TTVH Online

Kết nối văn học hiện đại Việt Nam – Hàn Quốc

20/11/2018 10:07 GMT+7

Ngày 18/11, tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra chương trình Giao lưu văn học Việt Nam – Hàn Quốc với hai nhà văn Đỗ Tiến Thụy (Việt Nam) và nhà văn Eun HeeKyung (Hàn Quốc).

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 18/11, tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra chương trình Giao lưu văn học Việt Nam – Hàn Quốc với hai nhà văn Đỗ Tiến Thụy (Việt Nam) và nhà văn Eun HeeKyung (Hàn Quốc).

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều 'ẵm' giải thưởng văn học Hàn Quốc, trị giá 5.000 USD

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều 'ẵm' giải thưởng văn học Hàn Quốc, trị giá 5.000 USD

Theo đó, nhà thơ của Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã ẵm giải thưởng kể trên cùng với trị giá của giải thưởng lên đến 5000 USD và giải sẽ được trao vào tháng 9 tới tại Hàn Quốc.

Thông qua tác phẩm “Con chim Joong bay từ A đến Z” của nhà văn Đỗ Tiến Thụy và tác phẩm “Món quà từ cánh chim” đến từ nữ nhà văn Eun HeeKyung, độc giả được lắng nghe chia sẻ của chính các tác giả trong sáng tác văn chương; đồng thời, cảm nhận những nét tương đồng trong phát triển xã hội của hai đất nước.

Đến với văn chương khi tuổi đã ngoài 30, năm 1995, nữ nhà văn Eun HeeKyung ra mắt văn đàn Hàn Quốc bằng 2 tác phẩm truyện vừa “Song tấu” và tiểu thuyết “Món quà từ cánh chim”. Trong đó, tiểu thuyết “Món quà từ cánh chim” đã gây được tiếng vang trong bạn đọc lẫn các nhà phê bình văn học Hàn Quốc.

Vì vậy, tác phẩm này đã được đưa vào giáo trình giảng dạy bậc phổ thông tại Hàn Quốc từ nhiều năm qua. Bên cạnh đó, tiểu thuyết “Món quà từ cánh chim” còn được dịch ra nhiều ngôn ngữ, phát hành ở các quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Anh, Đức, Nga, Việt Nam…

Chú thích ảnh
Nhà văn nữ Eun HeeKyung (Hàn Quốc) và nhà văn Đỗ Tiến Thụy (Việt Nam) chia sẻ tại buổi giao lưu. Ảnh: Gia Thuận - TTXVN

Tác phẩm "Món quà từ cánh chim" lấy bối cảnh từ nửa sau những năm 60 cho đến những năm 70 -80 của thế kỷ 20, khi đất nước Hàn Quốc bắt đầu làn sóng cải cách toàn bộ văn hóa do quá trình cận đại hóa diễn ra nhanh chóng. Nữ nhà văn Eun HeeKyung viết theo thể loại “tiểu thuyết thế sự”, kể những câu chuyện đời thường của các nhân vật trong truyện bằng chính trải nghiệm xã hội của người phụ nữ trưởng thành, với va vấp trong cuộc sống. Tuy vậy, người kể chuyện không đồng nhất với nhân vật chính mà còn cười nhạo, đánh giá và trào lộng.

Tác giả Eun HeeKyung chia sẻ: “Tôi tạo khoảng cách giữa bản thân và cuộc đời, chia bản thân mình thành “bản thân trong mắt người khác” và “bản thân quan sát bản thân kia”…Vì thế, cuộc sống của tôi lúc nào cũng căng thẳng, ngăn cách tôi với cuộc đời không để cho cuộc đời nhấn chìm. Tôi muốn quan sát cuộc đời mình từ xa”.

Cùng đề cập đến loài chim ngay trên tựa đề, tiểu thuyết “Con chim Joong bay từ A đến Z” của nhà văn Đỗ Tiến Thụy tuy chỉ mới ra mắt độc giả năm 2017 nhưng lại được thai nghén và hình thành trong suốt 5 năm liền. Tiểu thuyết “Con chim Joong bay từ A đến Z” dài hơn 300 trang phản ánh hiện thức đời sống xã hội thời hậu chiến vừa cuốn hút, bi hài lại vừa sâu cay, sinh động.

Chú thích ảnh
Bìa cuốn tiểu thuyết “Con chim Joong bay từ A đến Z” của Đỗ Tiến Thụy

Bạn đọc tìm thấy những câu chuyện xung quanh số phận về con chim Joong, chuyện về cuộc đời các nhân vật trong truyện như cụ Tướng, ông Khoa, cô tạp vụ…. Qua đó, thể hiện rõ những mối bận tâm của chính tác giả về hành trình của Việt Nam qua những biến cố sử thi, thế sự; thể hiện khả năng bao quát của tác giả đối với các vấn đề nổi bật của xã hội Việt Nam từ thời chiến đến thời bình.

Tại buổi giao lưu, nhà văn Đỗ Tiến Thụy và nhà văn Eun HeeKyung đã chia sẻ những đồng cảm trong suy nghĩ về cuộc sống, nhất là trong bối cảnh xã hội sau chiến tranh; nỗ lực vươn lên, phát triển của con người, trong đó xuất hiện mâu thuẫn là điều tất yếu.

Bày tỏ sự quan tâm đến văn chương Việt Nam hiện đại, thế nhưng nữ nhà văn Eun HeeKyung cũng cho rằng tại Hàn Quốc, việc tiếp cận các tác phẩm Việt Nam còn khá hạn chế. Bởi lẽ, còn khá ít các tác phẩm Việt Nam được chuyển ngữ sang tiếng Hàn. Do vậy, nữ nhà văn Eun HeeKyung hy vọng, thời gian sắp tới, văn học Việt Nam và Hàn Quốc sẽ kết nối với nhau nhiều hơn nữa, cùng giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm sáng tác.

Thời gian gần đây, thông qua các mối quan hệ hợp tác, giao lưu trên các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam – Hàn Quốc, đã giúp người dân hai nước có cơ hội tìm hiểu, học hỏi lẫn nhau. Nhà văn Đỗ Tiến Thụy hy vọng mối quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển hơn nữa. Các nhà văn Việt Nam – Hàn Quốc tiếp tục gắn kết, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong sáng tác để cho ra đời những tác phẩm hay, phục vụ độc giả trong và ngoài nước.

TTXVN/Gia Thuận

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN