TTVH Online

Từ 'nghi án' vẽ bậy

06/11/2018 06:47 GMT+7

Nhiều tờ báo Nhật Bản đang liên tục thông tin về hành vi phá hoại tại một bức tường bằng đá của thành cổ Yonago (tỉnh Tottori). Theo đó, trên diện tích 70 x 40 cm của di tích 500 năm tuổi này, một số kí tự và hình vẽ vừa được khắc lên bằng vật nhọn.

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều tờ báo Nhật Bản đang liên tục thông tin về hành vi phá hoại tại một bức tường bằng đá của thành cổ Yonago (tỉnh Tottori). Theo đó, trên diện tích 70 x 40 cm của di tích 500 năm tuổi này, một số kí tự và hình vẽ vừa được khắc lên bằng vật nhọn.

Với sự phẫn nộ từ dư luận, được biết chính quyền tỉnh Tottori cũng khẩn trương tìm kiếm thủ phạm để xử lý theo các quy định hiện có về bảo tồn Di sản văn hóa.

Đáng nói, câu chuyện ấy diễn ra tại nước Nhật, nhưng lại đang rất “hot” trên các mạng xã hội Việt Nam. Lý do đơn giản: rất nhiều ý kiến cho rằng thủ phạm ở đây là… người Việt. – khi những kí tự để lại trên di tích của Nhật Bản rất giống với ngôn ngữ Việt Nam.

Và cho dù việc quy chụp là vội vã – khi những kết luận cuối cùng chưa được đưa ra – thì cũng phải nhìn nhận một cách thẳng thắn: sở thích để lại “dấu ấn” khi đi du lịch của người Việt là có thật và không xa lạ gì.

Chú thích ảnh
Hình ảnh vẽ bậy lên di tích khu thành cổ Yonago nghi do người Việt thực hiện. Ảnh: Internet

Không cần phải sang Nhật Bản, chính chúng ta cũng liên tục bắt gặp câu chuyện này trong đời sống hàng ngày, với sự bức xúc của dư luận và báo giới.

Gần như, ở mỗi cuộc tọa đàm về du lịch hay bảo tồn di sản, phía quản lý vẫn thường xuyên nhắc đến tình trạng vẽ, khắc, viết bậy… lên di tích và hiện vật. Kèm theo đó, ảnh chụp các “tác phẩm” của những người thiếu ý thức này cũng liên tục được cung cấp cho cộng đồng.

Không đâu xa, ngay tại Hồ Gươm của Hà Nội, 2 di tích là tháp Hòa Phong và tháp Bút thường xuyên trở thành nạn nhân của tình trạng này. Như những gì được ngành quản lý phản ánh, cứ sau một khoảng thời gian nhất định, lực lượng làm vệ sinh tại đây lại phải vất vả tìm cách tẩy xóa những câu chữ, hình thù đủ màu sắc và ngôn ngữ được viết, vẽ lên phần thân tháp.

Hoặc, tại chùa Cổ Lễ (Nam Định), nhà chùa cũng đã từng phải kêu trời – khi ngoài việc viết chi chít lên gác ba tầng tại đây, có đối tượng còn chịu khó tìm cách chui cả vào… lòng quả chuông đang treo ở đỉnh tầng ba để vẽ bậy. Rồi, tại Huế, chuông đồng (Đại hồng chung) chùa Thiên Mụ , dù đã được xếp hạng là bảo vật Quốc gia vào năm 2014, cũng từng rơi vào tình trạng này.

Thậm chí, vài năm trước, cột mốc 423 của tỉnh Hà Giang từng bị một nhóm du khách sửa thành cột mốc 428 để chụp ảnh, khiến cho các chiến sĩ biên phòng phải đến tận nơi để kiểm tra và khôi phục hiện trạng.

***

Người viết không định kể thêm những vụ việc tương tự để nói rằng nếu thủ phạm tại thành cổ Yonago là người Việt thì… cũng không có gì lạ.

Ngược lại, dù phỏng đoán ấy đúng hay sai, chúng ta đang có cơ hội tốt để tự nhìn lại một thói xấu trong văn hóa ứng xử – khi mà với câu chuyện này, sự bức xúc chung của cộng đồng đang được đẩy lên cao.

Thật ra, tại Việt Nam, các quy phạm pháp luật về việc này không thiếu – theo đó, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ vài trăm ngàn tới vài triệu đồng, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng, đó không phải là cách để xử lý tận gốc vấn đề.

Không ai có thể giám sát nổi hàng chục ngàn di tích, thắng cảnh tại Việt Nam trong suốt 24 giờ. Và về bản chất, một thói xấu trong văn hóa ứng xử chỉ có thể giải quyết chính bằng con đường của văn hóa, từ trong nhận thức.

Cần chấm dứt viết, vẽ bậy lên báu vật quốc gia

Cần chấm dứt viết, vẽ bậy lên báu vật quốc gia

Việc viết, vẽ bậy lên di tích đang trở thành vấn nạn ở Huế, trong đó những di vật trở thành báu vật quốc gia cũng không bị ngoại lệ như Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ.

Khá trùng hợp, vài năm trước, khi nói về tình trạng viết, vẽ bậy trên di tích, một PGS của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á đã lấy ngay cách ứng xử của người Nhật làm ví dụ. Ông bảo rằng người Nhật sớm có ý thức về việc không xả rác, không vẽ bậy bởi họ đã được dạy điều này từ rất sớm. Và lớn lên, khi thấy cả xã hội, cả gia đình không ai làm như vậy, ý thức ấy đã dần trở thành một thói quen mà người ta sẽ thấy khó chịu nếu phải vi phạm một lần.

Có nghĩa, câu chuyện “nâng cao ý thức” ở đây không thể chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu khô cứng.

Và, thay vì tiếp tục than thở về ý thức và văn hóa của người Việt -điều thường xuyên diễn ra sau những câu chuyện như vừa rồi - hãy nhớ rằng văn hóa không bao giờ tự nhiên có được. Nó phải hình thành từ sự giáo dục của cộng đồng, gia đình và cả xã hội.

Anh Bảo

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN