TTVH Online

Clip 'vu oan' ăn cắp điện thoại: Một trò đùa vô tâm

15/10/2018 07:15 GMT+7

Những ngày qua, một nhóm các bạn trẻ đang gây nên tranh cãi sau khi thực hiện clip dàn cảnh “vu oan” cho người lạ, gán ghép họ với việc ăn cắp điện thoại.

(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày qua, một nhóm các bạn trẻ đang gây nên tranh cãi sau khi thực hiện clip dàn cảnh “vu oan” cho người lạ, gán ghép họ với việc ăn cắp điện thoại.

Nhóm bạn trẻ này đã đặt máy quay lén, thực hiện clip với mong muốn biết phản ứng của mọi người khi bị vu oan là ăn cắp. Sau khi clip được thực hiện và đăng tải, dân mạng nhiều người đã lên án gay gắt hành động này. Thậm chí có bình luận còn thẳng thắn: “Làm mất danh dự người khác nơi công cộng cần bị truy tố trách nhiệm”.

Phản hồi với một trang tin về sự việc, nhóm bạn trẻ trên cho biết: “Mục đích là để thức tỉnh mọi người nơi công động hãy thận trọng với những gì diễn ra xung quanh mình. Đừng vội tin lời dụ dỗ mê hoặc hay gài bẫy của bất kỳ ai”.

Chú thích ảnh
Hành động vu oan của chàng trai mặc đồ đen khiến người khác bối rối, khó xử. Ảnh cắt từ clip

Tuy nhiên, đây chỉ là những lời bao biện thiếu cơ sở. Bởi theo như nội dung clip đến giờ vẫn còn tồn tại trên Youtube, thì những người được “thử nghiệm” trong clip lại được trả lời rất khác. Mục đích làm clip được nhắc đến là để “trêu”, “để xem phản ứng của một người khi thấy một chiếc điện thoại như thế nào”… Trong suốt clip, việc “thức tỉnh mọi người hãy thận trọng nơi công cộng” cũng không được đề cập. Mục đích thực hiện tiền hậu bất nhất khiến cộng đồng không thể không đặt câu hỏi.

Trên thế giới, “social experiment” có nghĩa là “thử nghiệm xã hội” không phải là một khái niệm mới. Trái lại, đây là cách mà nhiều nhà tâm lý học đã tiến hành các nghiên cứu xưa nay để phục vụ mục đích nghiên cứu hành vi, suy nghĩ của con người. Những thử nghiệm này được tiến hành trong thực tế, với những người lạ mặt để đảm bảo tính khách quan.

Tuy nhiên theo thời gian, người ta đã sử dụng những thử nghiệm xã hội cho nhiều mục đích khác ngoài nghiên cứu khoa học. Prank là một trong những hình thức thử nghiệm xã hội nổi tiếng trên TV và các mạng xã hội video. Chúng bao gồm những cảnh quay ghi lại những trò đùa, trò chơi khăm được sắp đặt, dàn cảnh để xem phản ứng của những người ngẫu nhiên. Mục đích đơn thuần của những video này là mang tính gây cười và giải trí. “Just For Laugh” là 1 trong những chương trình nổi tiếng gắn liền với hình thức video này.

Khi thực hiện một sản phẩm giải trí, đương nhiên chúng cũng cần có những giới hạn. Nguyễn Thành Nam - một trong những Youtuber nổi tiếng của Việt Nam đã từng bị công an triệu tập vì làm clip dàn cảnh giả khủng bố IS quăng bom xem phản ứng của cộng đồng ra sao.

Đó là một trong những trường hợp tiêu biểu của việc làm nội dung với mục đích giải trí nhưng vi phạm những lằn ranh của đạo đức và pháp luật. Những bạn trẻ thực hiện clip vu oan người khác ăn cắp cũng có thể vô tình khiến chính mình trở thành kẻ phạm pháp khi thực hiện những hành vi như bịa đặt, vu khống cho người vô tội để giải trí mua vui.

Cảm xúc và danh dự của người khác không phải là thứ có thể đùa cợt. Kể cả có muốn làm những thử nghiệm xã hội, thì cũng phải có những lời xin phép. Lấy cảm xúc hay phản ứng của người khác ra để làm clip mà không có sự tôn trọng dành cho họ thì đó chỉ là những những trò đùa vô tâm. Chắc chắn chúng cũng sẽ để lại những hậu quả khôn lường!

Hạ Hồng Việt

Củng cố đạo đức dòng họ - góp phần giảm tội ác

Củng cố đạo đức dòng họ - góp phần giảm tội ác

Hiện nay, tình trạng đạo đức của xã hội có dấu hiệu suy đồi, tệ nạn phát triển, nên việc chăm lo đạo đức cho gia đình dòng họ cần được củng cố, bởi gia đình là tế bào của xã hội...

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN