TTVH Online

Nhạc rap 'Người âm phủ' và nỗi buồn cho thẩm mỹ giới trẻ

20/04/2018 07:15 GMT+7

Suốt tuần qua bản nhạc rap Người âm phủ của Osad (Mai Quang Nam) - chàng trai sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đã làm chao đảo cộng đồng nghe nhạc trên mạng. Bản rap này còn vượt qua các bản hit Cô gái M52, Cùng anh, Ngắm hoa lệ rơi, Người lạ ơi để đứng đầu bảng xếp hạng #zingchart.

(Thethaovanhoa.vn) - Suốt tuần qua bản nhạc rap Người âm phủ của Osad (Mai Quang Nam) - chàng trai sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đã làm chao đảo cộng đồng nghe nhạc trên mạng. Bản rap này còn vượt qua các bản hit Cô gái M52, Cùng anh, Ngắm hoa lệ rơi, Người lạ ơi để đứng đầu bảng xếp hạng #zingchart.

Thật ra, bản rap Người âm phủ không phải là “thảm họa”, nhưng nó quá bình thường: phần đọc rap của Osad không có gì xuất sắc, phần nhạc làm nền để đọc rap cũng hơi chán, beat nhạc không hấp dẫn, lôi cuốn. Nội dung lời rap không phải là câu chuyện cảm động hoặc nói lên khát khao của tuổi trẻ. Nó chỉ là những lời “tán gái” kiểu ngôn tình…

Bản rap Người âm phủ được tung ra trước đó, nhưng nó thật sự được nhiều người tìm nghe bản gốc và nổi tiếng sau khi “hotgirl 7 thứ tiếng” Khánh Vy cover bản rap này. Phiên bản cover của Khánh Vy có sửa đổi, thêm thắt lời rap một chút và Khánh Vy vừa rap vừa đánh những hợp âm trên organ để làm nền nhạc. Nói chung phiên bản này nghe cũng chán. 

Người âm phủ - Osad

Điều cuốn hút đông đảo bạn trẻ đến với bản nhạc này theo “giải mã” của một số trang mạng và ý kiến của cư dân mạng là nó đánh trúng tâm lý “thả thính” của các bạn trẻ. Chỉ thế thôi. Nếu một “tác phẩm” chỉ như thế mà thu hút hàng chục triệu lượt nghe và được xem là tác phẩm “đỉnh” được giới trẻ yêu thích (qua hệ thống nghe nhạc của zingmp3) thì hơi buồn cho thị hiếu nghe nhạc của giới trẻ hiện nay.

Trở lại với một số bản nhạc từng dẫn đầu bảng xếp hạng #zingchart. Ca khúc Cô gái M52 của Vũ Văn Huy - ca khúc liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng 2 tuần liền. Người sành nhạc không khó để nhận ra giai điệu bản nhạc này và bản nhạc Ơn nghĩa sinh thành của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là cặp anh em sinh đôi, nhất là 2 câu đầu tiên của bài Cô gái M52, giai điệu giống hoàn toàn với 2 câu đầu tiên của bài Ơn nghĩa sinh thành chỉ khác là tốc độ của Cô gái M52 thì nhanh hơn.

Chú thích ảnh
Khánh Vy cover bản rap "Người âm phủ"

Hoặc ca khúc Ngắm hoa lệ rơi từng dẫn đầu realtime của của #zingchart là bản nhạc “lai” nhạc Hoa, giai điệu cũ mòn không được đánh giá cao về sáng tạo nghệ thuật.

Nói như vậy để thấy rằng, những sản phẩm “nhái” hay nói đúng hơn là những sản phẩm thứ cấp đang trở thành món ăn tinh thần được một bộ phận đông đảo giới trẻ hiện nay - giới trẻ mà nhiều người mệnh danh là của thế hệ 4.0 - tiếp đón nồng nhiệt. 

Nếu các bản nhạc nói trên được hình thành và phổ biến như một sự thỏa mãn sở thích của những người theo “trường phái” underground thì không có gì đáng nói. Nhưng sự hưởng ứng tiếp nhận những tác phẩm thứ cấp của đông đảo giới trẻ, sẽ kéo theo một hệ lụy khác là làm cho chủ nhân của những bản nhạc này ảo tưởng về khả năng của mình và nó sẽ làm cho đời sống âm nhạc trở nên nhốn nháo khi các underground này bước ra ánh sáng với những tác phẩm “nhái”. Bởi ngay bản thân họ, họ không nhận thức đầy đủ công việc của một người làm công tác sáng tạo.

Chia sẻ trong một bài phỏng vấn trên trang kenh14.vn, khi được hỏi “Một ca khúc của bạn bình thường sẽ ra đời thế nào?”. Tác giả Người âm phủ cho biết: “Hiện tại, những ca khúc của mình được ra đời với xuất phát điểm là việc mình đi tìm beat trên mạng, viết xong hết lời rồi thì mới nhờ một bạn producer phối khí lại để trở thành một bài hát mới hoàn chỉnh”. Gọi là sáng tác nhạc nhưng thực chất chỉ viết lời, và gọi là “trình diễn bản nhạc” nhưng thực chất chỉ là… đọc lời có tiết tấu (rap).

Nỗi buồn cho thẩm mỹ âm nhạc của một bộ phận khá đông đảo bạn trẻ hiện nay - cả người thưởng thức lẫn người “sáng tạo” ra sản phẩm…

Ca khúc 'I Just Want To Hold Your Hand': Bài bản như cách The Beatles chinh phục nước Mỹ

Ca khúc 'I Just Want To Hold Your Hand': Bài bản như cách The Beatles chinh phục nước Mỹ

Ngày này 53 năm trước, tức vào năm 1965, The Beatles nhận 2 giải Grammy đầu tiên trong sự nghiệp. Kết quả đến không mấy bất ngờ.Sau một chuỗi những nỗ lực và không ít may mắn, 4 chàng “công tử” Anh Quốc đã thành công khi xác lập nên khái niệm “British Invasion” (tạm dịch: Cuộc xâm lấn từ Anh Quốc) tại thị trường âm nhạc xứ cờ hoa. Chiến dịch bài bản khởi sắc bằng chiến thắng với “I Want To Hold Your Hand”.

Hữu Trịnh

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN