TTVH Online

Nhân 40 năm ngày mất NSƯT Thanh Nga: Đi đâu cũng gặp 'Thánh cô' Thanh Nga

21/11/2018 07:19 GMT+7

Ngày 26/11/1978, khi vừa bước qua tuổi 36 tuổi, đang lúc hoàng kim của nghề diễn, nghệ sĩ Thanh Nga bị bắn chết cùng chồng ngay trước cửa nhà ở đường Ngô Tùng Châu (nay là Lê Thị Riêng, Q.1, TP.HCM). Vụ án gây chấn động dư luận bấy giờ.

(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Ngày 26/11/1978, khi vừa bước qua tuổi 36 tuổi, đang lúc hoàng kim của nghề diễn, nghệ sĩ Thanh Nga bị bắn chết cùng chồng ngay trước cửa nhà ở đường Ngô Tùng Châu (nay là Lê Thị Riêng, Q.1, TP.HCM). Vụ án gây chấn động dư luận bấy giờ. Năm 1984, Thanh Nga được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú; năm 2015, tên bà được đặt cho một con đường tại khu dân cư Gia Hòa (Q.9, TP.HCM).

NSƯT Thanh Nga được đặt tên đường ở TP.HCM

NSƯT Thanh Nga được đặt tên đường ở TP.HCM

Theo thông tin từ NSƯT Hữu Châu, dự kiến lúc 14h ngày 4/2 tại quận 9, TP.HCM sẽ diễn ra lễ trao kỷ niệm chương cho NSƯT Thanh Nga (1942-1978), một “nữ hoàng sân khấu” của miền Nam và chính thức đặt tên Thanh Nga cho đường 21A tại Q.9, TP.HCM.

Báo Thể thao và Văn hóa trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn - đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc về nghệ sĩ đã thành huyền thoại này.

Sức lan tỏa tích cực sau khi chết

Có một thời gian, tôi đi đâu cũng gặp cô Thanh Nga. Ở Việt Nam, ghé đêm diễn có vở của mình, vào thắp nhang ở bàn thờ tổ, thấy cô ngay cạnh đó, bàn tổ đỏ mấy cây nhang là bàn cô thơm mấy nén hương. Ghé làm việc với Đàm ca sĩ, người có mật độ xuất hiện trên các trang báo dày đặc, cũng thấy một góc trang trọng trong ngôi biệt thự ấy là chỗ cậu thờ cô. Có lẽ ngoài việc cùng trong giới biểu diễn, cả hai đều ôm một chữ hiếu đầy ân tình, cùng nghiệt ngã theo mình.

Chú thích ảnh
NSƯT Thanh Nga

Sang quận Cam (Mỹ), làm đạo diễn cho một vở kịch, sáng sớm bà bầu thành kính rước hình cô từ bàn thờ ở tư gia để đưa tới rạp. Ghé một rạp hát được chọn làm bối cảnh cho phim Song lang để VTV4 quay phim tài liệu về Leon, bàn thờ cô vẫn còn đó, cạnh bàn thờ tổ.

Tôi biết còn nhiều nơi khác thờ và giỗ cô hàng năm, dù sinh thời có thể họ không có quan hệ gì trực tiếp. Hiếm có nghệ sĩ nào ở Việt Nam được nghệ sĩ thành kính đến vậy.

Chú thích ảnh
Phim “Song lang” của Leon Quang Lê đã xin phép ghi hình bàn thờ cô Thanh Nga tại một sân khấu ở TP.HCM

Khi mất, cô Thanh Nga được ở cạnh chồng. Hà Linh, con của cô giờ đã lớn, đã có đời riêng, sự nghiệp riêng… nhưng tôi vẫn muốn gọi nghệ sĩ Thanh Nga là cô, như vẫn xin được gọi cô với cô bảy Phùng Há, dù cô bảy lận đận mấy đời chồng, các con đều rời cõi nhân sinh trước mình. Với hai cô, có lẽ nên thêm chữ “thánh” phía trước. Hai cô đã sống đời cho nghề nhiều hơn đời riêng của mình. Cô bảy thì dùng tiền người ta tặng mình để Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế mua đất làm nơi yên nghỉ cho những nghệ sĩ cải lương, rồi cạnh nghĩa trang còn có Chùa Nghệ sĩ.

Riêng cô Thanh Nga, tới cái chết của cô cũng phủ màu huyền thoại. Nhiều người không thể quên được hai cái chết quá đau lòng trong giới nghệ sĩ. Một của cô Thanh Nga, một của cả gia đình Lưu Quang Vũ. Đó là hai nhân vật của sân khấu Việt Nam mà sức sống sau khi chết vẫn có sức lan tỏa tích cực tới nhiều người.

Chú thích ảnh
NSND Hồng Vân cho biết đã thờ cô Thanh Nga tại tư gia từ năm 1978, sau này thờ cạnh bàn thờ tổ sân khấu

Có những tác giả, đạo diễn cho ra tác phẩm vì chính mình hay thân nhân họ đang chức, đang quyền. Trong nghề thường nói đùa là họ “bán vé bằng súng”, dí dân đi coi, chưa kể còn có thời đóng cửa không cho khán giả ra về. Còn tài năng thật sự thì có rời cõi thế này lâu tới đâu, người ta cũng kiếm tác phẩm cũ ra làm lại, hay nhắc nhớ với bao tiếc nuối, nhớ thương.

Sắc, thanh, tài, tướng vẹn toàn

Thành thật mà nói, khi phải tính toán mời ai vào vai nữ chánh của sân khấu hoặc phim, chúng tôi đều thấy mấy đời sau này, hiếm tìm ra được người tài sắc vẹn toàn như cô Thanh Nga. Người được cái này thì ca chênh, người có giọng hát ngọt ngào thì vóc dáng không thích hợp hình tượng nhân vật đó. Nghệ sĩ kịch hát cần sắc, thanh, tài, tướng thì cô Thanh Nga không thiếu hụt một phách nào. Cô không chỉ đóng đào thương, cô cũng từng xuất sắc trong vai Hoạn Thư, làm nền cho Bạch Tuyết đóng Kiều.

Chú thích ảnh
Hình cô Thanh Nga do bà bầu Thúy Uyển mang đến đặt tại bàn thờ ở Performing Art Center, California (Mỹ)

Xưa đóng Quan Công, kép hát trước khi diễn chính thức, phải nằm đất ăn chay, thậm chí không gần vợ mấy ngày. Đã là người của công chúng, ngoài việc văn ôn, võ luyện, còn phải kiềm chế những khát vọng đời riêng, không thể chỉ nghĩ đến niềm vui riêng của mình mà bất chấp dư luận. Một khi nghệ sĩ được gắn thêm hai chữ “quốc dân” vào tên mình, rõ ràng không phải bỏ tiền mà mua được.

“Quốc dân” không cần bạn sống đời đơn lẻ, trinh bạch tới lúc chết, nhưng họ không tha thứ đâu nếu bạn một phút ham vui, chuộng lợi hoặc danh, mà buông bỏ rào chắn, phá phách trong đời thường. Xét về mặt đó, mọi người có thể yên lòng về cô Thanh Nga. Giờ có dịp gặp những chứng nhân xưa, như nghe Thành Được - một thời là Lĩnh Nam của Giáng Hương (vai để đời của Thanh Nga) - kể về mối nghịch duyên trắc trở giữa hai người mà thương phục cho cô đào hát phải vẹn toàn giữa hai bờ tình - hiếu.

Đám tang cô Thanh Nga - mà tôi được đứng xếp hàng với dân chúng để được thắp hương và ngắm cô cùng chồng lần cuối - được đánh giá là có số lượng người đến viếng và đưa tiễn đông đảo bất ngờ.

Thân nhân, đồng nghiệp thường kể những chuyện “hiển linh” của cô. Có lẽ những người bình dân lẫn trí thức, có những khúc đời khó khăn, cần ghê lắm những điểm tựa tinh thần, thánh cô Thanh Nga đã đáp ứng được điều đó, cho mãi đến hôm nay. Và tôi tin, sẽ còn mãi về sau này.

“Nữ hoàng” của đại bang Thanh Minh - Thanh Nga

Trước 1975, Thanh Nga (1942-1978) được mệnh danh là Nữ hoàng sân khấu của miền Nam. Sinh ra tại Tây Ninh, thành danh tại Sài Gòn, là con gái bà bầu Thơ - chủ đoàn hát Thanh Minh - Thanh Nga, một đại bang rất nổi tiếng thời bấy giờ. Thanh Nga có cha dượng là nghệ sĩ Năm Nghĩa, em là danh hài Bảo Quốc, các cháu ruột là NSƯT Hữu Châu, Hữu Lộc, con trai là nghệ sĩ hài Hà Linh.

Vụ sát hại vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga

Theo hồ sơ vụ án, cuối năm 1978, bọn cướp lên kế hoạch bắt cóc bé Phạm Duy Hà Linh (bé Cúc Cu, 5 tuổi), con nghệ sĩ Thanh Nga để đòi tiền chuộc. Đêm 26/11/1978, nghệ sĩ Thanh Nga kết thúc vai diễn “Thái hậu Dương Vân Nga” ở rạp Thủ Đô thì được chồng lái ô tô đưa về nhà.

Xe vừa vào gara, một tên cướp rút súng lao vào. Hắn đạp ngã người cận vệ của nghệ sĩ Thanh Nga, khống chế rồi vừa mở cửa xe bắt bé Cúc Cu. Với bản năng của người mẹ, nghệ sĩ Thanh Nga cố hết sức chống chọi, giằng co với tên cướp để bảo vệ con, bất chấp nòng súng lạnh lẽo đang chĩa vào mình. Tên cướp lạnh lùng nổ súng khiến nữ nghệ sĩ đổ gục xuống băng ghế. Chồng bà lao đến cứu vợ, con cũng lãnh trọn viên đạn thứ 2.

Hai tên cướp vội vã bỏ đi, không thực hiện hành vi bắt cóc bé Cúc Cu vì sợ bị lộ.

Công an sau đó đã bắt được những tên cướp.

Theo Tiền phong

Nguyễn Thị Minh Ngọc

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN