TTVH Online

Sau hội nghị thượng đỉnh, Triều Tiên nhìn Tổng thống Trump bằng con mắt khác

17/06/2018 10:02 GMT+7

Người Triều Tiên đang hình thành một cái nhìn mới với Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi hội nghị thượng đỉnh ở Singapore kết thúc tốt đẹp.

(Thethaovanhoa.vn) - Người Triều Tiên đang hình thành một cái nhìn mới với Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi hội nghị thượng đỉnh ở Singapore kết thúc tốt đẹp.

Người Triều Tiên đã chứng kiến Tổng thống Trump bắt tay với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị lịch sử ngày 12/6 ở Singapore, thậm chí còn chào kiểu nhà binh với vị tướng ba sao Triều Tiên. Với họ, hình ảnh đó khác xa với những gì mà chính phủ Triều Tiên khắc họa về Tổng thống Trump năm 2017.

Chú thích ảnh
Người Triều Tiên xem tin tức trên báo về cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: AP

 Theo tạp chí Time, trước đây, cách mà Triều Tiên dùng để gọi Tổng thống Trump tốt đẹp nhất cũng chỉ là “Trump”. Không có kính ngữ. Không có dấu hiệu thể hiện sự kính trọng.

Còn giờ đây, ông được gọi là “Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ” hay là “Tổng thống Donald J. Trump”, thậm chí “lãnh đạo tối cao”.

Hình ảnh Tổng thống Trump trên báo chí nhà nước Triều Tiên trở nên nghiêm túc hơn và gần như mang hơi hướng “vương giả”.

Sự thay đổi sau hội nghị thượng đỉnh về cách gọi Tổng thống Trump cho thấy một thực tế là chính phủ Triều Tiên đang muốn thay đổi quan điểm của người dân về Mỹ nói chung và Tổng thống Trump nói chung trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Triều đang trải qua nhiều điều tốt đẹp. Từ bé, người Triều Tiên đã được dạy để ghét “đế quốc Mỹ”.

Sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều kết thúc hai ngày và sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un trở về Bình Nhưỡng trọn một ngày, đài truyền hình Triều Tiên mới phát sóng đoạn video và ảnh đầu tiên về hội nghị ở Singpore.

Mặc dù Triều Tiên đã khắc họa hình ảnh Tổng thống Trump với cái nhìn tôn kính hơn nhưng ngôi sao vẫn là nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Trong chương trình dài 42 phút, Tổng thống Trump xuất hiện ở tận phút 20 trong với cái bắt tay lịch sử.

Hình ảnh ông Kim Jong-un được khắc họa là một nguyên thủ quốc gia trẻ tuổi, tự tin, lịch sự, nhanh chóng chủ động mỉm cười và làm chủ. Còn Tổng thống Trump nhiều tuổi gấp đôi, hơi ngả người về phía trước để bắt tay, giơ ngón tay cái lên hay đi bộ trước ông Kim Jong-un vài bước trước tiệc trưa mà hai phái đoàn dùng chung.

Một số khoảnh khắc “ngượng ngịu” của Tổng thống Trump cũng được Triều Tiên ghi lại trong chương trình, từ lúc chìa tay định bắt tay với Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Triều Tiên No Kwang Chol thì ông này lại giơ tay lên đầu chào, cho đến hình ảnh ông dùng chân di chuyển ghế thay vì dùng tay. Người Triều Tiên đều khúc khích cười khi xem những hình ảnh này.

Xem video Tổng thống Trump chào tướng Triều Tiên (Nguồn: RT):

Trước khi chiếu cảnh hai lãnh đạo ký tuyên bố chung, chương trình trên đài truyền hình Triều Tiên chiếu cảnh Tổng thống Trump chỉ cho ông Kim Jong-un xem chiếc xe “Quái thú” của mình. Trong lúc đọc lời thuyết minh, phát thanh viên Triều Tiên thỉnh thoảng gọi hai người là “lãnh đạo tối cao”. 

Bản tin về chuyến đi Singapore của ông Kim Jong-un được thể hiện như một bộ phim tài liệu theo trình tự thời gian, bắt đầu bằng hình ảnh tiễn ông Kim Jong-un trên thảm đỏ tại sân bay Bình Nhưỡng trên chuyến bay của hãng Air China, cho đến hình ảnh đoàn xe tiến về khách sạn St. Regis ở Singapore, chuyến đi thăm Singapore vào ban đêm trước thềm hội nghị thượng đỉnh.

Việc truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin về hội nghị thượng đỉnh và Tổng thống Trump là sự kiện cực kỳ quan trọng vì nó giúp người dân Triều Tiên tiếp cận thông tin về hoạt động của nhà lãnh đạo.

Đối với người Triều Tiên, hình ảnh lãnh đạo Kim Jong-un công du nước ngoài không còn là điều xa lạ. Ông đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hai lần và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hai lần. Trang nhất các báo và bản tin đều tràn ngập hình ảnh của ông Kim Jong-un.

Trong thời gian trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh, báo chí Triều Tiên giảm bớt giọng điệu cứng rắn để không làm hỏng bầu không khí thiện chí với Mỹ - quốc gia mà trong hàng chục năm qua Triều Tiên luôn chỉ trích.

Phản ứng của Triều Tiên trước những bình luận không thiện chí của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton cũng nhẹ nhàng hơn nhiều. Họ chỉ chỉ trích “các giá trị tư bản” và vẫn tiếp tục đề cập tới Tổng thống Trump.

Theo tạp chí Time, việc báo chí Triều Tiên thay đổi tích cực với Tổng thống Trump có ý nghĩa gì với tương lai quan hệ Mỹ-Triều là một vấn đề phức tạp.

Triều Tiên coi chiến lược ngoại giao của ông Kim Jong-un là một bước tiếp theo hợp lý sau khi nước này đã hoàn thành kế hoạch xây dựng năng lực răn đe hạt nhân đáng tin cậy để đối phó với chính sách thù địch và tống tiền hạt nhân của Mỹ.

Đó là thông điệp mà bản tin của truyền hình Triều Tiên đưa ra với người dân, trong đó nhấn mạnh rằng cuộc đàm phán với Tổng thống Trump sẽ được tập trung vào vấn đề thiết lập một mối quan hệ tốt đẹp hơn, phù hợp với mong muốn của nước này về một cơ chế để đảm bảo hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên và cuối cùng là phi hạt nhân hóa. 

Dù vậy, tạp chí Time nhận định: Cho dù có giọng tôn trọng với Tổng thống Trump nhưng vẫn tồn tại một thái độ thận trọng rõ ràng trong báo chí Triều Tiên.

Tổng thống Trump đã cho nhà lãnh đạo Triều Tiên số điện thoại trực tiếp

Tổng thống Trump đã cho nhà lãnh đạo Triều Tiên số điện thoại trực tiếp

Theo Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông đã thông báo cho nhà lãnh đạo Triều Tiên số điện thoại trực tiếp của mình và dự kiến hai ông sẽ có cuộc điện đàm trong ngày 17/6 tới.

TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN