TTVH Online

Trao giải Phan Châu Trinh lần 11: Dương Thụ, Phan Cẩm Thượng được vinh danh

25/03/2018 11:48 GMT+7

Và tại lễ trao giải thường niên năm nay, nhà văn hóa Phạm Quỳnh (1893 – 1945), chủ bút phần chữ Quốc ngữ của Nam Phong Tạp chí (1917 – 1934) được đưa vào ngôi đền tinh hoa văn hóa của quỹ Phan Châu Trinh.

(Thethaovanhoa.vn) - Tối ngày 24/3, tại khách sạn Rex, quận 1, TP.HCM, giải Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 11 đã diễn ra trong sự quan tâm của đông đảo giới tri thức, báo chí trong nước và quốc tế.

Một mùa giải đẹp

Đó là lời khẳng định của nhà văn Nguyên Ngọc khi đánh giá lại giải Văn hóa Phan Chu Trinh lần này.

Giải thưởng năm nay chia ra làm 4 hạng mục bao gồm: giải Dịch thuật, giải Nghiên cứu, giải Việt Nam học và giải Vì sự nghiệp Văn hóa – Giáo dục.

Chú thích ảnh
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng phát biểu tại lễ trao giải

Giải Dịch thuật là giải thưởng có lịch sử lâu đời nhất trong lịch sử giải Văn hóa Phan Châu Trinh. Qua 11 lần, giải thưởng này đã được trao cho 16 dịch giả. Chủ nhân của giải này năm nay là dịch giả Nguyễn Tùng hiện đang sống tại Pháp.

Ông được trao thưởng vì những đóng góp quan trọng của mình qua các dịch phẩm nổi tiếng như: Định chế tô tem ngày nay, Luận về biếu tặng: Hình thức và lý do của sự trao đổi trong các xã hội cổ sơ, Đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản, Xã hội diễn cảnh…

Giải Nghiên cứu năm nay được trao cho nhà nghiên cứu (NNC) Lữ Phương và NNC Phan Cẩm Thượng.

Chú thích ảnh
Nhà nghiên cứu Lữ Phương phát biểu

NNC Lữ Phương là cây bút chủ lực của tạp chí Tin văn, một tạp chí văn nghệ có xu hướng tiến bộ, cương quyết bảo vệ các giá trị của nền văn hóa dân tộc trong bối cảnh chiến tranh có sự can thiệp của ngoại bang. Đồng thời ông còn là người có những nghiên cứu quan trọng về chủ nghĩa Marx. Ông nói: “Sự phê phán quá khứ một cách nghiêm trang chẳng hề có ý nghĩa ‘dùng súng lục’ bắn vào cái gì cả, chẳng qua là thái độ cần thiết của con người trưởng thành…”

Cùng với Lữ Phương, NNC Phan Cẩm Thượng đồng chủ nhân của giải Nghiên cứu năm nay được vinh danh vì những nghiên cứu văn hóa dân gian đặc sắc của ông thể hiện qua các tác phẩm như Văn minh vật chất của người Việt, Tập tục đời người.

Giải Vì sự nghiệp Văn hóa – Giáo dục năm nay được đồng trao cho nhạc sĩ Dương Thụ và tập thể nhóm dịch sách Nhất nghệ tinh.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Dương Thụ phát biểu sau khi nhận giải "Vì sự nghiệp văn hóa, giáo dục"

Ngoài một nhạc sĩ nổi tiếng trong giới âm nhạc hiện đại Việt Nam, Dương Thụ còn biết đến là chủ nhân của chuỗi Cà phê thứ 7 có chi nhánh cả ở Hà Nội và TP.HCM. Từ khi mở ra đến nay Cà phê thứ 7 đã tổ chức được hơn 800 buổi trò chuyện chuyên sâu về văn hóa và học thuật với diễn giả là những chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực. Điều đó được đánh giá là “một đóng góp rất to lớn, một điểm sáng cho ta còn giữ niềm tin và hy vọng, đặc biệt trong tình hình văn hóa xã hội phức tạp và đáng lo hiện nay”.

Cùng là chủ nhân của giải Vì sự nghiệp Văn hóa – Giáo dục năm nay, nhóm Nhất nghệ tinh là tập hợp của hàng trăm chuyên gia, kỹ sư người Việt từng du học ở CHLB Đức trước 1975. Họ đã thành lập Tủ sách Nhất nghệ tinh nhằm dịch và giới thiệu hàng hàng trăm đầu sách ở các chuyên ngành: Chuyên ngành cơ khí, Chuyên nghành Cơ-Điện tử, Chuyên ngành Điện-Điện tử, Chuyên ngành kỹ thuật ô tô và xe máy hiện đại. Đang và sắp in: Chuyên ngành chất dẻo, Chuyên ngành kỹ thuật hóa học, Chuyên ngành kỹ thuật sinh học, Chuyên ngành kỹ thuật xây dựng, Chuyên ngành kỹ thuật môi trường, Chuyên ngành kỹ thuật may mặc v.v.

Giải Việt Nam học năm nay được trao cho hai sử gia người Pháp là Pierre Brocheux và Daniel Hémery. Hội đồng khoa học giải Văn hóa Phan Châu Trinh đánh giá “hai ông thường được coi là những người có thẩm quyền hơn cả về lịch sử Đông Dương và Việt Nam thời thuộc địa”. Hai ông có tổng cộng hàng chục tác phẩm viết về lịch sử Việt Nam.

Ông chủ "Nam Phong Tạp chí" được vinh danh

Kể từ năm 2016, quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã lập ra dự án Tôn vinh danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại. Từ đó đến năm 2017, dự án đã tôn vinh được 5 nhà văn hóa bao gồm: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh và Phan Khôi.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Phạm Tuyên - con trai của nhà văn hóa Phạm Quỳnh nhận giải từ tay nhà văn Nguyên Ngọc

Và tại lễ trao giải thường niên năm nay, nhà văn hóa Phạm Quỳnh (1893 – 1945), chủ bút phần chữ Quốc ngữ của Nam Phong Tạp chí (1917 – 1934) được đưa vào ngôi đền tinh hoa văn hóa của quỹ Phan Châu Trinh.

Ông được vinh danh vì theo hội đồng khoa học của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh thì: “Quả có một cuộc đấu tranh mất còn về mặt ngôn ngữ và chữ viết ở Việt Nam vào thời ấy, kiên định, quyết liệt, khôn khéo, thông minh, để hiện đại hóa tiếng Việt và lối viết bằng chữ quốc ngữ của nó, hoàn thiện nó thành vũ khí sắc bén của cuộc đấu tranh văn hóa, Và đã có những người chiến sĩ tiên phong của cuộc đấu tranh đó, những Pétrus Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi mà Quỹ chúng ta đã vinh danh trong mấy năm qua, và bao nhiêu người khác, trong đó nổi bật lên một người vào loại đặc sắc, có cống hiến rất quan trọng: người ấy là Phạm Quỳnh”.

Phát biểu vinh danh những “tân khoa” của giải năm nay, nhà văn Nguyên Ngọc – Chủ tịch hội đồng khoa học của giải đã nhận xét: “Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh luôn nhận thức chính sự nghiệp và uy tín của những người nhận giải làm nên uy tín và độ tin cậy cao của giải”.

Văn Đồng

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN