TTVH Online

Di tích quốc gia đặc biệt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ bị chiếm dụng

25/08/2018 11:07 GMT+7

Là một di tích thành phần của di tích cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) là một địa điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước.

(Thethaovanhoa.vn) - Là một di tích thành phần của di tích cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) là một địa điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước. Thời gian qua, do công tác quản lý của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương còn lỏng lẻo dẫn đến nhiều hộ dân ngang nhiên xâm lấn, chiếm dụng đất thuộc khu vực bảo vệ II của di tích để trục lợi.

Xây dựng công trình trên đất di tích

Nhiều tháng nay, người dân địa phương và khách du lịch khi vào tham quan Khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đều bất ngờ trước sự hiện diện của các nhà ở, lán nghỉ, chòi, khu vực vệ sinh, lán thờ tự và các chòi quanh ao cá ở khu vực gia đình ông Cầm Văn Hặc (bản Phăng 1, xã Mường Phăng) sinh sống trước đây- phía cuối con suối chạy dọc di tích. Theo ông Cầm Văn Hặc, những công trình này của gia đình ông, xây dựng trong năm 2018, nhiều công trình đã hoàn tất, một vài công trình còn xây dựng chưa xong. Ngoài việc dùng để ở, mục đích của gia đình còn kinh doanh, phục vụ nhu cầu ẩm thực, chỗ nghỉ ngơi cho du khách khi vào thăm quan khu di tích.

Để có mặt bằng xây dựng lán và khu vệ sinh, gia đình ông Hặc đã san bạt chân đồi và triền đồi. Hai ao nuôi cá trước đây giờ đã sát nhập lại một và được đào sâu hơn để nuôi cá, phục vụ nhu cầu giải trí của du khách. Ngoài ra, gia đình ông còn dựng giàn treo vô số giỏ hoa, một tảng đá khổng lồ cũng đắp dựng ngay cạnh mép ao; nhiều diện tích xen kẽ các lán, lều đã được trồng hoa.

Chú thích ảnh
Hệ thống nhà cửa, lán trại của gia đình ông Cầm Văn Hặc làm thay đổi hiện trạng, cảnh quan, xâm lấn vào khu vực bảo vệ II của di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Theo chính quyền xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, diện tích đất mà gia đình ông Cầm Văn Hặc đã xây dựng các công trình, trước đây khi quy hoạch chỉ “mặc định” là đất canh tác; chính quyền địa phương chưa từng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay đồng ý cho gia đình ông Hặc làm nhà ở, xây dựng các công trình khác phục vụ mục đích kinh doanh. Thực tế nhiều công trình lán, lều gia đình ông Hặc dựng lên nằm trong khu vực bảo vệ II của di tích.

Ông Mùa A Kềnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: Ngày 3/4/2018, Tổ quản lý di tích báo cáo với chính quyền việc ông Hặc đang dựng lán để mục đích kinh doanh. Qua kiểm tra chính quyền địa phương phát hiện ông Hặc có dựng lán vào đúng nền đất nhà sàn cũ trước đây, thuộc vùng bảo vệ I của di tích cấp quốc gia đặc biệt. Chúng tôi đã yêu cầu gia đình tháo dỡ, di chuyển lán, trả lại mặt bằng. Phía gia đình ông Hặc cũng đã thực hiện dỡ bỏ lán đó khỏi khu vực vùng bảo vệ I. Tuy nhiên các công trình khác ông Hặc vẫn tiến hành xây dựng dẫn đến hiện trạng trong số 11 lán, lều, công trình phụ có nhiều lán, lều của gia đình ông Hặc đang nằm trong khu vực bảo vệ II của di tích.

Chính quyền địa phương bất lực?

Tiếp cận “Bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ”, lập năm 2001 của UBND tỉnh Lai Châu (cũ); Quyết định số 591/QĐ-UB về việc phê duyệt phúc tra điều chỉnh quy hoạch khoanh vùng bảo vệ khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ của UBND tỉnh Lai Châu (cũ) ngày 3/5/2002 thì diện tích khu vực bảo vệ I của Sở Chỉ huy Chiến dịch có diện tích 300.000m2, khu vực bảo vệ II có diện tích 430.000m2.

Ông Mùa A Kềnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho rằng, việc gia đình ông Cầm Văn Hặc làm lán, lều, nhà ở tại khu vực đó không phù hợp với khu di tích, sẽ làm cảnh quan của di tích bị mất đi, gây phản cảm cho khách du lịch. Chính quyền địa phương đã yêu cầu gia đình ông Hặc di dời các công trình nhưng ông Hặc không đồng ý. Bởi hộ dân này cho rằng đất do ông cha để lại, tháo dỡ di dời thì phải được đền bù, hỗ trợ. Chính quyền không có kinh phí nên chưa thể di dời họ đi được.

Bản thân ông Mùa A Kềnh còn cho biết, trong năm 2017 có hai hộ dân khác cũng làm nhà ở ngay sát khu vực bảo vệ I của di tích, nền diện tích đất 2 hộ này trước kia là đất trồng lúa, nuôi cá, có dựng lán nhỏ để ở. Khi 2 hộ dân này làm nhà, chính quyền xã đã chỉ đạo cán bộ xuống để tuyên truyền, vận động, ngăn cấm nhưng người dân vẫn cố tình. Đến nay thì nhà ở và các công trình chăn nuôi của hai hộ dân này đã làm xong.

Ngày 4/4/2018 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên chủ trì phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện Điện Biên, UBND xã Mường Phăng đã tổ chức kiểm tra thực địa đối với việc vi phạm đất di tích lịch sử của gia đình ông Cầm Văn Hặc tại khu vực bảo vệ II của di tích cấp quốc gia đặc biệt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hiện trạng tại thời điểm kiểm tra, gia đình ông Hặc đã tự ý dựng 2 chiếc lán và sữa chữa, cải tạo ao cũ, trong đó một phần diện tích ao và hai chiếc lán đã nằm trong khu vực bảo vệ II của di tích. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, yêu cầu gia đình ông Cầm Văn Hặc tháo dỡ, di dời 2 chiếc lán nằm trong khu vực bảo vệ II của di tích; giữ nguyên hiện trạng ao thả cá mà gia đình đã sửa chữa, cải tạo; đồng thời yêu cầu gia đình ông Hặc không được đào đắp trên phần diên tích đất thuộc khu vực bảo vệ II của di tích; tuyệt đối không được cải tạo, xây dựng bất kỳ công trình nào trên đất của di tích. Nếu gia đình muốn đề xuất việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo cảnh quan thì phải có thiết kế báo cáo để Sở xem xét, trình Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tuy nhiên, nhiều tháng sau đó, gia đình ông Cầm Văn Hặc đã tự ý xây dựng thêm lán, lều, nâng tổng số công trình lên 11 lán, lều, nhà ở trên diện tích rộng hàng trăm m2.

Cơ quan chức năng nói gì?

Theo ông Bùi Hải Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, trong công tác triển khai quy hoạch đối với khu vực giáp ranh các di tích hiện tại còn gặp khó khăn bởi theo quy hoạch có nhiều diện tích đất ở, đất nông nghiệp của nhân dân nằm trong quy hoạch khu di tích. Trong khi nguồn kinh phí còn hạn chế, chưa bố trí được để thu hồi, bồi thường, hỗ trợ nhân dân ra khỏi vùng quy hoạch di tích; việc cắm mốc quy hoạch một số khu di tích trên thực địa cũng chưa triển khai hoặc đã cắm mốc nhưng số lượng còn hạn chế; phần lớn chủ sở hữu đất giáp ranh di tích chưa nắm rõ quyền và trách nhiệm trong việc sử dụng đất; nhu cầu về đất ở của người dân ở mức cao ở nên dễ dẫn đến việc xâm lấn đất di tích.

Đối với trường hợp gia đình ông Cầm Văn Hặc, quan điểm của địa phương là nếu xảy ra vi phạm vào đất di tích, huyện cương quyết yêu cầu gia đình tháo dỡ, di dời ra khỏi vùng ảnh hưởng. Nhà nước đã giao đất cho người dân sử dụng vào mục đích nông nghiệp thì không được phép làm nhà ở trên đất đó.

Ngày 4/10/2016, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Điện Biên (ban hành kèm theo Quyết định số 23/2016/QĐ-UBND, ngày 4/10/2016 của UBND tỉnh Điện Biên Ban hành quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Điện Biên). Tại khoản 1, Điều 4 của Quy định này nêu rõ “hành vi xây dựng trái phép, lấn chiếm, chiếm đoạt đất đai thuộc di tích, hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại cảnh quan môi trường, không gian văn hóa của di tích” là hành vị bị nghiêm cấm; tại điểm a, khoản 4, Điều 11 của Quy định cũng nêu “khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích (khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ II của di tích) mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường- sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích cấp Quốc gia và di tích cấp Quốc gia đặc biệt”.

Bên cạnh đó, Điều 32, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa số 32/2009-QH12, ngày 18/6/2009 quy định “Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I”, “Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp quốc gia và di tích cấp quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”.

Tuy nhiên, việc xây dựng nhà ở, lán và các công trình khác của gia đình ông Cầm Văn Hặc không hề có ý kiến cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

Làm việc với phóng viên về việc ông Cầm Văn Hặc xây dựng nhà ở, lán và các công trình khác để kinh doanh liên quan khu vực bảo vệ và giáp ranh của di tích cấp quốc gia đặc biệt Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng trường hợp ông Cầm Văn Hặc không phải là xâm lấn di tích. Việc xây dựng nhà, lán của gia đình ông Hặc không có nguy cơ ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường di tích nên Sở chưa báo cáo sự việc đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ là 1 trong 45 di tích thành phần của Di tích cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Đây là cơ quan đầu não của quân đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, gắn với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ sau chiến dịch Điện Biên Phủ 7/5/1954, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành cụm di tích lịch sử của cả nước.

TTXVN/Văn Dũng-Xuân Tiến

Nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ

Nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ

Điện Biên từng là một trong những chiến trường ác liệt gắn với chiến thắng vĩ đại làm chấn động thế giới - Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Với những giá trị đặc biệt, năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích Chiến trường Điện Biên Phủ là Di tích quốc gia đặc biệt.

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN