TTVH Online

Mô hình giáo dục các nước: Thành công từ cuộc cách mạng giáo dục ở Nhật Bản (Bài 1)

09/11/2018 16:30 GMT+7

Dù bị đánh giá là nước tụt hậu ở châu lục về kinh tế và khoa học công nghệ trong thời kỳ phong kiến trước thế kỷ 18, song với việc tiến hành công cuộc hiện đại hóa ở thời kỳ Minh Trị (1868-1912), Nhật Bản đã khẳng định mình trên trường quốc tế, trở thành một trong những siêu cường, với quy mô kinh tế đứng hàng thứ 3 thế giới. Một trong những yếu tố quan trọng đưa Nhật Bản đạt được những bước phát triển thần kỳ chính là cuộc cách mạng trong giáo dục.

(Thethaovanhoa.vn) -  Dù bị đánh giá là nước tụt hậu ở châu lục về kinh tế và khoa học công nghệ trong thời kỳ phong kiến trước thế kỷ 18, song với việc tiến hành công cuộc hiện đại hóa ở thời kỳ Minh Trị (1868-1912), Nhật Bản đã khẳng định mình trên trường quốc tế, trở thành một trong những siêu cường, với quy mô kinh tế đứng hàng thứ 3 thế giới. Một trong những yếu tố quan trọng đưa Nhật Bản đạt được những bước phát triển thần kỳ chính là cuộc cách mạng trong giáo dục.

Mô hình giáo dục các nước: Giáo dục Anh đề cao tinh thần tự học, không tạo sức ép thành tích cá nhân

Mô hình giáo dục các nước: Giáo dục Anh đề cao tinh thần tự học, không tạo sức ép thành tích cá nhân

Đặc điểm nổi bật của môi trường giáo dục Anh là tạo ra môi trường học tập thân thiện, không tạo sức ép thành tích cá nhân, luôn chú trọng phát triển kỹ năng tự học, tư duy, phân tích, tổng hợp và khả năng làm toán đối với học sinh, sinh viên. Học sinh được kết hợp giữa học lý thuyết và thực hành, đề cao tính sáng tạo, độc lập, kỹ năng làm việc theo nhóm của học sinh.

Không phải ngẫu nhiên, Nhật Bản lại là quốc gia châu Á có nhiều giải thưởng Nobel nhất, khi có tới 26 người Nhật Bản được trao giải thưởng danh giá này từ năm 1949 đến năm 2018. Có thể nói, giáo dục đại học đã đóng góp đáng kể cho thành công trên. Các trường đại học của Nhật Bản phân thành hai hệ thống công lập và tư thục. Các trường được trao quyền tự chủ tuyển chọn và đảm bảo, cũng như tự chịu trách nhiệm về đầu ra của sinh viên. Tuy nhiên, một số hình thức tuyển chọn đã trở thành quy định được hầu hết các trường áp dụng.    

Nhật Bản không có kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Việc vượt qua các môn học ở phổ thông chính là đã tốt nghiệp cấp học này. Giống như Việt Nam, Nhật Bản cũng có một kỳ thi tương tự như thi đại học và được gọi là Kỳ thi trung tâm. Kỳ thi này tại Nhật Bản được tổ chức vào tháng 1 hằng năm. Tuy nhiên, đây không phải là con đường bước vào cánh cổng đại học duy nhất. Kỳ thi này là phương thức xét tuyển vào các trường đại học công lập và một số trường tư lập, trong khi các trường còn lại sẽ xét tuyển theo kết quả học tập ở trung học phổ thông, hoặc tổ chức kiểm tra đầu vào riêng.  

Chú thích ảnh
Đại học Tokyo. Ảnh: Internet

Kỳ thi vào đại học của Nhật Bản do một pháp nhân hành chính độc lập có tên gọi là Trung Tâm thi vào đại học thuộc Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao và Khoa học công nghệ đảm nhiệm. Trung tâm này có chức năng chuyên trách nghiên cứu ra đề thi, khảo sát và quản lý kỳ thi vào đại học. Theo đó, một ủy ban biên soạn đề thi gồm khoảng 400 thành viên sẽ được thành lập chủ yếu là giảng viên các trường công lập và tư thục trên toàn quốc. Các thành viên sẽ làm việc tại các tiểu ban ứng với từng bộ môn để biên soạn đề thi. Đề thi được làm xong sẽ tiếp tục được kiểm tra tại một ủy ban được thành lập với khoảng 100 thành viên là những giáo viên, giảng viên có kinh nghiệm ra đề thi.    

Các thí sinh sẽ thi cùng thời gian và làm chung một đề thi vào đại học trên toàn quốc với khoảng 700 địa điểm. Thí sinh được lựa 9 môn trong tổng số 30 môn học để dự thi. Điều này giống với giai đoạn các đại học ở Việt Nam tổ chức thi riêng nhưng đề chung.    

Nhìn chung, kỳ thi đại học của Nhật Bản rất nghiêm túc không chỉ bởi những quy định chung chặt chẽ đối với thi cử mà còn bởi nhiều yếu tố. Thứ nhất, đối với các trường đại học, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, nếu không làm tốt sàng lọc đầu vào sẽ khó có khả năng đào tạo ra các sinh viên chất lượng đáp ứng nhu cầu của cơ quan, doanh nghiệp. Đây là một tiêu chí quan trọng trong xếp hạng các trường đại học tại Nhật Bản. Nhiều trường có xếp hạng thấp đã không thể tồn tại do không thu hút được sinh viên. Thứ hai, đối với sinh viên, việc gian lận cũng dẫn tới trong quá trình học không theo kịp và phải bỏ rất nhiều chi phí cho việc học lại, cũng như thi lại.    

Theo anh Ngô Hà Anh, sinh viên Việt Nam từng tốt nghiệp thủ khoa tại trường đại học công lập Shizuoka, chương trình học đại học tại Nhật Bản mang tính thực tiễn cao, sinh viên được thực tập hỗ trợ tại các tập đoàn hàng đầu thế giới của Nhật Bản. Trong quá trình học giống như ở Việt Nam cũng có những môn cơ sở bắt buộc và môn tự chọn. Tuy nhiên, chương trình giảng dạy và hàm lượng kiến thức thường do các trường tự chịu trách nhiệm.   

Tuy vậy, là đất nước có nền kinh tế phát triển, nhu cầu nguồn lao động lớn, trên thực tế Nhật Bản không tránh khỏi những tình trạng trì trệ nhất định tại các trường đại học do tâm lý ổn định, dễ dàng kiếm được việc làm của sinh viên tốt nghiệp, cũng như sự cạnh tranh quốc tế giữa các trường đại học trên thế giới ngày càng mạnh mẽ. Bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới gần đây của tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (Anh) cho thấy các trường đại học của Nhật Bản đã bị các trường của Singapore, Trung Quốc soán ngôi. Đại học hàng đầu của Nhật Bản là Đại học Tokyo xếp vị trí thứ 23, sau các trường của Singapore xếp vị trí 11, 12 và đại học của Trung Quốc xếp thứ 17. Nhằm đổi mới và tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển giáo dục, Nhật Bản thông qua Luật giáo dục sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. 

 Luật giáo dục mới của Nhật Bản sẽ thay đổi tên và nội dung Kỳ thi trung tâm. Theo đó, kỳ thi này sẽ được đổi tên thành Kỳ thi đánh giá cho người vào đại học (hay gọi là kỳ thi chung), với nội dung có thể bổ sung các bài thi tự luận, thay vì chỉ thi trắc nghiệm, thí sinh cũng có thể làm bài thi trên máy tính. Ngoài ra, với môn ngoại ngữ thí sinh sẽ phải dự thi đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết thay cho 2 kỹ năng như trước đây. Luật giáo dục mới cũng đưa vào áp dụng giáo trình điện tử cho tất cả các cấp học của Nhật Bản.     

Với những cải tiến trong giáo dục tới đây, Nhật Bản hy vọng sẽ đưa giáo dục nước này, đặc biệt là giáo dục đại học trở lại bảng xếp hạng các trường đại học số 1 của châu Á.

Bài 2 - Giáo dục Nhật Bản đề cao đạo đức, lòng yêu nước và sự bình đẳng

    Thành Hữu - P/v TTXVN tại Tokyo

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN