TTVH Online

Bộ Nội vụ đề nghị Đắk Lắk xử lý vụ 500 giáo viên mất việc làm

26/03/2018 19:42 GMT+7

Người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho biết, UBND tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu UBND huyện Krông Pắc tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng lao động giáo viên ngoài chỉ tiêu tuyển dụng năm 2017.

(Thethaovanhoa.vn) - Tại buổi họp báo chiều 26/3, thông tin về việc 500 giáo viên mất việc làm, ông Nguyễn Tiến Thành - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho biết, UBND tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu UBND huyện Krông Pắc tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng lao động giáo viên ngoài chỉ tiêu tuyển dụng năm 2017.

208 trường hợp không có vị trí việc làm để nộp hồ sơ tuyển dụng

Trước thông tin báo chí phản ánh về việc hơn 500 giáo viên tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk sắp mất việc làm, Bộ Nội vụ đã có Công văn số 1014/BNV-CCVC ngày 14/3/2018 đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk khẩn trương kiểm tra, rà soát, báo cáo nội dung sự việc và các giải pháp xử lý. Một ngày sau, ngày 15/3/2018, tỉnh này đã có Báo cáo số 45/BC-UBND gửi Bộ Nội vụ, về tình hình liên quan đến hợp đồng lao động ngoài chỉ tiêu biên chế được giao tại đơn vị sự nghiệp giáo dục thuộc UBND huyện Krông Pắc. 

Báo cáo của tỉnh cho thấy, tổng biên chế sự nghiệp giáo dục được giao năm 2016 là 3.571 biên chế. Trong đó, bậc Mầm non có 606 biên chế; bậc Tiểu học có 1.776 biên chế; bậc Trung học cơ sở có 1.189 biên chế. Tổng biên chế đã tuyển dụng tính đến ngày 24/11/2017 là 3.393 biên chế. Tổng biên chế chưa tuyển dụng là 178 biên chế (trong đó: giáo viên 157). Số hợp đồng lao động (kể cả trong và ngoài biên chế được giao) tính đến tháng 2/2018 của địa phương này là 578 giáo viên (hợp đồng ngoài chỉ tiêu là 421 người). 

Qua rà soát, UBND huyện Krông Pắc xác định trong 578 trường hợp hợp đồng lao động, có 370 trường hợp đủ điều kiện để nộp hồ sơ đăng ký tuyển dụng, 208 trường hợp không có vị trí việc làm để nộp hồ sơ tuyển dụng (không đủ điều kiện nộp hồ sơ). Theo phương án tuyển dụng viên chức trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc UBND huyện Krông Pắc năm 2017 đã được phê duyệt, đối với những giáo viên không đủ điều kiện nộp hồ sơ hoặc không có vị trí tuyển dụng, UBND huyện Krông Pắc thực hiện việc chấm dứt hợp đồng theo quy định. 

Chú thích ảnh
UBND tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu huyện Krông Pắc tạm ngưng việc chấm dứt hợp đồng với hàng trăm giáo viên. Ảnh: dantri.com.vn

Tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng lao động 

Để giải quyết vấn đề trước mắt nhằm ổn định tình hình địa phương, đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo quy định của pháp luật và không để các thế lực thù địch lợi dụng làm phức tạp tình hình, gây mất trật tự, an toàn xã hội, ngày 11/3/2018, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1824/UBND-TH về việc xử lý vấn đề liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng giáo viên không được phân bổ chỉ tiêu tuyển dụng năm 2017 của huyện Krông Pắc. 

Theo đó, yêu cầu UBND huyện Krông Pắc tạm dừng việc thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động giáo viên ngoài chỉ tiêu tuyển dụng năm 2017; rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động; báo cáo, đề xuất cụ thể với UBND tỉnh giải quyết căn cơ các vấn đề, trong đó, nghiên cứu việc xét tuyển bổ sung đối với các giáo viên đã có hợp đồng lao động ngoài chỉ tiêu biên chế nhưng không còn vị trí việc làm để tuyển dụng. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành chức năng của tỉnh chủ động hỗ trợ huyện Krông Pắc trong xử lý vụ việc. 

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk, UBND huyện Krông Pắc đã tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với các trường hợp không đủ điều kiện nộp hồ sơ dự tuyển và không có vị trí tuyển dụng. UBND tỉnh Đắk Lắk đang tiếp tục đôn đốc UBND huyện Krông Pắc và các sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát và đề xuất UBND tỉnh xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án tối ưu nhất để giải quyết các vấn đề hợp đồng giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế của huyện Krông Pắc. 

Tỉnh Đắk Lắk xử lý vụ việc theo thẩm quyền, đúng quy định 

Nêu quan điểm của Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Tiến Thành - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho biết thêm, Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW đã chỉ đạo: Kiên trì chủ trương tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm đến năm 2021, về cơ bản không tăng tổng biên chế của bộ, ngành, địa phương so với biên chế được giao của năm 2015. 

Trường hợp phải thành lập tổ chức mới hoặc giao nhiệm vụ mới thì bộ, ngành, địa phương tự cân đối, điều chỉnh trong tổng biên chế hiện có. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thành lập mới trường, tăng lớp, tăng học sinh có thể bổ sung biên chế, nhưng phải quản lý chặt chẽ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp.

Kết luận số 17-KL/TW của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện biên chế, tinh giản biên chế của các tổ chức trong hệ thống chính trị năm 2015 - 2016; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2017 - 2021 đã chỉ đạo dừng việc giao bổ sung biên chế giai đoạn 2017 - 2021; thực hiện bằng được mục tiêu đến năm 2021 giảm ít nhất 10%, bình quân phải giảm ít nhất 2,5%/năm biên chế của hệ thống chính trị. 

Đối với lĩnh vực giáo dục phổ thông, do số lượng học sinh tăng mà cần thiết phải thành lập trường mới, lớp mới thì ngành, địa phương tự cân đối, điều chỉnh trong tổng biên chế được giao... Các cơ quan, đơn vị đã sử dụng hết số biên chế sự nghiệp được giao, không được thực hiện hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế công chức, biên chế sự nghiệp vượt quá số lượng đã được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc thẩm định. 

Văn phòng Chính phủ cũng đã có Công văn số 2335/VPCP-TCCV truyền đạt ý kiến Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế công chức, biên chế sự nghiệp vượt quá số lượng do Bộ Nội vụ giao hoặc thẩm định, có giải pháp giải quyết dứt điểm số công chức, viên chức vượt quá số biên chế được giao. Chấm dứt ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn nghiệp vụ trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đã sử dụng hết biên chế sự nghiệp được giao. 

Vì vậy, căn cứ phân cấp thẩm quyền quản lý viên chức, ông Nguyễn Tiến Thành cho biết, Bộ Nội vụ đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk khẩn trương xử lý vụ việc theo thẩm quyền, bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nêu trên. Đối với nội dung báo chí nêu là phát hiện có dấu hiệu tiêu cực để có suất dạy hợp đồng tại các trường trên địa bàn huyện Krông Pắc, tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc, kiểm tra, điều tra, nếu có xử lý theo quy định của pháp luật. 

Về đề xuất của Sở Nội vụ Đắk Lắk cho phép các viên chức không đủ điều kiện, tiêu chuẩn của vị trí tuyển dụng được tham gia dự tuyển viên chức, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức Trương Hải Long cho biết, tỉnh chưa có đề xuất cụ thể về vấn đề này. Tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan, đề nghị các ngành chia sẻ với huyện Krông Pắc khi sắp xếp, giải quyết số hợp đồng trên.

Câu chuyện về hai chữ 'biên chế' với giáo viên

Câu chuyện về hai chữ 'biên chế' với giáo viên

Dư luận trái chiều xung quanh chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc từng bước bỏ biên chế đối với giáo viên cách đây mấy tháng tưởng như đã chìm xuống thì lại mới bị xới lên khi trên mạng xã hội vừa xuất hiện một bức thư của thầy giáo cấp 2 tại Bình Liêu (Quảng Ninh) làm đơn xin ra khỏi biên chế ngành Giáo dục sau 16 năm công tác.

TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN