TTVH Online

Sáng tác về đề tài tình dục - giới hạn ở đâu? (Kỳ 5 & hết): Ngoài luật, cần 'giới hạn' bằng truyền thống văn hóa

04/05/2018 10:00 GMT+7

Từ Luật Xuất bản năm 1993, năm 2004 đến Luật Xuất bản năm 2012 đều có quy định những điều cấm, trong đó tại khoản b và khoản đ Điều 10 nghiêm cấm “Truyền bá... lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục”; “Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc...”.

(Thethaovanhoa.vn) - Từ Luật Xuất bản năm 1993, năm 2004 đến Luật Xuất bản năm 2012 đều có quy định những điều cấm, trong đó tại khoản b và khoản đ Điều 10 nghiêm cấm “Truyền bá... lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục”; “Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc...”.

Ông Nguyễn Kiểm, nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản đã đưa ra những dẫn chứng kể trên khi Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đặt câu hỏi: Quản lý xuất bản các tác phẩm hư cấu viết về lịch sử và yếu tố tình dục trong văn chương như thế nào?

Từ những dẫn chứng trên, ông cho biết thêm: “Các biên tập viên, lãnh đạo nhà xuất bản, người đọc kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu phải căn cứ các quy định của Luật Xuất bản, thông qua nhận thức về pháp luật, vốn sống và vốn văn hóa của mình để đánh giá các hành vi thể hiện trong các tác phẩm có vi phạm pháp luật hay không”.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Kiểm - nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản

* Là người đã có nhiều năm cống hiến cho ngành xuất bản, ông có thể cho biết, sáng tác về đề tài lịch sử cần lưu ý những gì?

- Theo tôi, có thể nói ngay rằng tính chân thực là yêu cầu trước hết khi viết về lịch sử, dù là tiểu thuyết. Người viết có quyền hư cấu những gì chính sử còn chưa nói đến nhưng không được làm cho lịch sử và nhân vật lịch sử bị bóp méo, thậm chí bị xuyên tạc.

Ngành xuất bản có “thiên chức” cung cấp cho xã hội, cho người đọc những “món ăn tinh thần”. Và không ai mong muốn ăn phải món dở, càng không mong muốn có món ăn độc hại. Đọc sách nhằm nâng cao hiểu biết, trau dồi tri thức, bồi dưỡng tâm hồn, hun đúc nên bản lĩnh, từ đó góp phần hình thành nhân cách của người đọc. Sách giúp con người hướng thiện, hướng thượng. Tiểu thuyết lịch sử cũng phải thực hiện thiên chức đó.

* Trước đây khi còn là Cục trưởng, ông có thể cho biết đã bao giờ Cục xử lý những vụ sáng tác về đề tài lịch sử, các danh nhân nhưng lại gây bất bình trong dư luận chưa?

- Những năm trước đây cũng đã có một số tiểu thuyết lịch sử bị công luận phê phán và Cục Xuất bản đã xử lý theo pháp luật.

Trường hợp thứ nhất là tiểu thuyết 3 tập Đất Việt trời Nam. Tác giả đã cho rằng vì ghen tuông và không hợp nhau nên Lạc Long Quân mới đùng đùng đem 50 người con xuống vùng đồng bằng ven biển lập nghiệp!? Hư cấu như vậy thì thật sự là sự báng bổ tổ tiên.

Cuốn Tột đỉnh tình yêu, trong đó có truyện ngắn Trở lại Lệ Chi viên viết về Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ trong vụ án oan triều hậu Lê cũng có nhiều chi tiết bị bạn đọc phản ứng và công luận phê phán.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp dư luận, thậm chí có cơ quan địa phương đã lên tiếng yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản ở Trung ương xử lý nhưng tác phẩm đã được phát hành bình thường nhờ sự sâu sát, trách nhiệm, tâm huyết và đồng thuận cao của các cơ quan Trung ương. Đó là bộ tiểu thuyết 3 tập Tây Sơn bi hùng truyện.

Theo tôi, mỗi tác phẩm, nếu người viết có tâm, có tài, có trách nhiệm công dân với xã hội, chắc chắn sẽ được nhìn nhận và đánh giá đúng mức.

Chú thích ảnh
Tiểu thuyết lịch sử “Tây Sơn bi hùng truyện” (2006) của Lê Đình Danh từng gây ra ý kiến trái chiều, nhưng nhờ sự sâu sát, trách nhiệm, tâm huyết và đồng thuận cao của các cơ quan quản lý, sách đã được phát hành bình thường

* Trong loạt bài này, Thể thao và Văn hóa đã ghi ý kiến các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học về việc nên hay không nên dán nhãn phân loại sách, nhằm mục đích bảo vệ bạn đọc trước những ấn phẩm chưa phù hợp với lứa tuổi. Nói tiếp về vấn đề này, ông sẽ nói gì?

- Tôi cho rằng không có một “bộ nhãn mác đồng phục” nào hợp lý cho tất cả các loại sách, nó không phù hợp với thông lệ ở nước ta và thế giới, nhất là xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng trên nhiều lĩnh vực đang chi phối đời sống văn hóa toàn cầu.

Các nhà xuất bản chuyên ngành như Nông nghiệp, Xây dựng, Giao thông vận tải... nếu hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ quy định trong giấy phép thì dán nhãn phân loại chỉ làm tăng chi phí, hay như dân gian nói là “mua việc”.

Đối với một số nhà xuất bản có đối tượng phục vụ chính là trẻ em thì có thể in thêm ở ngay bìa 1 dòng chữ “dành cho lứa tuổi...” sẽ phù hợp hơn. Dán nhãn sẽ phải in nhãn, ai in, ai dán, nếu dán sai đối tượng thì người quyết định dán nhãn có bị xử lý không? Xử lý thế nào, theo quy định nào? Để các em không “đọc nhầm” sách người lớn thì trước hết là cha mẹ, sau đó là nhà trường, Đoàn TNCS HCM, Đội Thiếu niên Tiền phong HCM phải hướng dẫn trong sinh hoạt, ở gia đình và các tổ chức đó. Tôi nghĩ, như vậy sẽ được một công đôi việc, vừa tăng thêm sự gắn bó của gia đình, sức hấp dẫn của các tổ chức, vừa góp phần xây dựng thói quen đọc sách khoa học và lành mạnh cho trẻ em và xã hội.

* Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Đôi nét về ông Nguyễn Kiểm, nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản

Ông Nguyễn Kiểm tốt nghiệp Trường Đại học Công nghệ In tại Leipzig, Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1980. Sau khi về nước, ông từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng: Cục trưởng Cục Xuất bản, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hội Xuất bản Việt Nam.

Hướng đến cái đẹp để điều chỉnh hành vi

“Việt Nam đang xây dựng nhà nước pháp quyền, vì vậy những hành vi, hoạt động, các mối quan hệ... đều phải được điều chỉnh bằng luật pháp. Có trường hợp luật pháp chưa thể quy định chi tiết, cụ thể tất cả các hành vi thì cần đến sự nhìn nhận từ truyền thống văn hóa, đạo đức xã hội hướng tới cái tốt đẹp, cái cao thượng để điều chỉnh hành vi” - ông Nguyễn Kiểm, nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản.

Sách hiện nay rất phong phú

Nhìn nhận về lĩnh vực sách hiện nay, ông Nguyễn Kiểm chia sẻ: “Chưa bao giờ sách lại phong phú, cập nhật nhanh với thị trường thế giới như hiện nay. Bạn đọc bây giờ, dù thị hiếu đọc khác nhau cũng không khó để tìm thấy cho mình những cuốn sách phù hợp.

Trước đây phải mất vài tháng, bây giờ chỉ còn vài tuần là những tên sách được “săn lùng” ở thị trường nước ngoài đã có mặt ở Việt Nam. Để làm được điều đó phải lăn lộn với nghề này mới thấy không hề dễ dàng.

Đây cũng là thời kỳ ra đời nhiều bộ sách công phu, đồ sộ là kết quả làm việc nghiêm túc của nhiều người. Có tác giả bỏ ra 12 năm trời ròng rã để nghiên cứu và viết nên tác phẩm Lịch sử võ học Việt Nam được trao nhiều kỷ lục quốc gia và quốc tế.

Xã hội cũng quan tâm đến sách hơn do các nhà xuất bản đã sẵn sàng chịu lỗ để kiên trì tham gia các hội chợ sách, góp phần khôi phục văn hóa đọc vốn một thời đã là nét đẹp trong đời sống văn hóa của xã hội ta. Bạn đọc rất tinh tường, họ không cho qua những hạt sạn, nhưng cũng vui mừng vì sách bây giờ đẹp, phong phú và cập nhật nhanh với thế giới.

Chỉ có điều sách vẫn còn đắt so với thu nhập chung của nhiều người. Nếu Điều 7 Luật Xuất bản năm 2012 được thực thi nghiêm túc trong hoạt động xuất bản, chắc chắn sẽ góp phần giảm giá sách trong tương lai. Là một người đọc, tôi rất mong điều đó”.

Sáng tác về đề tài tình dục - giới hạn ở đâu? (Kỳ 4): Tình dục trong văn chương có cần dãn nhãn?

Sáng tác về đề tài tình dục - giới hạn ở đâu? (Kỳ 4): Tình dục trong văn chương có cần dãn nhãn?

Từ ngày 1/1/2017, Việt Nam đã áp dụng 4 cấp độ dán nhãn với phim chiếu rạp, trong đó có 13+ và 18+. Còn sách thì sao?

Huy Thông (thực hiện)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN