân

Tát bạn, các em cũng là những nạn nhân

Vụ việc tại lớp 6/2 Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình vừa được cơ quan điều tra địa phương ra quyết định khởi tố.

Không phải kiểm điểm về câu chuyện cũ khi một cô giáo ở đây bị cho là đã yêu cầu 23 học sinh tát một bạn trong lớp 230 cái, trước khi cô bồi thêm cái tát cuối cùng. Sự việc đang gắn với một câu chuyện mới, khi nhà trường yêu cầu 23 học sinh này phải trả lời một bản 19 câu hỏi chi tiết và ghi rõ “đây là lời khai...”

Điều gì đang xảy ra với 23 đứa trẻ ấy – khi mà sau khi tuân lệnh cô giáo để tát bạn 230 cái - các em lại một lần nữa tiếp tục tuân lệnh nhà trường để thực hiện chuyện “lấy lời khai”, như cách mà dư luận đang gọi?

Câu hỏi đau lòng đó, tôi đã đặt ra khi theo dõi vụ bạo hành kinh khủng này trong những ngày qua. Và việc tìm câu trả lời đó không dễ, khi chúng ta cần cố gắng không suy diễn và áp đặt những suy nghĩ chủ quan của mình.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Là người cũng đã lớn lên dưới mái trường của nền giáo dục Việt Nam và từng trải qua không ít câu chuyện liên quan đến bạo hành học đường, sau khi đọc kĩ những thông tin mà bọn trẻ đã cung cấp, tôi tin rằng không phải các em ấu trĩ tới mức thiếu phân biệt đúng sai khi tát bạn.

Đám trẻ tuân lời cô bởi chúng được dạy phải vâng lời, phải trở thành những con ngoan trò giỏi – cách tư duy mà nền giáo dục của chúng ta, từ nhà trường cho đến gia đình đã áp đặt lên các em trong suốt nhiều năm qua. Các em không phải là “đồng phạm”, mà chính là nạn nhân của một tư duy giáo dục giáo điều và cũ kỹ.

Để rồi bây giờ, 23 đứa trẻ lại phải ngoan ngoãn tuân lệnh nhà trường, trả lời các câu hỏi rất chi tiết (mang tính chất “hỏi cung”) về hành vi của mình (và của các bạn). Nhà trường, trong một chừng mực, có quyền điều tra theo cách của mình. Nhưng, cách điều tra ấy không thể áp đặt một cách chủ quan, duy ý chí và không hề nghĩ tới phản ứng hay cảm giác mà các em học sinh phải gánh chịu. Nói cách khác, các em nhỏ cũng hoàn toàn có những quyền riêng của mình. Và quyền của các em cần được thấu hiểu và tôn trọng, thay vì mặc nhiên bị dẹp sang một bên.

Được biết, phòng GD-ĐT huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) đã yêu cầu Trường THCS Duy Ninh thu hồi và xử lý toàn bộ những bản khai của HS đã viết, kiểm điểm nghiêm túc về việc làm sai trái, không đúng thẩm quyền của nhà trường.

***

Nhiều người đã nói tới tình trạng “yếu thế” của các em khi mặc định phải tuân theo những yêu cầu trên giảng đường trong câu chuyện này. Nhưng, từ tình trạng ấy, hãy nhìn vào một thực tế: chúng ta không hề thấy vai trò từ gia đình, hoặc những người giám hộ của các em, trong câu chuyện. Họ đã ở đâu trong vụ việc này, từ khi các em phải tát bạn, cho tới lúc phải tham dự cuộc “điều tra”?

Thực tế, vấn đề giám hộ nhiều khi không được hiểu một cách nghiêm túc ở Việt Nam. Chẳng hạn có bạn đã cười giễu, khi tôi kể rằng có những nhà trường từng gửi thư về gia đình của mỗi học sinh trong lớp chỉ để xin phép về việc chụp ảnh con với lớp. Và gia đình quyết định thế nào thì nhà trường cũng phải tôn trọng.

Khi các bậc cha mẹ không hiểu và không lên tiếng về quyền của mình trong việc bảo vệ những quyền lợi thực tế của trẻ.

Thẳng thắn, chúng ta thường đau đáu đến chuyện điểm số của con mình, chuyện học phí, chuyện đóng tiền cho các loại quỹ và và cho cả việc“chăm sóc” các giáo viên – trong khi quá ít bậc cha mẹ chịu tìm hiểu, chịu lên tiếng và hành động để bảo vệ những quyền lợi thực tế của con mình trong nhà trường.

Với câu chuyện 231 cái tát ở Quảng Bình, chúng ta đang say sưa công kích cô giáo, công kích nhà trường và công kích cả nền giáo dục. Nhưng, ngoài những câu chuyện ấy, hãy nghĩ rộng hơn, tới vai trò làm cha mẹ (và cả vai trò giám hộ về mặt pháp lý cho trẻ vị thành niên) trong câu chuyện.

Nếu chuyện tương tự xảy ra với bản thân: con bạn bị tát, hoặc tát bạn, bạn sẽ làm gì để các em được bảo vệ, được xóa bỏ những vết thương tâm lý và sớm bước qua câu chuyện này?

Anh Ngọc

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN