TTVH Online

Câu chuyện thành công của 'đế chế' âm nhạc Thụy Điển

10/08/2018 16:00 GMT+7

Đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu âm nhạc (chỉ sau Anh và Mỹ),sản xuất một nửa số hit lọt Top 10 BXH Billboard Hot 100, đâu là “đường đến thành Rome” của một quốc gia chỉ có vỏn vẹn 10 triệu dân như Thụy Điển?

(Thethaovanhoa.vn) - Đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu âm nhạc (chỉ sau Anh và Mỹ), sản xuất một nửa số hit lọt Top 10 BXH Billboard Hot 100, đâu là “đường đến thành Rome” của một quốc gia chỉ có vỏn vẹn 10 triệu dân như Thụy Điển?

Ít người biết, bản hit đầu tay đóng đinh với tên tuổi của “công chúa nhạc pop” Britney Spears - Baby One More Time được sáng tác và sản xuất tại Thụy Điển (bởi Max Martin). Nữ ca sĩ cũng nhiều lần trở lại đây để thực hiện những dự án về sau của mình, trong đó có album phòng thu thứ 2 Oops, I Did It Again!. Westlife, Backstreet Boys, NSYNC… hay rất nhiều tên tuổi khác cũng làm điều tương tự. Nữ ca sĩ Carly Rae Jepsen còn không ngần ngại tâng bốc: “Họ (người Thụy Điển) là những vị thánh của nền nhạc pop”.

Các nhạc sĩ và producer đến từ Thụy Điển có tiếng nói không nhỏ trong làng nhạc thế giới. Nơi đây được ví như “Thung lũng Silicon” của ngành âm nhạc, là “miền đất hứa” cho những ai muốn phát triển mình như một nhạc sĩ, producer hay DJ. Thủ đô Stockholm là nơi có tỷ lệ phòng thu âm tính theo đầu người lớn nhất thế giới.

Vậy rốt cục, nền âm nhạc của một đất nước nhỏ bé nằm tận Bắc Âu lạnh giá với chỉ vỏn vẹn 10 triệu dân, có gì mà hấp dẫn đến vậy?

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Max Martin, người được mệnh danh là “nhạc sĩ thành công nhất trong 20 năm trở lại đây”, là người Thụy Điển.

Tinh thần “đồng đội” cao

Câu chuyện thành công của nền âm nhạc Thụy Điển bắt đầu với ABBA. Kể từ sau chiến thắng ngoạn mục tại Eurovision Song Contest năm 1974, ABBA từng bước vươn lên trở thành một trong những huyền thoại của nền âm nhạc đại chúng.

10 năm sau màn ra mắt ngoạn mục của ABBA, Thụy Điển có thêm một hit “khủng” nữa - The Final Countdown của Europe. Tiếp đến là những cái tên như Ace of Base, The Roxette, The Cardigans... liên tục ra mắt và thành công lớn. Danh sách nối dài đến những năm gần đây với Tove Lo hay Zara Larsson…

Rõ ràng ABBA có ảnh hưởng không nhỏ đến các tài năng Thụy Điển. Không nói đến những tác động về tinh thần, sau khi có được thành công bước đầu, thay vì “di cư” sang những thị trường phát triển hơn như Anh hay Mỹ, quản lý của ABBA là Stikkan Anderson đã cho nhóm ở lại Thụy Điển và sử dụng toàn bộ nhân sự bản địa cũng như có nhiều hành động đóng góp cho ngành công nghiệp âm nhạc nơi đây.

Sự tương hỗ lẫn nhau cũng là yếu tố quan trọng cho sự phát triển các tài năng âm nhạc Thụy Điển. Ví dụ điển hình khác là Denniz Pop (1963-1998). Ông đã đào tạo và dạy dỗ Max Martin, nhạc sĩ thành công nhất thế giới trong 20 năm qua. Tiếp tục, Martin lại đào tạo nhóm The Wolf Cousins, 9 nhà sản xuất trẻ tuổi sáng tác các ca khúc như Love Me Like You Do của Ellie Gouilding, Problem của Ariana Grande hay Stay High của Tove Lo…

Chú thích ảnh
Ban nhạc ABBA chính là những người đặt nền móng đầu tiên cho làn sóng phát triển của nhạc pop Thụy Điển

Điều kỳ diệu từ phúc lợi xã hội

Việc ABBA hay Denniz Pop chọn ở lại Thụy Điển để phát triển sự nghiệp cũng gợi suy nghĩ về những tiềm năng nội tại của đất nước này, thể hiện ở tổng hòa của giá trị văn hóa, xã hội và đặc biệt là chính sách đầu tư viện trợ có định hướng từ chính phủ.

Nhà sản xuất nổi tiếng Max Martin trong những lần trả lời báo giới về lý do thành công của mình, liên tục nhấn mạnh về vai trò của mô hình “trường dạy nhạc địa phương”. Đây là dự án được khởi xướng và viện trợ liên tục bởi chính phủ Thụy Điển từ những năm 1940, và đến nay đã trở thành một làn sóng phát triển khắp các “hang cùng ngõ hẻm” của đất nước này. Thụy Điển có tổng cộng 290 khu vực địa lý, thì có tới 283 khu vực sở hữu ít nhất một trường dạy nhạc.

Bản chất của mô hình này là nơi cung cấp cho thế hệ trẻ cơ hội để được hát và chơi nhạc, không phân biệt nền tảng văn hóa xã hội với mức học phí thấp. Trẻ em được tiếp cận với đầy đủ các loại nhạc cụ và lớp học nhạc từ rất sớm. Theo thống kê, có tới 30% trẻ em Thụy Điển tham gia vào những chương trình đào tạo địa phương như vậy.

Daniel Johansson, nhà nghiên cứu âm nhạc tại Đại học Linnaeus và là người sáng lập ra công ty phân tích âm nhạc TrendMaze nói: “Hệ thống an sinh xã hội rất phát triển cho phép người dân sáng tạo âm nhạc ngay cả khi họ không có nhiều thu nhập”. Hay như người dân ở đây vẫn thường gọi “mô hình phúc lợi xã hội đứng sau điều kỳ diệu về âm nhạc Thụy Điển”.

Bên cạnh hệ thống giáo dục, mô hình phúc lợi xã hội còn được triển khai thông qua Hội đồng nghệ thuật Thụy Điển. Mỗi năm, hội đồng này trợ cấp khoảng 1,65 triệu USD cho hơn 100 nghệ sĩ ở giai đoạn đầu sự nghiệp, 3,1 triệu USD cho địa điểm tổ chức concert và khoảng 30,9 triệu USD cho các nhóm nhạc. Ban nhạc The Knife đã hoàn thành album đầu tay và tour diễn ở Mỹ đầu tiên nhờ có nguồn trợ cấp này.

Đặc biệt, từ năm 1997 chính phủ Thụy Điển trao giải Xuất khẩu âm nhạc hàng năm để ghi nhận những đóng góp của nghệ sĩ Thụy Điển cho nền âm nhạc thế giới. Các nghệ sĩ từng được trao giải này bao gồm: Swedish House Mafia, Robyn, ABBA, The Hives, The Cardigans, Max Martin hay Roxette…

Nhỏ mà có võ

Bất lợi về ngôn ngữ, diện tích và dân số, vô hình trung lại mang đến những thuận lợi ngoài sức tưởng tượng cho Thụy Điển.

Dân số và diện tích hạn chế buộc các nghệ sĩ Thụy Điển phải tìm cách mở rộng hoạt động ra nước ngoài, thay vì tổ chức nhiều show tại một thành phố và chứng kiến doanh thu giảm dần. Các hãng thu âm tại đây thậm chí còn thành lập những nhánh riêng chuyên phụ trách mảng “xuất khẩu âm nhạc”, điển hình như cách Stockholm Records đã làm với The Cardigans.

Thụy Điển không phải là một quốc gia nói tiếng Anh, nhưng nghiên cứu cho thấy có đến 89% người dân ở đây sử dụng thành thạo tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2. Họ cũng được biết đến với sự cởi mở về văn hóa.

Điều này lại dẫn đến một đặc trưng lớn cho các sáng tác của Thụy Điển, như lời của Ulf Ekberg, thành viên ban nhạc Ace of Base: “Với Thụy Điển, giai điệu là yếu tố quan trọng hàng đầu. Trong khi với nước Mỹ, lời bài hát được đặt lên hàng đầu, sản xuất đứng thứ hai và giai điệu ở cuối. Tôi không nói lời không quan trọng, nhưng với người Thụy Điển chúng tôi, một đất nước có tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2, chúng tôi chỉ cố để làm cho nó hiểu được. Chúng tôi cố gắng tiếp cận đến càng nhiều người càng tốt, bằng những giai điệu vui tươi và ca từ dễ hiểu”.

Phòng thu Cheiron - Huyền thoại của lịch sử nhạc pop

Những người yêu thích nhạc pop khi đến Thụy Điển không thể không ghé đến phòng thu Cheiron. Tọa lạc ở quận Kungsholmen, thuộc thủ đô Stockholm, Thụy Điển, phòng thu này được thành lập vào năm 1992 bởi Denniz Pop và Tom Talomaa.

Nơi đây nổi tiếng là địa điểm mà những nghệ sĩ nhạc pop nổi tiếng của những năm 1990 đến để thực hiện sản phẩm, như Backstreet Boys, Boyzone, Britney Spears, Westlife… Cheiron cũng đồng thời là tên của hãng thu âm (Cheiron Records).

Bản thân Denniz Pop cũng là một tên tuổi lớn của nền nhạc pop, là người tạo nên thành công cho nhóm Ace of Base.

Sau khi Denniz Pop qua đời, Cheiron bị đóng cửa vào năm 2000. Học trò của Denniz là Max Martin đã cùng với Talomaa tái thành lập công ty, lấy tên là The Location.

Bài hát 'Thank You For The Music': 'Cô gái tóc vàng' của ABBA

Bài hát 'Thank You For The Music': 'Cô gái tóc vàng' của ABBA

“Tôi không có gì đặc biệt, thực tế là nhạt nhẽo… Nhưng khi tôi cất tiếng hát, mọi người đều lắng nghe”. Những câu hát dành riêng cho Agnetha Faltskog. Vào những năm đỉnh cao của ABBA, Agnetha Faltskog luôn là trung tâm chú ý. Bà được chính ABBA ưu ái đến mức trở thành cảm hứng cho vở nhạc kịch ngắn đầu tiên của nhóm và đặc biệt là bản hit "Thank You For The Music".

Hà My

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN