TTVH Online

Robot khám phá tiểu hành tinh cách Trái Đất hàng trăm triệu km

03/10/2018 14:30 GMT+7

Ngày 3/10, tàu thăm dò vũ trụ không người lái Hayabusa2 của Nhật Bản đã đưa Mascot - một robot quan sát mới - lên tiểu hành tinh Ryugu, nằm cách Trái Đất khoảng 300 triệu km trong sứ mệnh làm sáng tỏ sự hình thành của hệ Mặt Trời cũng như nguồn gốc của sự sống trên Trái Đất.

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 3/10, tàu thăm dò vũ trụ không người lái Hayabusa2 của Nhật Bản đã đưa Mascot - một robot quan sát mới - lên tiểu hành tinh Ryugu, nằm cách Trái Đất khoảng 300 triệu km trong sứ mệnh làm sáng tỏ sự hình thành của hệ Mặt Trời cũng như nguồn gốc của sự sống trên Trái Đất.   

Cơ quan Nghiên cứu hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho biết Mascot là robot đổ bộ có hình dạng như một chiếc hộp nhỏ, nặng 10kg, do các cơ quan hàng không vũ trụ Đức và Pháp phát triển. Mascot đã tách khỏi tàu Hayabusa2 theo đúng kế hoạch khi cách tiểu hành tinh Ryugu 51m. Theo kế hoạch, Mascot sẽ chụp lại những hình ảnh, kiểm tra nhiệt độ và đất trên bề mặt tiểu hành tinh Ryugu bằng cách sử dụng 4 thiết bị quan sát bao gồm camera và kính hiển vi. Mascot chạy bằng pin nên chỉ có thể hoạt động trong vòng 16 giờ trước khi hết điện. Không giống như các robot đổ bộ khác sử dụng năng lượng Mặt Trời, Mascot có thể hoạt động cả vào ban đêm.

Chú thích ảnh
Bức ảnh chụp tiểu hành tinh Ryugu vào ngày 24/6

Theo những kết quả quan trắc trước đó, tiểu hành tinh Ryugu dạng hình thoi, được ước tính có đường kính khoảng 900 mét, quay quanh Mặt trời một chu kỳ trong 16 tháng, quay gần các quỹ đạo của Trái Đất và Sao Hỏa. Tiểu hành tinh loại C (carbon) này được cho là chứa lượng nước và chất hữu cơ khá lớn, là những yếu tố cần thiết cho sự sống. Các nhà khoa học hy vọng những mẫu đất đá thu thập được từ tiểu hành tinh này sẽ làm sáng tỏ nguyên nhân dẫn đến sự sống trên Trái Đất.

Tàu Hayabusa2 đã được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Tanegashima ở tỉnh Kagoshima, Tây Nam Nhật Bản, hồi tháng 12/2014 với sứ mệnh du hành đến tiểu hành tinh Ryugu để thu thập các mẫu đá. Hayabusa2 đã có hành trình suôn sẻ, vượt qua quãng đường 3,2 triệu km trong hơn 3 năm và đã điều chỉnh quỹ đạo của mình từ đầu tháng 6 vừa qua trước khi đạt đến đích là tiểu hành tinh Ryugu. Chi phí cho dự án nghiên cứu này là 30 tỷ yen (tương đương 274 triệu USD). 

Được cải tiến so với tàu Hayabusa phiên bản trước, nặng khoảng 600 kg và có kích thước tương tự một chiếc tủ lạnh cỡ lớn, Hayabusa2 gồm các động cơ ion bền hơn tạo thêm 25% sức đẩy và một antenna đã được nâng cấp để truyền được nhiều dữ liệu hơn về Trái Đất. “Tiền bối” Hayabusa chỉ thu thập các mẫu vật từ bề mặt tiểu hành tinh, trong khi Hayabusa2 sẽ sử dụng một máy ép bằng kim loại đào sâu xuống dưới bề mặt hành tinh để tiếp cận các vật chất không bị ảnh hưởng bởi bức xạ Mặt Trời cũng như các vật thể khác.

TTXVN/Trần Quyên

Nhật Bản dùng robot giảng dạy tiếng Anh trong toàn bộ các trường tiểu học

Nhật Bản dùng robot giảng dạy tiếng Anh trong toàn bộ các trường tiểu học

Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) vừa quyết định tiến hành thử nghiệm đưa robot sử dụng trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy tiếng Anh để tiến tới áp dụng tại toàn bộ các trường tiểu học của nước này.

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN