TTVH Online

Khám phá lại Kim Dung (kỳ 4): 'Thuật' kể chuyện

04/11/2018 07:46 GMT+7

Đi tìm mình, người anh hùng cũng đi tìm một ý nghĩa cho thế giới; thế giới Kim Dung là một thế giới đang chờ được định nghĩa và truyện Kim Dung chỉ là truyện của một cái nghĩa đang hình thành. Ấy làm một truyện tầm-đạo trong phương thức của một truyện trinh thám.

(Thethaovanhoa.vn) - Đi tìm mình, người anh hùng cũng đi tìm một ý nghĩa cho thế giới; thế giới Kim Dung là một thế giới đang chờ được định nghĩa và truyện Kim Dung chỉ là truyện của một cái nghĩa đang hình thành. Ấy làm một truyện tầm-đạo trong phương thức của một truyện trinh thám.

Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin trích giới thiệu một đoạn bình trong cuốn Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung của Đỗ Long Vân, NXB Đà Nẵng sắp phát hành. Các tiểu dẫn và xuống đoạn trong bài do chúng tôi đặt.

Nghệ thuật trì hoãn

Như trong truyện trinh thám, thoạt tiên người ta chỉ thấy những sự kiện lẻ bất ngờ và khó hiểu: tất cả thoạt tiên chỉ có giá trị như những manh mối của một bí mật cần phải truy tầm, như những di tích của một quá khứ cần được xây dựng lại, như những mảnh vụn của một toàn thể cần phải được khám phá dần dần.

Người ta ngạc nhiên trước những gì đang xảy ra đến từ cái đã xảy ra, và công việc giờ, như trong truyện trinh thám, là đi ngược từ hiện tại đến quá khứ, từ kết quả đến nguyên nhân, từ xúc động đến giải thích. Nhưng trước hết phải có xúc động và những biến cố phải làm người ta ngạc nhiên và gây sự tò mò.

Chú thích ảnh
Người ta sẽ không quên những tiếng chân nặng nề của Tạ Tốn ....

Của Ưng Vương chẳng hạn, thoạt tiên, người ta chỉ thấy một tiếng hú kinh dị giữa một trời chiều và những xác chết ông để lại sau một cuộc giết người thần tốc. Nhưng thế cũng đủ để tiếng dội tâm lý trong độc giả còn vọng mãi. Và người ta phải chịu rằng Kim Dung, mỗi lần giới thiệu một nhân vật quan trọng, là ông biết sửa soạn những điều kiện để sự xuất hiện của nhân vật ấy đạt tới mức công hiệu tối đa.

Người ta sẽ không quên những tiếng chân nặng nề của Tạ Tốn, giọng ho khan của Kim Hoa Bà Bà, cái nhìn trầm mặc của Phạm Giao và tiếng cười sảng khoái của Dương Tiêu trên Côn Luân Sơn, giữa những cảnh rừng thu lá đổ vàng. Có những nhân vật không có gì để người ta nhớ hơn là cách xuất hiện đột ngột lần đầu tiên của họ. Tại một khi đã định nghĩa thì như sự kiện đã được giải thích, nhân vật như đã chết và không còn tác dụng tiểu thuyết nào nữa.

Nhưng khi còn là một nghi vấn, còn làm người ta thấy thắc mắc và trông chờ thì nhân vật còn sống và người ta hiểu tại sao người anh hùng trong Kim Dung chỉ có thể là người anh hùng tập sự, người anh hùng đi tìm mình, người anh hùng chưa thành anh hùng.

Các nhân vật khác cũng thế: của họ thoạt tiên người ta chỉ biết có một nửa: Khi thì một người dị thường, tính khí ngang nhiên, võ công trác tuyệt, nhưng thân phận như chìm trong một dĩ vãng xa xôi và thần bí, khi thì như một cái tên truyền tụng trong giang hồ, người ta chỉ nhắc đến trong sự tôn kính và sợ hãi, nhưng chưa ai được thấy mặt bao giờ. Cũng có khi người ta có thể khám phá ra con người dị thường mà cứ một lần xuất hiện là gây cho người ta một nghi vấn ấy và cái nhân vật chấn danh võ lâm mà người ta náo nức trông chờ chỉ là một, cũng như Kim Hoa Bà Bà, nào ai ngờ, chính là nhân vật của Minh giáo đã từ lâu ngày biệt tăm chỉ để lưu lại trong trí nhớ của mọi người cái tên rực rỡ là Tỷ Sam Long Vương.

Nhưng tất cả nghệ thuật kể chuyện trong lúc này là trì hoãn tối đa cái giờ xác định căn cước của nhân vật. Mộ Dung Phục có mặt nhất khi người ta chỉ biết chàng như một tiếng đồn trong võ lâm. Sự có mặt trong sự vắng mặt ấy là tất cả sức mạnh của truyện. Nó là nơi của nghi vấn, của trông chờ và mọi sự có thể. Nghĩa là của mọi sự bất ngờ.

Chú thích ảnh
... và tiếng cười sảng khoái của Dương Tiêu trên Côn Luân Sơn 

Những cấp độ của cái bất ngờ

Ai ngờ rằng Mộ Dung Phục, vẫn trong một phong độ tao nhã, một chốc có thể trở thành một sát thủ không gớm tay, rằng sự thùy mị của Chu Chỉ Nhược lại sửa soạn cho những tham vọng, những tuyệt vọng và những ác độc khôn lường, rằng tất cả những ân cần Trương Linh chỉ là một kế hoạch trong một kế hoạch dài hạn nhằm cướp con đao Đồ Long.

Của nhân vật, người ta chỉ biết cái vai trò của họ, và đùng một cái, họ xuất hiện dưới một bộ mặt người ta không chờ đợi. Ấy có thể là một mặt nạ khác và cũng có thể là một con người thực chôn vùi trong tâm khảm chợt được một biến cố nào làm tỉnh giấc, như Tạ Tốn, nghe tiếng khóc của một đứa trẻ thơ mà tìm thấy sự sáng sủa của lương tri. Nhưng cũng có khi, như trong cơn túy sát của Mộ Dung, người ta chứng kiến một đột biến tâm lý.

Cái bất ngờ, theo định nghĩa tầm thường nhất, là cái không ai chờ đợi: khi thì thê thảm như cái chết của A Chu dưới tay người nàng yêu, khi thì khôi hài như cảnh một đại-ma-đầu là Nam Hải Ngạc Thuần phải lạy Đoàn Dự, một thư sinh trói gà không chặt, làm thầy.

Cũng có khi nó chỉ là một bất ngờ thuần túy không có giá trị nào khác hơn là sự nên thơ như khi người ta khám phá ra rằng Côn Luân Tam Thánh không phải là ba người mà chỉ là một, rằng đứa ăn mày nhem nhuốc làm bạn cùng Quách Tĩnh là một người con gái đẹp giả trai, rằng Âu Dương Phong, vì học một võ công chép lộn mà trở thành đệ nhất cao thủ trong võ lâm.

Lẽ dĩ nhiên cũng có những bất ngờ giả tạo để thỏa mãn nhu cầu xúc động của người đọc, để thêm số dòng và số trang, để thêm đà cho một câu truyện đã tới chỗ sa lầy. Và cũng có những bất ngờ được sửa soạn hơn để giải quyết một tình thế đã đến chỗ bế tắc.

Cái bế tắc ấy, người ta thừa đoán, cũng là một bế tắc được sửa soạn. Tác giả cố tình đưa câu chuyện đến một chỗ nghẽn để, khi ấy, mới tung ra một nhân vật mới, một biến cố mới, một phát giác mới làm tình thế đảo ngược và câu chuyện tiếp tục theo một hướng mới.

Khi người ta không chờ gì nữa, khi những nguy hiểm tưởng chừng như đã qua khỏi, khi mối hy vọng đã tàn lụi, thì tất cả đã xảy ra như đúng như người ta chờ, đúng như người ta đã chờ mong.

Ấy là một thứ bất ngờ ở bậc hai. Khi Vô Kỵ yên chí rằng âm mưu của Hồ Thanh Ngưu đã thành công và họ đã thoát khỏi tay Kim Hoa Bà Bà để chỉ còn việc cùng nhau xây hạnh phúc đến mãn kiếp thì chàng khám phá ra xác chết của họ treo trên một cành cây, khi sau không biết bao nhiêu ngày theo đuổi, Đoàn Dự lấy được tình yêu của Vương Ngọc Yến, người ta thở dài nhẹ nhõm thì, tin đâu sét đánh! Điều người ta nghi ngại đã được chứng thực: Vương Ngọc Yến là con của Đoàn Chính Thuần và là em khác mẹ của Đoàn Dự, và thế là hai người không thể lấy nhau.

Khám phá lại Kim Dung (kỳ 2): Triết lý về tinh hoa võ học

Khám phá lại Kim Dung (kỳ 2): Triết lý về tinh hoa võ học

Nói tóm lại thì võ lực trong Kim Dung không phải chỉ có những cái tên rất đẹp. Nó không chỉ là cơ hội cho những vũ điệu ngoạn mục mà còn góp phần vào sự diễn biến và sức dẫn cảm của truyện.

Sự bất ngờ khi ấy đến như một sự thiếu: cái người ta tưởng thế nào cũng xảy ra lại không xảy ra. Nhưng giữa lúc người ta đang tuyệt vọng không biết câu chuyện sẽ ra sao thì, đùng một cái lại có tin Đoàn Dự không phải là con của Đoàn Chính Thuần, mà của Đoàn viên Khánh, người đáng lẽ được trị vì nước Đại Lý mà vẫn lưu vong chờ cơ hội cướp lại ngai vàng.

Cái tin ấy lại đảo ngược một lần nữa. Nó trả lại Vương Ngọc Yến cho Đoàn Dự. Hơn thế nữa, cái ngai vàng nước Đại Lý, chàng trở nên người thừa kế xứng đáng nhất.

Tất cả sau cùng đều xảy ra theo công lệ: người anh hùng sẽ lấy vợ và làm vua. Người ta có thể nghĩ rằng để đi đến cái kết luận cổ điển ấy có lẽ Kim Dung không cần phải bày ra nhiều chuyện như thế. Nhưng nếu không như thế, nếu không trải qua một cơn tuyệt vọng thì kết luận ấy còn giả tạo tới đâu? Tới sau một sự bế tắc cố ý thì sự giả tạo ấy lại xuất hiện như một chứng cớ của cái tài biến hóa của tác giả. Giả tạo một ít thì hỏng. Nhưng giả tạo hơn một ít nữa thì Kim Dung lại trả cho sự bất ngờ cái nên thơ của nó.

(Còn nữa)

Đỗ Long Vân

(Trích từ tập nghiên cứu Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN