TTVH Online

Olympic Việt Nam và 'cú đấm' từ tuyến 2

09/08/2018 07:49 GMT+7

Chúng ta đều đã được chứng kiến bàn thắng của Phan Văn Đức, trận hoà 1-1 với Olympic Uzbekistan, giải bóng đá tứ hùng vừa kết thúc tại Mỹ Đình. Đó là một pha xử lý ở đẳng cấp cao và rất hiếm thấy.

(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta đều đã được chứng kiến bàn thắng của Phan Văn Đức, trận hoà 1-1 với Olympic Uzbekistan, giải bóng đá tứ hùng vừa kết thúc tại Mỹ Đình. Đó là một pha xử lý ở đẳng cấp cao và rất hiếm thấy.

Đức Huy gần như không cần quan sát, anh chuyền bóng theo cảm tính khi Đức ra dấu. Một pha “nhấc bóng” có điểm rơi - điều mà Xuân Trường rất thường xuyên làm, Văn Đức bắt bước một bằng chân trái và ra chân luôn bằng chân phải. Không chỉ có sự ngẫu hứng, mà cầu thủ phải có kỹ thuật cá nhân hoàn hảo mới thực hiện được cú “liên hoàn cước” như vậy.

DANH SÁCH CHÍNH THỨC 20 CẦU THỦ THAM DỰ ASIAD CỦA U23 VIỆT NAM | VFF Channel

Sau khi trở về từ VCK U23 châu Á 2018, cuộc sống của Văn Đức có đôi chút đảo lộn. Nhưng khát vọng và đẳng cấp chơi bóng của anh được nâng lên trong màu áo SLNA và các ĐTQG. Dù chơi ở hàng tiền vệ, nhưng Đức là một trong những chân sút nội tốt nhất V-League 2018, đồng thời cũng sở hữu rất nhiều các đường chuyền thành bàn. Không ngoa khi nhận định rằng, Phan Văn Đức là tiền vệ hoàn hảo bậc nhất của đội tuyển Olympic Việt Nam lúc này, cùng với tân binh Đỗ Hùng Dũng.

Các ĐTQG dưới thời HLV Park Hang Seo luôn được truyền cảm hứng chơi bóng. Trung vệ Bùi Tiến Dũng, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, đã khẳng định chắc nịch như vậy. Cảm hứng là rất quan trọng, giúp cầu thủ có thể làm những điều không tưởng. Pha bóng của Đức Huy và Văn Đức là một viện dẫn. Trước đó, ở trận thắng Palestine, Công Phượng cũng có màn thể hiện đầy ngẫu hứng.
Chúng ta đang có một đội tuyển đầy hứng khởi. Và nên nhớ, bóng đá ngoài là một môn thể thao vị thành tích, nó còn có nghĩa vụ phục vụ khán giả: Những tiếng ồ trên khán đài. Đội tuyển Olympic Việt Nam sở hữu khá nhiều các cá nhân có thể gây tiếng ồ, đặc biệt ở tuyến 2.
Tháng 1/2018, đội tuyển U23 Việt Nam (nòng cốt của Olympic Việt Nam lúc này) tạo nên cơn đại địa chấn ở Thường Châu, Trung Quốc - VCK U23 châu Á, cũng bằng những cú đấm từ tuyến 2. Đó là một giải đấu thành công với hàng tiền vệ, bao gồm Đức Huy, Xuân Trường, Quang Hải và Phan Văn Đức.

Sau tất cả, câu chuyện về U23 Việt Nam lúc này không còn là truyện “nghìn lẻ một đêm” nữa. Tức là yếu tố bất ngờ trước các đối thủ đã bị giảm thiểu: Họ nhìn vào Olympic Việt Nam với một bộ mặt khác và thậm chí với một tâm thế khác. Vậy, HLV Park Hang Seo phải có những phương án khác, nếu muốn chinh phục màu của chiếc huy chương môn bóng đá nam ASIAD 18.

U23 Việt Nam và công thức chiến thắng

U23 Việt Nam và công thức chiến thắng

Không có lí do gì để thay đổi công thức thành công nếu công thức ấy chưa tỏ ra lỗi thời hoặc bị hóa giải. Đó là lí do vì sao U23 Việt Nam hoàn toàn có thể dùng lại lối chơi từng giúp chúng ta làm nên địa chấn ở VCK U23 châu Á.

Một hệ thống phòng ngự được tổ chức kín kẽ, theo kiểu cài răng lược và không có chỗ hở, là điều cần thiết. Năm 2008, HLV Henrique Calisto đã từng thành công, khi buộc đội bóng thu lại như “cái nắm đấm”, lúc phòng ngự. Và khi tấn công, nắm đấm ấy phải vung ra thật nhanh, mạnh và chính xác, hạ knock-out đối thủ. Các trận bán kết với Singapore và chung kết lượt đi với Thái Lan là những minh chứng.

Việc giải quyết trận đấu, cần những ngôi sao biết toả sáng. 10 năm sau AFF Suzuki Cup 2008, ngay lúc này, đội tuyển Olympic Việt Nam cũng sở hữu đủ những cá nhân biết toả sáng. Dựa trên tính kỷ luật của lối chơi, cùng một tinh thần chiến đấu không sợ hãi, không lùi bước, chúng ta có cơ hội thành công ở xứ vạn đảo.

Tiến lên nào các chàng trai của ông Park. Đây há chẳng phải cơ hội đời người?!

Tùy Phong

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN