TTVH Online

Bộ Tư pháp lên tiếng vụ 'luật sư Võ Hòa Thuận yêu cầu cô giáo quỳ'

06/04/2018 20:45 GMT+7

Trong Quý I/2018, Bộ Tư pháp đã thẩm định 34 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, 7 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đồng thời kiểm tra 640 văn bản của các bộ, ngành, địa phương, qua đó phát hiện 20 văn bản trái pháp luật về mặt nội dung.

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 6/4, tại cuộc họp báo thường kỳ Quý I/2018 Bộ Tư pháp, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết: Trong Quý I/2018, Bộ Tư pháp đã thẩm định 34 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, 7 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đồng thời kiểm tra 640 văn bản của các bộ, ngành, địa phương, qua đó phát hiện 20 văn bản trái pháp luật về mặt nội dung. 

Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc ban hành văn bản quy định chi tiết. Kết quả, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành được 43/61 văn bản. Riêng Bộ Tư pháp không nợ văn bản quy định chi tiết nào. 

Ông Đỗ Đức Hiển nêu rõ, tính đến hết ngày 28/2/2018, các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong gần 187.000 việc trong tổng số hơn 409.000 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 45,64%; tăng gần 11.000 việc (0,74%) so với cùng kỳ năm 2017; với số tiền thi hành xong là hơn 9.000 tỷ đồng. Các cơ quan cũng tổ chức theo dõi, đôn đốc thi hành xong 29/85 vụ việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính còn tồn đọng. 

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: moj.gov.vn

Về công tác cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ rà soát, đề xuất đơn giản, cắt giảm hoặc bãi bỏ 43/98 điều kiện kinh doanh thuộc 7 ngành, nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, đạt tỷ lệ 44%. Bộ cũng đã có ý kiến đối với 71 thủ tục hành chính tại 18 đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo; trong đó đề nghị sửa đổi 57 thủ tục không hợp lý (chiếm 80,28% tổng số thủ tục hành chính quy định tại các đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản). 

Liên quan đến công tác tư pháp Quý II/2018, Chánh Văn phòng Đỗ Đức Hiển cho biết: Bộ sẽ chuẩn bị tốt nội dung phục vụ Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, trọng tâm là Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng thẩm định các đề nghị xây dựng, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, nhất là văn bản quy định chi tiết các Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát, xây dựng phương án đơn giản hóa, cắt giảm, bãi bỏ các quy định về kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh và tổ chức thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Tại buổi họp báo, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã trả lời các nội dung báo chí quan tâm, điển hình là vụ cô giáo quỳ gối xin lỗi phụ huynh ở Long An gây bức xúc dư luận thời gian qua, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Mai cho biết: Bộ theo dõi sát sao vụ việc. "Sau khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu ông Võ Hòa Thuận - phụ huynh của học sinh yêu cầu cô giáo quỳ gối, không đủ điều kiện theo quy định của Luật Luật sư thì Cục Bổ trợ Tư pháp sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư", bà Mai nhấn mạnh. 

Qua rà soát và kiểm tra, ông Võ Hòa Thuận được Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định cấp chứng chỉ hành nghề luật sư ngày 22/1/2018. Hồ sơ, tiêu chuẩn của ông Võ Hòa Thuận vào thời điểm xin cấp chứng chỉ hành nghề hoàn toàn đủ điều kiện theo quy định của Điều 10 Luật Luật sư năm 2006 và Luật Luật sư sửa đổi, bổ sung năm 2012. 

Người sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư phải gia nhập đoàn luật sư. Trong suốt quá trình hành nghề với tư cách luật sư, người đó phải đảm bảo các điều kiện quy định theo Luật. Nếu như không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn thì sẽ bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư theo quy định tại điều 18 Luật Luật sư./. 

Nhìn lại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội: Kỳ chất vấn chưa có tiền lệ

Nhìn lại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội: Kỳ chất vấn chưa có tiền lệ

Gần 40 ngày nghị trình sôi động, đầy cảm xúc của Kỳ họp thứ 10 đã khép lại. Chất vấn và trả lời chất vấn là dấu ấn sâu đậm nhất, đáng nhớ nhất tại Kỳ họp lần này.

Phan Phương (TTXVN)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN