TTVH Online

Huyền thoại Marvel Stan Lee qua đời ở tuổi 95 - Viết nhiều tới mức không thể nhớ nổi

13/11/2018 12:30 GMT+7

Stan Lee, nhà sáng tạo đã cách mạng hóa truyện tranh và góp phần mang lại hàng tỷ USD cho Hollywood bằng việc giới thiệu nhiều điểm yếu của con người trong các nhân vật siêu anh hùng của Marvel như Spider-Man (Người Nhện), Fantastic Four (Bộ tứ siêu đẳng) và Incredible Hulk (Người khổng lồ xanh), đã qua đời tại Trung tâm Y tế Cedars-Sinai ở Los Angeles, hôm 12/11, ở tuổi 95.

(Thethaovanhoa.vn) - Stan Lee, nhà sáng tạo đã cách mạng hóa truyện tranh và góp phần mang lại hàng tỷ USD cho Hollywood bằng việc giới thiệu nhiều điểm yếu của con người trong các nhân vật siêu anh hùng của Marvel như Spider-Man (Người Nhện), Fantastic Four (Bộ tứ siêu đẳng) và Incredible Hulk (Người khổng lồ xanh), đã qua đời tại Trung tâm Y tế Cedars-Sinai ở Los Angeles, hôm 12/11, ở tuổi 95.

Các siêu người hùng thương khóc ‘cha đẻ’ Marvel Stan Lee

Các siêu người hùng thương khóc ‘cha đẻ’ Marvel Stan Lee

Sau khi hay tin huyền thoại Marvel Stan Lee qua đời hôm 12/11, ở tuổi 95, nhiều ngôi sao và nhân vật danh tiếng đã bày tỏ niềm thương tiếc ông, trong đó có các ngôi sao từng hóa thân vào những nhân vật siêu người hùng trong các phiên bản phim điện ảnh được dàn dựng từ những cuốn truyện tranh do Lee sáng tạo nên.

Là một cây bút hàng đầu của Marvel Comics và sau này là nhà sản xuất, Lee được biết đến rộng rãi là “kiến trúc sư” của truyện tranh đương đại. Trong những năm 1960, Lee đã làm hồi sinh nền công nghiệp này bằng việc tạo nên những bộ trang phục và hành động mà nhiều độc giả trẻ khao khát trong khi nhấn mạnh vào những âm mưu phức tạp, tính châm biếm, khoa học viễn tương và thậm chí cả triết học.

Chú thích ảnh

Hàng triệu người vô cùng thích thú khi được sống trong thế giới hòa trộn giữa hiện thực và kỳ ảo, và nhiều nhân vật của ông như Spider-Man, Hulk và X-Men đã trở thành sao của một loạt phim bom tấn Hollywood. Ông đã được trao Huy chương Nghệ thuật Quốc gia hồi năm 2008.

Góp phần mang lại hàng tỷ USD cho Hollywood

Lee đã góp phần tạo nên nhiều dự án mới đây, từ những bộ phim điện ảnh Avengers: Infinity War (Biệt đội siêu anh hùng: Cuộc chiến vô cực), Black Panther (Chiến binh báo đen) và Guardians of the Galaxy (Vệ binh dải ngân hà) tới các loạt phim truyền hình như Agents of S.H.I.E.L.D (Đội đặc nhiệm S.H.I.E.L.D) Daredevil (Siêu nhân mù).

Lee là người “mắn đẻ”. Trong khoảng 10 năm, cứ mỗi ngày ông lại cho ra đời một cuốn truyện tranh mới. “Tôi viết nhiều đến nỗi không nhớ nổi nữa. Tôi đã viết hàng trăm thậm chí hàng ngàn cuốn” – Lee nói với AP hồi năm 2006.

Lee bắt đầu tạo nên “cuộc cách mạng” của mình từ những năm 1960 khi ông đưa “Bộ tứ siêu đẳng”, “Người khổng lồ xanh”, Người Nhện, Người Sắt và nhiều nhân vật khác vào cuộc sống thực.

“Các nhân vật của Stan Lee luôn thể hiện khía cạnh con người trước rồi sau đó mới là siêu người hùng. Đó là nét đẹp trong các nhân vật của ông” - Jeff Kline, nhà sản xuất điều hành của loạt phim hoạt hình truyền hình Men in Black, nói hồi năm 1998.

Chú thích ảnh
Hình ảnh trong truyện tranh "Bộ tứ siêu đẳng"

Một số sáng tạo của Lee đã trở thành biểu tượng cho sự thay đổi xã hội. Chẳng hạn như sự hỗn loạn bên trong của Người Nhện biểu trưng cho nước Mỹ trong những năm 1960, trong khi Chiến binh báo đenSavage She-Hulk phản ánh những công việc khó khăn vất vả và phụ nữ.

“Tôi nghĩ về họ như những câu chuyện cổ tích dành cho người lớn” – Lee nói hồi năm 2006. “Tất cả chúng ta đều lớn lên với những người khổng lồ và phù thủy. Khi bạn lớn tuổi hơn và quá già, bạn không còn ham đọc đọc những câu chuyện cổ tích nữa, song tôi nghĩ bạn không thể vượt qua tình yêu của mình cho những thứ như thế, những thứ lớn hơn cả cuộc sống, đầy phép thuật và giàu trí tưởng tượng”.

Trong những năm 1960, Lee là tác giả của hầu hết các cuốn truyện tranh Marvel, trong đó có Biệt đội siêu anh hùng (Avengers) X-Men. Năm 1972, ông trở thành nhà xuất bản của Marvel. 4 năm sau đó, 72 triệu bản cuốn Spider-Man đã bán hết.

Lee còn xuất bản nhiều cuốn sách, trong đó có The Superhero Women (1977) và How to Draw Comics the Marvel Way (1978) và đây cũng là năm ông được Hiệp hội Xuất bản định kỳ & Sách của Mỹ trao danh hiệu Nhà xuất bản của Năm.

Bộ phim điện ảnh có kinh phí lớn đầu tiên được dàn dựng theo các nhân vật đầu tiên của Lee, X-Men, đã trở thành quả bom tấn khi được tung ra hồi năm 2000, thu về được hơn 130 triệu USD ở thị trường Bắc Mỹ. Tiếp đó, Spider-Man còn gặt hái thành công lớn hơn, “bỏ két” được hơn 400 triệu USD hồi năm 2002.

Chú thích ảnh
Năm 1976,  72 triệu bản cuốn "Spider-Man" đã bán hết

Sau đó, một “đế chế” điện ảnh Marvel đã nổi lên, một trong những thương hiệu lớn nhất trong lịch sử điện ảnh, và mới đây phim Avengers: Infinity War (Biệt đội siêu anh hùng; Cuộc chiến vô cực) đã thu về được hơn 2 tỷ USD trên toàn thế giới. Trong 10 năm, Vũ trụ Điện ảnh Marvel đã kiếm được hơn 17,6 tỷ USD trên toàn cầu.

Tung ra những cuốn truyện làm thay đổi hẳn dòng truyện tranh

Stanley Martin Lieber sinh ngày 28/12/1922 ở New York. Ông lớn lên với những cuốn sách phiêu lưu Hardy Boys và phim Errol Flynn. Sau khi tốt nghiệp trung học, Lee có một công việc tại Timely Comics.

Sau vài tháng làm việc, chàng trai Lee 17 tuổi với khả năng sáng tạo mạnh mẽ đã nắm quyền cai quản công ty sau khi chủ bút kiêm giám đốc nghệ thuật từ bỏ. Timely Comics sau đó đã được đặt lại tên thành Atlas Comics và cuối cùng là Marvel.

Lieber đã đổi tên và nghĩ rằng cái tên Lee sẽ được sử dụng cho những “cuốn truyện tranh hơi ngớ ngẩn” còn tên thật sẽ được dùng cho các cuốn tiểu thuyết.

Các tác phẩm ban đầu của ông chủ yếu viết về những bộ phim nổi tiếng, phim viễn Tây, phim tội ác, lãng mạn và mỗi trang viết ông kiếm được khoảng 50 xu.

Sau một thời gian ngắn phục vụ quân đội trong Thế chiến II, Lee trở lại Marvel để bắt đầu thời gian dài và nhàm chán của “dây chuyền” sản xuất truyện tranh.

Lee từng cho biết ông còn làm việc với một nhà xuất bản, người từng nghĩ truyện tranh chỉ dành cho trẻ con.

Chú thích ảnh
Hình ảnh trong truyện tranh "Black Panther" (Chiến binh báo đen)

“Một ngày tôi nói: “Chuyện này thật điên rồ”” – Lee nói với tờ Guardian hồi năm 1979. “Tôi chỉ đang tạo nên những câu chuyện như nhiều người khác. Tôi không hề tự hào về công việc của mình và muốn từ bỏ. Nhưng vợ tôi nói: “Tại sao anh không tung ra những cuốn truyện tranh mà anh muốn có sự thay đổi?”.

Kết quả là cuốn đầu tiên trong loạt truyện Bộ tứ siêu đẳng được tung ra hồi năm 1960, với các nhân vật, cốt truyện của Lee và hình ảnh minh họa của nghệ sĩ Marvel nổi tiếng, Jack Kirby.

Các nhân vật này đều là những người bình thường “bất đắc dĩ” thay đổi thành những siêu người hùng nhưng không phải do lỗi của chính họ.

Viết trên “Origins of Marvel Comics”, Lee mô tả về bộ tứ siêu đẳng: “Đây là các nhân vật có những điểm tương đồng với tôi. Họ có những lỗi lầm và yếu đuối, họ có thể sai lầm và nóng nảy, song quan trọng nhất, bên trong những chiến lợi phẩm đầu màu sắc họ vẫn có những điểm yếu của riêng mình”.

Tiếp đó, cuốn Amazing Spider-Man được xuất bản hồi năm 1962. Lee biết tác phẩm của mình khác biệt và tự hào tuyên bố rằng những câu chuyện của ông được rút ra từ nhiều vấn đề không phải để kiếm tiền mà để phát triển các nhân vật, tình huống và chủ đề hay hơn. Ông cũng không hề “lơi là” tới những nhân vật phản diện.

Cuối đời bệnh tật, nhiều lần hầu tòa

Ảnh hưởng trực tiếp của Lee bắt đầu suy giảm trong những năm 1970 khi ông từ bỏ vai trò biên tập tạo Marvel. Nhưng ông đã trở thành nhân vật dễ nhận biết nhất trong nền công nghiệp này với hàng ria mép trắng và những chiếc kính đã trở thành thương hiệu, với những bài nói chuyện về văn hóa đại chúng.

Năm 1981, Lee chuyển tới Los Angeles để điều hành Marvel Productions, studio hoạt hình sau đó đã được New World Entertainment mua lại (cùng với) Marvel Comics với giá 50 triệu USD.

Chú thích ảnh
Sức khỏe & tinh thần của Stan Lee giảm sút nhiều sau khi vợ ông, bà Joan Lee, qua đời hồi năm 2017

Khi mức tiêu thụ truyện tranh giảm sút, Marvel đã buộc phải tiến hành các thủ tục tuyên bố phá sản và điều đó có nghĩa là ông không được phép ký hợp đồng làm việc suốt đời với bất cứ ai. Sau đó, Lee đã kiện Marvel 10 triệu USD với cáo buộc công ty này đã lừa ông hàng triệu USD lợi nhuận từ các bộ phim được dàn dựng theo các nhân vật của ông.

Năm 2000, Lee chấp thuận viết các câu chuyện cho DC Comics, tái tạo Superman, Batman, Wonder Woman…

Người vợ đồng thời là đối tác trong hầu hết mọi thứ của Lee, Joan Lee, qua đời hồi tháng 7/201. Sự ra đi của người vợ đã khiến Lee hụt hẫng, để lại một khoảng trống lớn trong cuộc đời ông. Tinh thần và thể chất của ông giảm sút trông thấy. trong những năm cuối đời mình, Lee nhiều lần phải hầu tòa, thậm chí “dính’ cả những vụ kiện tố cáo ông quấy rối tình dục…

Việt Lâm
Theo AP

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN