TTVH Online

Nhìn lại bài học nơi 'trăm năm không có bão' để tránh lặp lại nỗi đau

24/11/2018 22:51 GMT+7

Với đường di chuyển cũng gần như cơn bão số 9 đang chuẩn bị đổ bộ, cơn bão này đã để lại những nỗi đau khôn nguôi cả về nhân mạng và của cải với người dân Nam Bộ nơi mệnh danh trăm năm không có bão. Đến bây giờ, có những gia đình không thể tìm thấy thân nhân.

(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây hơn 20 năm, cũng vào tháng 11, chính xác là ngày 2/11/1997, cơn bão Linda đã đổ bộ vào miền Nam nước ta, gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng với hơn 3.000 người thiệt mạng và mất tích, hàng trăm nghìn ngôi nhà bị tốc mái và sập đổ.

Bão số 9 mạnh giật cấp 12 chỉ còn cách Nha Trang hơn 200km, diễn biến rất khó lường

Bão số 9 mạnh giật cấp 12 chỉ còn cách Nha Trang hơn 200km, diễn biến rất khó lường

Hồi 16 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc; 111,2 độ Kinh Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 300km, cách Nha Trang khoảng 290km, cách Phan Thiết khoảng 340km, cách Vũng Tàu khoảng 440km.

Cơn bão này đã để lại những nỗi đau khôn nguôi cả về nhân mạng và của cải với người dân Nam Bộ nơi mệnh danh "trăm năm không có bão". Đến bây giờ, có những gia đình không thể tìm thấy thân nhân. Nhìn lại cơn bão này, khi cơn bão số 9 đang chuẩn bị đổ bộ, chúng ta đã có được nhiều bài học về công tác ứng phó với thiên tai, những bài học đã phải trả bằng cái giá quá đắt để tránh lặp lại những nỗi đau.

Nơi "trăm năm không có bão"

Với hầu hết người dân Nam Bộ, 20 năm trước, cơn bão Linda đổ bộ vào các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long là cơn bão lớn đầu tiên họ phải đối mặt, nhưng lại là cơn bão ám ảnh họ suốt cả cuộc đời. Bởi cơn bão thảm khốc này đã bất ngờ đổ bộ vào vùng đất “trăm năm không có bão”, gây ra thiệt hại nặng nề, khiến hàng nghìn người dân 21 tỉnh Nam Bộ thiệt mạng và mất tích.

20 năm qua đã có 35 cơn bão mạnh từ cấp 10 trở lên đổ bộ vào đất liền nước ta. Nhưng chưa có cơn bão nào gây ra thiệt hại khủng khiếp như cơn bão năm 1997. Những dự báo đã được đưa ra, nhưng không nhiều người tin đó là sự thật.

Bão số 9, Tin bão số 9, Cơn bão số 9, Tin bão, Tin bão mới, tin bão số 9 năm 2018, tin bão mới nhất, bão số 9 đổ bộ, dự báo thời tiết, bão số 9 mới nhất, bão số 9 2018
Người dân ngóng tàu cứu hộ vớt tử thi và chuyển qua phương tiện vỏ lãi để đưa vào bờ

12 giờ trưa ngày 2/11/1997 tâm bão đi qua phía Nam của Côn Đảo với sức gió cấp 10, giật cấp 11,12. Bão đi vào vùng bờ biển Cà Mau, Bạc Liêu và đổ bộ vào đất liền với sức gió mạnh nhất đạt cấp 8, cấp 9. Sáng 3/11/1997, bão đi sang vùng biển Cà Mau-Kiên Giang và đi về phía Tây vịnh Thái Lan.

Trước khi bão tới, dù đã có những cảnh báo đến người dân, nhưng do bão di chuyển nhanh hơn dự kiến và đây cũng là khu vực hiếm khi gặp phải xoáy thuận nhiệt đới nên ít có kinh nghiệm đối phó. Bão nhiệt đới Linda đã trút xuống một lượng mưa lớn trên khắp miền Nam Việt Nam, tối đa đạt 23,3cm tại Cần Thơ. Thiệt hại ở khu vực này là nặng nề, đặc biệt tại tỉnh cực Nam Cà Mau nơi cơn bão tấn công trực tiếp. Một số tỉnh khác cũng chịu tổn thất nghiêm trọng là Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang.

Khi đó, được nhận định bão rất mạnh và “dị thường”, ông Lê Huy Ngọ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương đã chỉ đạo thành viên Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai gọi điện đến tất cả các lãnh đạo địa phương vùng có bão để cảnh báo, nhưng cả cán bộ, chính quyền địa phương cùng người dân nơi đây đều cho rằng “trong đây làm gì có bão mà ngoài đó cứ hốt hoảng với bão”.

Trong khi đó, bão đi ở vĩ tuyến rất thấp, sát với bờ biển, sát với vùng đánh cá, sát với vùng sinh sống của người dân. Và sự chủ quan đã phải trả một giá cực kỳ đắt khi cơn bão lịch sử Linda đã gây nên một thảm họa kinh hoàng làm hơn 3.000 người thiệt mạng và mất tích, hàng trăm nghìn ngôi nhà bị tốc mái và sập đổ, cảnh tượng tan hoang chưa từng thấy. Theo thống kê của cơ quan chức năng, bão số 5 năm 1997 đã gây thiệt hại tại 21 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ với thiệt hại vật chất ước tính gần 7.200 tỷ đồng...

Bão số 9, Tin bão số 9, Cơn bão số 9, Tin bão, Tin bão mới, tin bão số 9 năm 2018, tin bão mới nhất, bão số 9 đổ bộ, dự báo thời tiết, bão số 9 mới nhất, bão số 9 2018
Trong ảnh là em Tạ Diễm Tuyền, đứa trẻ duy nhất trong 11 đứa trẻ trên chiếc tàu chạy bão bên mộ mẹ và 2 em, Tuyền còn người em mất tích

Bây giờ, tại những địa phương có nhiều người chết và mất tích, tượng đài Linda đã được xây dựng để tưởng niệm các nạn nhân của cơn bão. Và trên các tượng đài này ghi lại những con số thiệt hại như một lời nhắc nhở cho nhiều thế hệ sau về ý thức rằng, thiên tai có thể đến ngay khi chúng ta ít lường nhất.

Không thể “nghe điện thoại chỉ đạo chống bão”

Dù cơn bão đã qua 20 năm nhưng chưa ai hết bàng hoàng, không chỉ vì thiệt hại thảm khốc mà còn là sự chủ quan, lúng túng trong công tác ứng phó với thiên tai từ các cơ quan chức năng đến người dân. Bởi trong ít nhất nửa thế kỷ, chưa bao giờ người dân Nam Bộ biết đến khái niệm bão. Chính điều này khiến chính quyền không vào cuộc quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, ứng phó, dẫn đến thiệt hại lớn. Việc nâng cao nhận thức là điều cốt lõi giúp giảm rủi ro thiên tai trước tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp và khó lường.

Qua từng cơn bão hay những thiên tai gặp phải cần rút kinh nghiệm, bài học thiết thực, phù hợp, là phải lăn vào vùng bão, chủ động, quyết liệt, không thể “nghe điện thoại rồi chỉ đạo chống bão”. Đặc biệt, lấy tiêu chí tính mạng và tài sản của nhân dân là trên hết, để chủ động phòng tránh, chủ động thông tin đến người dân và các cấp chính quyền. Do đó, các địa phương cần ngày càng hoàn thiện, nâng cao năng lực điều hành, ứng phó kịp thời thiên tai.

Bão số 9, Tin bão số 9, Cơn bão số 9, Tin bão, Tin bão mới, tin bão số 9 năm 2018, tin bão mới nhất, bão số 9 đổ bộ, dự báo thời tiết, bão số 9 mới nhất, bão số 9 2018
Đường đi của bão số 9

Và để ứng phó với thiên tai một cách hiệu quả hơn, cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dự báo, trong đó có dự báo bão, nâng cao nhận thức của ngư dân trong việc chấp hành chỉ đạo của các cấp chính quyền trong việc tránh trú bão, bởi hiện vẫn còn hiện tượng ngư dân tắt các thiết bị liên lạc, tiếp tục đánh bắt khi đã có lệnh về nơi trú ẩn, đầu tư cơ sở hạ tầng tránh trú tàu thuyền, khôi phục rừng phòng hộ ven biển, củng cố nâng cấp hệ thống đê điều.

Lá thư của Thủ tướng sau 2 thập kỷ

Năm 2017, tròn 20 năm sau cơn bão Linda, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư thăm hỏi, chia sẻ thân nhân các gia đình về những mất mát do cơn bão gây ra:

"Hai mươi năm về trước, vào ngày 02 tháng 11 năm 1997, cơn bão Linda rất mạnh, bất ngờ và dị thường đã đổ bộ vào đồng bằng sông Cửu Long - vùng đất rất hiếm khi có bão.

Bão đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản, đặc biệt đối với tỉnh Cà Mau. Rất nhiều ngư dân và tàu thuyền của đồng bào ta đã nằm lại nơi biển khơi. Nhà cửa và cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nặng nề. Cả hệ thống chính trị cùng nhân dân, chiến sỹ và các lực lượng phòng, chống thiên tai đã nỗ lực ứng phó, khắc phục thiệt hại, giúp đồng bào vượt qua nỗi đau, khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.

Sau hai thập kỷ, nỗi đau của các gia đình bị mất người thân vẫn còn đó. Vào ngày này, tất cả chúng ta đều xúc động và nhớ đến thời khắc đau thương đã xảy ra. Thay mặt Chính phủ, tôi gửi tới đồng bào, thân nhân các gia đình bị thiệt hại lời thăm hỏi, chia sẻ sâu sắc nhất. Đồng thời, tôi cũng ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của chiến sỹ và lực lượng phòng, chống thiên tai.

Thời gian gần đây, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, xảy ra trên khắp các vùng miền cả nước. Các thách thức của biến đổi khí hậu, sự suy giảm rừng phòng hộ ven biển, lún sụt đất, nước biển dâng... là những yếu tố làm tăng nguy cơ rủi ro khi có thiên tai, nhất là bão, áp thấp nhiệt đới đối với đồng bằng sông Cửu Long.

Với bài học đắt giá từ cơn bão Linda, tôi kêu gọi đồng bào, chiến sĩ và các lực lượng phòng, chống thiên tai cả nước, trong đó có các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cần đề cao cảnh giác, sẵn sàng, chủ động ứng phó với thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Thân ái

Nguyễn Xuân Phúc

Nhi Thảo

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN