TTVH Online

Chủ nhật này, Fernando Alonso chia tay F1: Sự nuối tiếc của một ngôi sao

23/11/2018 06:42 GMT+7

Chủ nhật này, đường đua Yas Marina ở Abu Dhabi sẽ là nơi Fernando Alonso chia tay người hâm mộ F1, khép lại một sự nghiệp vinh quang, nhưng cũng đầy tiếc nuối.

(Thethaovanhoa.vn) - Chủ nhật này, đường đua Yas Marina ở Abu Dhabi sẽ là nơi Fernando Alonso chia tay người hâm mộ F1, khép lại một sự nghiệp vinh quang, nhưng cũng đầy tiếc nuối.

F1 tại Việt Nam: Những thách thức cho Vietnam Grand Prix 2020

F1 tại Việt Nam: Những thách thức cho Vietnam Grand Prix 2020

Giải đua Công thức 1 (F1) sẽ tới Hà Nội, Việt Nam vào năm 2020. Thế nhưng, trước và sau khi Vietnam Grand Prix diễn ra sẽ là những thách thức không nhỏ cho tương lai của F1 và của chính chặng đua này.

“Anh ấy là tay lái vĩ đại nhất mà tôi từng đua cùng”, Lewis Hamilton đã quả quyết như thế hồi tháng Tám khi được hỏi về Alonso, người vừa tuyên bố sẽ chia tay F1 vào cuối mùa. Anh không hề nhắc đến kình địch Sebastian Vettel – từng 4 lần vô địch thế giới, hay đồng đội Valtteri Bottas, chứ đừng nói đến bộ đôi Red Bull Max Verstappen và Daniel Ricciardo.

Vinh quang và tiếc nuối

Trong lịch sử F1, chỉ có 16 tay đua từng hơn một lần vô địch thế giới, và Alonso là một trong số ấy. Nhưng người ta vẫn có cảm giác anh không thể phát huy hết tài năng của mình.

12 năm trước, khi Alonso bước ra khỏi chiếc Renault và giơ tay lên trời ăn mừng ở Grand Prix Brazil, rất nhiều người đã nghĩ đến một huyền thoại mới sẽ thống trị F1, như Michael Schumacher từng làm được ở đầu những năm 2000. Nhưng kể từ đó, anh không vô địch thế giới lần nào nữa, dù 3 lần về nhì (2010, 2012, 2013) trong màu áo Ferrrari. Chủ nhật này, ít người dám đặt cửa Alonso sẽ đứng trên bục podium, thậm chí giành điểm cũng khó (5 chặng gần nhất, anh trắng tay). Và có lẽ đó là lúc Alonso nhìn lại sự nghiệp của mình với những quyết định tiếc nuối dẫn đến việc không thể bổ sung thêm vào bộ sưu tập của mình ít nhất một danh hiệu nữa.

“Thể thao cũng giống như chơi cờ vậy, đôi khi khác biệt chỉ nằm ở việc bạn đi đúng một nước mà thôi”, Hamilton so sánh. Tay lái người Anh muốn nói đến việc chọn đúng đội đua và đúng thời điểm. Tài năng là cần thiết nhưng trong F1, việc chọn đúng được động cơ hảo hạng, hay ít nhất là một chiếc xe giàu sức cạnh tranh cũng rất quan trọng.

Muốn thành công, phải đi đúng con đường

Một năm sau chức vô địch năm 2006, Alonso suýt vô địch năm thứ ba liên tiếp, trong màu áo McLaren, nhưng rồi sau mâu thuẫn không thể hàn gắn với Lewis Hamilton, anh đã quyết định ra đi. Anh trở lại Renault, nhưng đội đua này không còn là ứng viên vô địch nữa. Hamilton ở lại McLaren, và vô địch dù mắc không ít sai lầm. Nếu Alonso ở lại, có thể anh đã có chức VĐTG thứ ba rồi.

Năm 2010, Alonso gia nhập Ferrari, đội đua giàu truyền thống, với 6 chức vô địch cá nhân và 7 chức vô địch đội đua trong một thập kỷ trước đó. Song đó lại là thời điểm nổi lên của Red Bull, đội đua mà anh từng từ chối khi rời McLaren cuối năm 2007. Dù rất cố gắng, Alonso chỉ hai lần về nhì vào các năm 2010, 2012 sau khi đua với Vettel đến tận chặng cuối cùng. Năm 2014, mối quan hệ giữa anh và Ferrari lại đổ vỡ khi đội đua này trải qua mùa giải đầu tiên sau 21 năm không vô địch chặng nào.

Alonso rời Ferrari, nhường chỗ cho… Vettel. Và một lần nữa, đó là quyết định sai lầm. Đội đua Italia lấy lại phong độ, dù không vô địch bởi sự thống trị của Mercedes, trong khi Alonso thì vật lộn cùng McLaren. Vị trí thứ 5 ở Australia, khi ngăn chặn tài năng trẻ Max Verstappen chứng tỏ Alonso chưa hề đánh mất những phẩm chất của mình, song cá tính phức tạp của anh đã làm hại chính anh, và các đội đua lớn đều phớt lờ anh những năm gần đây.

Lời tri ân của Hamilton như một sự nhắc nhở rằng F1 sẽ không bao giờ quên Alonso, nhưng 17 năm sự nghiệp của tay lái người Tây Ban Nha là một lời cảnh báo cho thế hệ sau: tài năng đến mấy cũng không thể thành công, nếu chọn sai đường.

Alonso: “Theo đuổi F1 là không có thời gian cho bạn bè và gia đình"

“Những chiếc xe có sức hút thật đặc biệt. Vấn đề không phải là bạn xếp thứ 14, thứ 5, hay cạnh tranh chức vô địch. Chỉ cần bạn ra ngoài đó và đua phân hạng, hoặc thậm chí đua thử thôi, đó cũng là cảm giác đặc biệt rồi. Nhưng đằng sau nó là những khía cạnh tiêu cực, nhất là khi bạn đã gắn bó 18 năm với nó”, Alonso tâm sự, “Bạn muốn gắn bó với nó cả đời ư? Hãy xác định không bạn bè, gia đình, thời gian rảnh rỗi, sự riêng tư, không vợ con nếu muốn cống hiến toàn bộ cho F1. Về phần mình, tôi nghĩ giờ mình đã có những ưu tiên khác”.

Sau khi vô địch thế giới năm 2005, Alonso là đại sứ của Đại học Oxford Brookes, và sinh sống luôn tại đây. Một năm sau, anh mua một căn biệt thự ở Mont-sur-Roller và chuyển đến đây sống trong 4 năm, rồi lại sang Lugano, bởi nơi đó gần đội đua Ferrari mà anh chuyển sang. Và vì nhớ nhà, anh lại bỏ Thụy Sĩ, thiên đường giảm thuế, để trở về quê nhà Oviedo, bất chấp việc đó khiến anh mất hơn 50 triệu euro tiền thuế.

Tháng 11/2006, Alonso cưới Raquel del Rosario, giọng ca chính của nhóm El Sueno del Morfeo. Nhưng đến tháng 12/2011, họ tuyên bố li dị. Sau đó là những cuộc phiêu lưu tình ái với người mẫu Nga Dasha Kasputina, nhà báo Tây Ban Nha Lara Alvarez, và bây giờ là siêu mẫu Italy Linda Morselli. Hiện giờ, anh sống ở Dubai.

Chia tay F1, Alonso sẽ thử sức với Indy Car và Le Mans 24 h. Và khi được hỏi về khả năng trở lại với F1, anh không phủ nhận hoàn toàn: “Thời điểm này thì khó mà nghĩ đến chuyện trở lại được, nhưng cánh cửa thì không đóng. Tôi muốn xem mình cảm thấy thế nào vào năm sau đã”.

Phương Chi

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN