TTVH Online

Sống chậm cuối tuần: Nếp nhà Hà Nội

19/10/2018 12:00 GMT+7

Cái “nếp nhà” hay đúng hơn là nề nếp mỗi gia đình cũng tự nhiên phiên phiến và dần mất đi... Nếp nhà Hà Nội phải có một ngày nào đó quay lại.

(Thethaovanhoa.vn) - Cái “nếp nhà” hay đúng hơn là nề nếp mỗi gia đình cũng tự nhiên phiên phiến và dần mất đi... Nếp nhà Hà Nội phải có một ngày nào đó quay lại.

1. Ngôi nhà ra đời hẳn là phải sau thời kỳ tiền sử “ăn lông ở lỗ”. Nhân loại thế nào thì người Việt cũng thế.

Khắp trên đất nước Việt Nam đã tìm thấy rất nhiều dấu tích thời tiền sử. Cư dân hang động thời ấy còn để lại nhiều công cụ từ sơ kỳ đồ đá, một vài hình vẽ cho đến nay ta cũng chưa thật sự hiểu về nó.

Nhưng những hiện vật củi lửa than tro trong hang cũng đủ minh chứng cho một sinh hoạt bầy đàn nguyên thủy có mặt rất sớm ở mảnh đất này. Đó là những “ngôi nhà” đầu tiên của người Việt. Những ngôi nhà có được do tìm kiếm hang động trong núi rừng. Phải nhiều nghìn năm sau người Việt mới có khái niệm xây dựng chỗ ở một cách chủ động.

Khá lâu rồi truyền hình có chiếu một bộ phim tài liệu do nhóm quay phim và đạo diễn người Nga làm ở núi rừng Tây Bắc. Bộ phim nói về một tộc người có tên là “Lá vàng”. Giờ thì ta có thể biết đó là một trong 54 dân tộc anh em của Việt Nam, dân tộc La Hủ chỉ có vài nghìn người.

Chú thích ảnh
Phố phường Hà Nội thời bao cấp. Ảnh: John Ramsden

Bộ phim miêu tả bằng hình ảnh những con người lấy vỏ cây làm áo. Ăn côn trùng và muông thú săn bắn được. Họ làm những ngôi nhà bằng cành cây lợp lá rừng. Cư trú ở đấy cho đến khi lá lợp nhà vàng úa thì bỏ đi tìm chỗ khác sinh sống. Đó là vào khoảng thời gian nửa cuối của thế kỷ20. Điều làm ta ngạc nhiên nhất chính là dân tộc ấy đã không hề chọn một phương thức sống nào khác kể từ sau thời tiền sử.

Cũng chính trong thời kỳ này thì những ngôi nhà ở Hà Nội đã có những thay đổi mạnh mẽ ngay từ đầu thế kỷ20. Kiến trúc cổ truyền ở khu 36 phố phường đan xen với kiến trúc thuộc địa mang từ Pháp sang. Những ngói nâu tường trắng thấp tầng của nhà ống khu phố cổ đã bị coi là lạc hậu. Thay vào đó là kiến trúc nhà tầng lợp ngói Tây và mái bê tông với những tiện nghi hoàn toàn khác biệt.

Nhà cổ hình ống có mảnh sân trong làm giếng trời lấy ánh nắng. Bố trí mặt bằng vẫn theo thứ tự ngoài mặt phố là phòng khách, tiếp đến là gian thờ, bên trong là hiên trà ngắm ra mảnh sân trời bày cây cảnh, cá vàng. Sau sân trời mới đến các phòng ngủ. Cuối cùng là bếp và hố xí thùng.

Những nhà sâu có hai mặt phố trước và sau sinh hoạt còn đỡ khổ. Những nhà nông choèn một mặt phố dĩ nhiên nửa đêm phu đổ thùng gọi cửa. Những kiến trúc Tây đan xen trong khu phố này thực chất chỉ khác hình dáng mặt tiền và vật liệu xây dựng mà thôi. Mọi sinh hoạt vẫn y như phố cổ.

Khu phố Tây từ đầu Bà Triệu trở xuống đất đai rộng rãi hơn. Nếu không xây biệt thự thì ít nhất mỗi nhà đều có con ngõ nhỏ bên hông dành cho người ăn kẻ, ở đi lại và dĩ nhiên cả đám phu đổ thùng ban đêm.

2. Khi đã gọi là “nếp nhà” thì phần lớn dân phố đã hiểu nó bằng nghĩa bóng nhiều hơn. Người ta không còn hiểu như cũ là những nếp nhà cụ thể vật chất “Đường lên Tây Bắc xa xôi/ Nếp nhà sàn thấp thoáng…”(Đường lên Tây Bắc - Văn An). Những nếp nhà Hà Nội có sinh hoạt khá khác nhau giữa khu phố cổ và phố Tây.

Khu phố cổ làm ăn buôn bán nhỏ lẻ thường ngủ muộn hơn. Ăn uống phần lớn tự nấu lấy mà ít khi ra hàng ra hiệu. Cỗ bàn giỗ chạp thường khá linh đình mời mọc. Nghỉ Tết kéo dài đến hết Rằm tháng Giêng. Phong tục tập quán gìn giữ có phần quyết liệt như một nguyên tắc sống. Âm lịch được các bà, các cô trong nhà nhớ nằm lòng mà chẳng cần đến một quyển lịch nào cả.

Khu phố Tây phần lớn là công chức cả cũ và mới lại có nếp sinh hoạt khác. Họ bạn bè quan hệ với nhiều người ở những khu phố khác. Phở sáng, cà phê sáng và rạp chiếu phim là nơi họ thường lui tới hàng ngày. Cỗ bàn Tết nhất cũng đơn giản mời mọc khách khứa. Hẹn hò nhau phần lớn dùng Dương lịch và giờ giấc cụ thể. Lối sống công chức giờ giấc có từ thời Pháp thuộc đã kịp thời ngấm vào và hình thành ra cách sinh hoạt này.

Thế nhưng cả hai lối sống cũng chỉ tồn tại được đến khoảng 1965. Khi máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc. Khi chế độ bao cấp của nhà nước bắt đầu chệch choạc thiếu thốn thì mọi sinh hoạt của dân phố gần như giống nhau hoàn toàn.

Cái “nếp nhà” hay đúng hơn là nề nếp mỗi gia đình cũng tự nhiên phiên phiến và dần mất đi. Nhà cửa chật chội, vài bà vợ loi choi ra ngồi đế chuyện trò với khách của chồng không còn là quá lạ. Thứ không thể nhìn thấy ở phố trước đây kể cả gia đình công chức và buôn bán.

Lũ trẻ cũng không lễ phép chào hỏi người lớn ngoài đường nữa, có lẽ cũng bởi được giáo dục lối ứng xử “3 không”. “Không biết, không nghe, không thấy” là phong trào dạy cho trẻ con cách phòng chống gián điệp đi dò la tin tức ngày ấy.

Nhà sử học Dương Trung Quốc và nếp nhà Hà Nội

Nhà sử học Dương Trung Quốc và nếp nhà Hà Nội

Dương Trung Quốc, nhà sử học nổi tiếng, đủ tầm vóc của một nhà văn hoá, nhưng hôm nay, chúng ta sẽ gặp ông trong tư thế một người Hà Nội.

Cỗ bàn Tết nhất nấu theo tiêu chuẩn được cung cấp nên rất khó nghĩ khi có ai đó mời đến nhà ăn bữa cơm. Những món ăn chế biến cầu kỳ tinh xảo cũng vì thế mà biến mất. Thay vào đó là những phát minh ẩm thực kinh dị kiểu như bánh bẻng nắm bằng bột mì luộc lên. Hoặc nghèo hơn nữa là đi xin bã xì dầu về rang lên ăn với cơm nguội. Có con gà rù làm thịt luộc xong phải dùng kéo mà cắt cho hàng xóm đỡ chạnh lòng…

Nếp nhà Hà Nội phải có một ngày nào đó quay lại. Cái nhốn nháo lúc này là hệ quả của vài mươi năm chiến tranh, bao cấp. Giờ thì nó chẳng còn lý do gì để tiếp tục như thế nữa.

Cỗ bàn Tết nhất nấu theo tiêu chuẩn được cung cấp nên rất khó nghĩ khi có ai đó mời đến nhà ăn bữa cơm. Những món ăn chế biến cầu kỳ tinh xảo cũng vì thế mà biến mất.

Đỗ Phấn

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN