TTVH Online

Mê bóng đá, không thể bỏ qua những 'siêu phẩm' điện ảnh kinh điển này

23/06/2018 07:25 GMT+7

Hòa cùng không khí World Cup 2018 đang diễn ra, người hâm mộ còn có thể nắm bắt tinh thần giải đấu của môn thể thao "vua" này với những bộ phim hay nhất về bóng đá.

(Thethaovanhoa.vn) - Hòa cùng không khí World Cup 2018 đang diễn ra, người hâm mộ còn có thể nắm bắt tinh thần giải đấu của môn thể thao "vua" này với những bộ phim hay nhất về bóng đá.

1. Bộ phim The Goalie's Anxiety At The Penalty Kick (1971) của nhà làm phim Đức Wim Wenders là bộ phim khá phi thường kể về người đàn ông cuối cùng trên sân bóng.

Đây là phim đầu tay của Wenders, được nhà làm phim dàn dựng theo tiểu thuyết cùng tên của Peter Handke và lập tức đã tạo được đột phá. Câu chuyện trong phim rất buồn: Sau khi bị đuổi ra khỏi sân vì phạm lỗi, một thủ môn đã đi lang thang khắp thành Vienna, qua đêm với một nhân viên thu ngân phòng vé và sau đó giết chết người này.

Chú thích ảnh
Cảnh trong phim "The Goalie's Anxiety At The Penalty Kick"

Phim đánh trúng tâm lý người xem với không khí điềm tĩnh và lạc quan, những phẩm chất mà thủ môn cần có. Dù đây là phim mang thể loại trinh thám, song nhịp phim chậm và mang tính suy tư hơn nhiều bộ phim khác ở thể loại này. Phim khảo sát tính đơn điệu về sự tồn tại của một kẻ giết người, và giống như nhiều bộ phim của Wenders, phim mô tả sự ảnh hưởng văn hóa áp đảo của Mỹ ở Tây Đức thời hậu chiến.

Có 2 phim đặc biệt về người hâm mộ bóng đá không nên bỏ lỡ. Cụ thể, phim Ultra của Ricky Tognazzi (Italy, 1990) là tác phẩm đề cập đến nạn hooligan. Đạo diễn Tognazzi đã xoáy đến những sự quá khích của fan câu lạc bộ AS Roma khiến cho người hâm mộ của Juventus Turino bị đánh tơi bời.

Tại LHP Quốc tế Berlin năm 1991, phim đã đoạt giải Gấu Bạc (cho Đạo diễn xuất sắc nhất).

2 năm sau, Adolf Winkelmann nhận giải Điện ảnh Đức cho Đạo diễn xuất sắc nhất với phim Nordkurve (1993). Phim là cái nhìn đầy phê phán vào khung cảnh bóng đá ở khu công nghiệp Ruhr của Đức, trong đó có người hâm mộ và các nhà quản lý, cầu thủ và vợ của họ.

Chú thích ảnh
Phim "Nordkurve" của Adolf Winkelmann

Những bộ phim mang tính giải trí, nhẹ nhàng phải kể đến Fimpen của Bo Widerberg (Thụy Điển, 1973). Phim kể về một cậu bé đã khích lệ tinh thần thi đấu của đội tuyển quốc gia Thụy Điển và vui hưởng thành công hơn cả Zlatan Ibrahimovic (cầu thủ bóng đá người Thụy Điển hiện chơi ở vị trí tiền đạo cho LA Galaxy) có được ở Pháp.

Và phim Gregory's Girl (1981) của nhà làm phim Scotland Bill Forsyth, kể về một cậu bé tuổi vị thành niên đã có thành tích kha khá trên sân cỏ. Nhưng cậu lại mong ước có nhiều thứ khác, như có bạn gái. Nhưng không phải lúc nào sự nghiệp bóng đá thành công cũng mang lại những điều mình mong muốn.

Chú thích ảnh
Hình ảnh trong phim “Gregory's Girl”

2. Phim Escape To Victory (hay có tên đơn giản là Victory, 1981) của nhà làm phim Mỹ John Huston có bối cảnh ở Pháp trong Thế chiến II. Trong một trại tập trung tù nhân của phát xít Đức, một trận bóng đá đã diễn ra giữa lính Đức với tù nhân Anh - Mỹ.

Escape To Victory không phải là tác phẩm xuất sắc trong sự nghiệp sáng chói của nhà làm phim Mỹ John Huston, nhưng phim thu hút sự quan tâm khi có huyền thoại bóng đá Pele đóng chính.

Hay năm 2008, đạo diễn Serbia lập dị Emir Kusturica đã làm phim tài liệu về biểu tượng bóng đá Argentina Diego Maradona, mang tựa đề Maradona. Trong mắt nhiều người, Maradona là cầu thủ hiện đại xuất sắc nhất thế giới.

Chú thích ảnh
Bộ phim mang tựa đề "Maradona"

Không chỉ xoáy đến các ngôi sao nổi tiếng, một số đạo diễn còn làm phim về những đội bóng quốc gia không có tiếng tăm. Chẳng hạn phim The Other Final (2003) của đạo diễn Hà Lan Johan Kramer, kể về 2 đội bóng quốc gia bị xếp "hạng bét" là Bhutan và Montserrat.

Ngày 30/6/2002, hai đội bóng này "đối đầu" nhau cùng ngày với đội tuyển Đức đấu với Brazil trong giải World Cup được tổ chức ở Brazil.

Kết quả, Bhutan thắng 4-0, song quan trọng hơn là trận cầu này đã góp phần thúc đẩy quan hệ giữa 2 nước.

Trong khi đó, phim Offside (2006) của nhà làm phim Iran Jafar Panahi từng bị cấm chiếu ở đất nước Hồi giáo này. Phim kể về những người phụ nữ cố gắng vào được sân vận động để xem một trận đấu World Cup trong bối cảnh Iran cấm phụ nữ tới sân vận động. Bộ phim của Panahi vừa đáng yêu vừa sắc bén.

Chú thích ảnh
Phim "Offside"

Bộ phim khác đề cập đến Bhutan là The Cup của Khyentse Norbu. Đây là sản phẩm do Bhutan và Australia đồng sản xuất hồi năm 1999. Norbu là một nhà sư làm đạo diễn phim. Trong phim của mình, ông nhấn mạnh bóng đá và tâm linh tương hợp với nhau. Nhân vật chính trong phim mặc áo có chữ Ronaldo trong chiếc áo choàng của mình.

Còn trong phim Hothead (1979) của nhà làm phim Pháp Jean-Jacques Annaud do nam diễn viên Patrick Dewaere thủ vai cầu thủ không may mắn Francois Perrin. Anh bị dính vào những âm mưu tội ác trong một câu lạc bộ bóng đá của tỉnh. Nhưng may mắn thay, nhờ ghi 2 bàn thắng Perrin đã giải thoát mình khỏi những giao kèo của các nhà quản lý.

Hậu trường sân khấu Oscar khi trao nhầm giải Phim hay nhất?

Hậu trường sân khấu Oscar khi trao nhầm giải Phim hay nhất?

Lễ trao giải Oscar lần thứ 89 năm 2017 đã xảy ra một sự nhầm lẫn hy hữu trong lịch sử, giải Phim hay nhất đã bị đọc nhầm tên mà lỗi là do trao nhầm phong bì kết quả.

Việt Lâm (Tổng hợp)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN