TTVH Online

Tổng tuyển cử ở Thổ Nhĩ Kỳ: Chiến thắng ít vị ngọt của Tổng thống T. Erdogan

25/06/2018 21:10 GMT+7

Với việc giành được khoảng 52,5% số phiếu bầu, bỏ xa đối thủ chính là ứng cử viên Muharrem Ince - đại diện đảng Nhân dân cộng hòa (CHP), ông Erdogan đã dễ dàng tránh phải đối đầu trong cuộc bầu cử vòng 2.

(Thethaovanhoa.vn) - Chiến thắng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra ngày 24/6 vừa qua được xem là “bước ngoặt” đánh dấu sự khởi đầu của hệ thống chính trị mới tại quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) này.

Không chỉ được gia tăng quyền lực để đối phó hàng loạt thách thức an ninh và kinh tế, kết quả bầu cử này còn là cơ hội để ông Erdogan cụ thể hóa những thay đổi căn bản trong Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, đã được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý năm ngoái, theo đó chuyển từ chế độ chính trị nghị viện sang chế độ tổng thống.

Chú thích ảnh
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan

Với việc giành được khoảng 52,5% số phiếu bầu, bỏ xa đối thủ chính là ứng cử viên Muharrem Ince - đại diện đảng Nhân dân cộng hòa (CHP), ông Erdogan đã dễ dàng tránh phải đối đầu trong cuộc bầu cử vòng 2.

Trong khi đó, liên minh giữa AKP và đảng Phong trào Dân tộc chủ nghĩa (MHP) giành lần lượt 42,4% và 11,2% số phiếu ủng hộ (tương đương 293 và 50 ghế). Điều này có nghĩa AKP đã thoát khỏi nguy cơ mất thế đa số tại Quốc hội, một kịch bản có thể làm gia tăng những căng thẳng giữa người đứng đầu đất nước với một cơ quan lập pháp đã có lúc tưởng mất quyền kiểm soát vào tay phe đối lập.

Kết quả trên cho thấy tỷ lệ cử tri ủng hộ ông Erdogan vẫn tương đương, thậm chí có phần cao hơn kết quả ông nhận được trong chiến thắng năm 2014 khi ông lần đầu tiên trở thành tổng thống sau hơn một thập kỷ giữ chức thủ tướng.

Giới phân tích cho rằng những chiến thắng quân sự trong chiến dịch "Nhành Oliu" với danh nghĩa xóa bỏ mối đe dọa khủng bố ở biên giới đã trở thành yếu tố "hậu thuẫn" Tổng thống Erdogan trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua.

Từ chỗ tỷ lệ ủng hộ ông và AKP bắt đầu giảm sút mạnh vào năm 2013 do những vụ bê bối tham nhũng trong nội bộ đảng liên tục diễn ra, cộng với tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, tâm lý dân tộc chủ nghĩa ở Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất hiện làn sóng mới, khi tỷ lệ ủng hộ ông Erdogan và AKP gia tăng trở lại.

Bên cạnh đó, sự chia rẽ của phe đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ, khiến phe này không thể đề cử một ứng cử viên thống nhất, cũng đem lại lợi thế cho ông Erdogan.

Đối với Tổng thống Erdogan, không chỉ mở đường cho một nhiệm kỳ 5 năm tới, hiến pháp mới còn tạo ra những ảnh hưởng chưa từng có cho người đứng đầu đất nước. Ngoài việc có thể bổ nhiệm một chính phủ do vị trí thủ tướng sẽ bị hủy bỏ, giải tán quốc hội, tuyên bố tình trạng khẩn cấp và bổ sung thẩm phán, Tổng thống Erdogan còn có thể can thiệp vào chính sách của ngân hàng trung ương, lựa chọn các nghị sĩ trong đảng đảm nhận vị trí đứng đầu, một vai trò giúp ông có quyền lực không giới hạn trong việc điều hành quốc hội.

Chưa hết, ông Erdogan còn được miễn trừ truy tố, thậm chí việc luận tội ông vì bất kỳ lý do gì cũng là điều gần như không thể. Những thay đổi này được cho là tạo thuận lợi đáng kể cho nhiệm kỳ mới của Tổng thống Erdogan.        

Chú thích ảnh
Theo hãng thông tấn nhà nước Anadolu, với 98% số phiếu được kiểm, ông Erdogan giành được gần 52,5% phiếu bầu trong cuộc bầu cử Tổng thống

  

Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại rất có thể các bất ổn chính trị sẽ gia tăng tại Thổ Nhĩ Kỳ sau bầu cử bởi các bên tiếp tục mâu thuẫn với nhau về lợi ích cũng như đường lối phát triển của đất nước. Dù thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử, song đại diện phe đối lập vẫn cho rằng đây là cuộc bầu cử không công bằng. Không phải ngẫu nhiên mà ông Soner Cagaptay (Xô-nơ Ca-gáp-tay), Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Viện Washington thậm chí đánh giá rằng: "Chiến thắng của ông Erdogan thực tế là mối đe dọa đẩy Thổ Nhĩ Kỳ tới một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc và kéo dài”.

Bên cạnh đó, việc chính quyền Ankara bắt giữ hàng chục nghìn người, gồm các binh sĩ, nhân viên cảnh sát, thẩm phán, giáo viên, người lao động... trong chiến dịch trấn áp sau vụ đảo chính bất thành năm 2016, phần nào đã làm gia tăng tâm lý lo ngại và bất bình của một bộ phận dân chúng. Những khó khăn kinh tế: đồng nội tệ lira trượt giá, tỷ lệ lạm phát lên tới 12%, thâm hụt tài chính ở mức cao... càng khoét sâu thêm căng thẳng trong xã hội.

Việc Tổng thống Erdogan tái đắc cử cũng không đem tới sự lạc quan về khả năng tình hình kinh tế sẽ cải thiện. Theo chiến lược gia Neel Gopalakrishnan (Nin Gô-pa-lác-ri-snan) của Ngân hàng DBS, dù có thể có sự phục hồi đáng kể sau khi có kết quả bầu cử, song nền kinh tế sẽ chịu sức ép lớn, trừ khi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có các biện pháp chính sách nhằm giải quyết tình trạng lạm phát cao và lệ thuộc vào bên ngoài.

Kể từ sau cuộc đảo chính bất thành vào tháng 7/2016, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn được đặt trong tình trạng khẩn cấp và an ninh vẫn là thách thức lớn mà ông Erdogan phải đối mặt, bao gồm mối đe dọa của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng cũng như các tay súng thuộc đảng Công nhân người Cuốc (PKK).

Các chiến dịch quân sự truy quét IS và các tay súng PKK mà Thổ Nhĩ Kỳ ráo riết tiến hành trên toàn quốc, thậm chí can thiệp vào bên trong lãnh thổ hai nước láng giềng Iraq và Syria, càng khiến an ninh của quốc gia nằm giữa hai lục địa Á - Âu này chịu thêm nhiều bất trắc. Trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ chịu tác động không nhỏ của làn sóng người di cư tràn từ nước láng giềng Syria, bài toán an ninh sẽ tiếp tục làm đau đầu nhà lãnh đạo Erdogan. 

Về đối ngoại, thách thức lớn nhất vẫn là cân bằng được mối quan hệ với các nước lớn như Nga và Mỹ. Việc Ankara xích lại gần Nga với các cam kết sẽ cài đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Moskva tại quốc gia thành viên NATO này, được xem là “cuộc chơi mạo hiểm” trong chính sách đối ngoại.

Bước chuyển hướng tăng cường quan hệ với Nga có lẽ không chỉ là nguyên nhân làm mất lòng các đồng minh NATO, mà còn đẩy Mỹ đi đến quyết định thông qua dự luật chính sách quốc phòng trị giá 716 tỷ USD, trong đó có điều khoản bổ sung cấm bán máy bay F-35 cho Ankara, động thái đi ngược lại tinh thần quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia đồng minh.

Tất cả đang khiến rạn nứt trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, vốn đã trầm trọng sau việc Washington từ chối dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen (Phê-thu-la Gu-len), người bị Ankara cáo buộc chủ mưu vụ đảo chính quân sự bất thành chống lại Tổng thống Tayyip Erdogan hồi năm 2016, có nguy cơ khó hàn gắn hơn nữa. 

Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Liên minh châu Âu (EU) cũng không có dấu hiệu được cải thiện bởi hàng loạt vấn đề gây bất hòa. Từ quan điểm phản đối của EU đối với chiến dịch trấn áp cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ sau đảo chính, tới việc Thổ Nhĩ Kỳ bị chỉ trích "tụt hậu so với các tiêu chuẩn dân chủ" mà EU theo đuổi...  

Giới phân tích cho rằng ông Erdogan nằm trong số các nhà lãnh đạo thế giới bị giới truyền thông cũng như các chính trị gia của phương Tây "có ác cảm nhất". Về phần mình, Tổng thống Erdogan cũng không ngần ngại chỉ trích gay gắt các chính phủ châu Âu, như Đức, không chứng tỏ sự đoàn kết cần thiết khi Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với những vấn đề an ninh.

Dù đã trải qua thời kỳ khó khăn nhất, song hiện Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang gánh chịu những tác động tiêu cực của cuộc xung đột và những rối ren trong khu vực. Tổng thống Erdogan sau khi đắc cử tuyên bố rằng chính sách đối nội và đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ dành ưu tiên bảo đảm duy trì an ninh và ổn định trong nước, song để bảo đảm vị thế của một quốc gia thành viên NATO có vị trí địa - chính trị chiến lược, trong bối cảnh tình hình khu vực diễn biến phức tạp, nhiệm vụ đối với Tổng thống Erdogan quả là quá khó khăn.

TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN