TTVH Online

Ngày Sân khấu Việt Nam: Nghệ sĩ cả nước hướng về 'tổ nghiệp'

21/09/2018 19:00 GMT+7

Hôm nay (21/9), tại Thủ đô Hà Nội và hàng chục địa điểm trên toàn quốc, rất đông nghệ sĩ biểu diễn đã cùng tụ họp để tham gia các hoạt động trong ngày Giỗ tổ Sân khấu Việt Nam.

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm nay (21/9), tại Thủ đô Hà Nội và hàng chục địa điểm trên toàn quốc, rất đông nghệ sĩ biểu diễn đã cùng tụ họp để tham gia các hoạt động trong ngày Giỗ tổ Sân khấu Việt Nam.

Từ năm 2010, ngày Giỗ tổ Sân khấu đã chính thức được quy định trong các văn bản nhà nước, với tên gọi Ngày Sân khấu Việt Nam (diễn ra vào 12/8 âm lịch). Tuy nhiên, trong nhiều năm trước đó, hoạt động này vẫn được các nghệ sĩ duy trì theo tập tục truyền thống.

Chú thích ảnh
Các nghệ sĩ của đoàn kịch Quân đội lên hương trên bàn thờ tổ nghiệp ở rạp Đại Nam

Trọng tâm của ngày Giỗ tổ năm nay là lễ kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ IX - 2018 do Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức tại rạp Đại Nam, Hà Nội. Trong lễ dâng hương, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội NSSK VN, chia sẻ: "Đây là ngày truyền thống của những người làm nghệ thuật sân khấu, để tỏ lòng biết ơn tới các bậc tiên tổ, các bậc tiền nhân đã vượt qua mọi định kiến của xã hội và sáng tạo nên một loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo, có giá trị làm giàu cho bản sắc văn hóa Việt Nam."

Chú thích ảnh
Các nghệ sĩ đi theo tư cách cá nhân cũng xuất hiện

Trong dịp kỷ niệm này, Hội NSSK Việt Nam cũng đã tổ chức lễ tôn vinh các nghệ sĩ cao tuổi (tròn 70, 80, 90 tuổi) như đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Diễm Lộc, đạo diễn NSND Ngọc Phương... và công bố giải thưởng sân khấu thường niên 2017.

Chú thích ảnh
Lễ giổ tổ được tổ chức tại Quảng Ninh trong ngày hôm nay

Theo đó, ở hạng mục kịch bản sân khấu, giải A được trao cho kịch bản Tổ quốc nơi cuối con đường của tác giả Lê Thu Hạnh - TP.HCM; ở hạng mục vở diễn sân khấu, giải B (không có giải A) được trao cho vở Ký ức lửa (tác giả Chu Lai, đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên). Ngoài ra, giải thưởng diễn viên xuất sắc năm 2017 được trao cho 7 diễn viên Tô Tuấn Dũng, Ngô Thuận (Nhà hát kịch Việt Nam), Hoàng Thanh Huấn (Nhà hát chèo Quân đội), Huỳnh Quang Việt (đoàn Ca kịch Quảng Nam), Dương Việt Anh (Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ), Mai Ngọc Nhân và Nguyễn Thị Thanh Vân (Nhà hát Tuồng Đào Tấn).

Vì sao có ngày giỗ Tổ sân khấu?

Vì sao có ngày giỗ Tổ sân khấu?

Sáng 9/9, Hội Sân khấu TP.HCM đã tổ chức buổi họp báo công bố quyết định của Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương Đảng về việc chọn ngày 12/8 âm lịch (cũng là ngày giỗ Tổ truyền thống của ngành sân khấu) làm Ngày Sân khấu Việt Nam.

 

Ngoài lễ kỷ niệm được Hội NSSK VN tổ chức tại rạp Đại Nam, nhiều lễ Giỗ tổ của các nhà hát, các địa phương, các nhóm nghệ sĩ sân khấu... cũng đã liên tục diễn ra trên toàn quốc trong hôm nay (21/9). Điển hình, tại TP. HCM, các lễ giỗ tổ được tổ chức tại các Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nghệ thuật Hát Bội, Nghệ thuật Phương Nam, Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần; các sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, Idecaf, Hồng Vân, Thế Giới Trẻ, Trịnh Kim Chi, Quốc Thảo... hoặc các nhà thờ tổ do các nhóm nghệ sĩ cùng xây dựng.

Chú thích ảnh
Lễ giỗ tổ được tổ chức tại Nhà hát Tuổi trẻ

Tại Quảng Ninh, lễ Giỗ tổ được thực hiện bởi đoàn nghệ thuật sân khấu Quảng Ninh và Chi hội sân khấu Quảng Ninh. Tại Hà Nội, các nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Tuổi trẻ và Nhà hát kịch Việt Nam cũng tề tựu tại trụ sở để thực hiện lễ Giỗ tổ của Nhà hát...

Sơn Tùng

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN