TTVH Online

Ca khúc 'Hard To Say I’m Sorry': Khi nhà sản xuất 'tỏa sáng'

17/03/2018 07:28 GMT+7

Người ta nhớ đến nhạc sĩ khi nghe được ca khúc hay, nhớ đến bóng hình ca sĩ khi xem một đêm nhạc chất lượng. Và gần 40 năm qua, người ta vẫn nghe đi nghe lại bản hit "Hard To Say I’m Sorry" với hình bóng Chicago trong đầu, mà ít biết tới David Foster.

(Thethaovanhoa.vn) - Trước giờ, nhà sản xuất âm nhạc luôn là người thầm lặng, đứng trong bóng tối phía sau thành công của mỗi sản phẩm âm nhạc. Người ta nhớ đến nhạc sĩ khi nghe được ca khúc hay, nhớ đến bóng hình ca sĩ khi xem một đêm nhạc chất lượng. Và gần 40 năm qua, người ta vẫn nghe đi nghe lại bản hit Hard To Say I’m Sorry với hình bóng Chicago trong đầu, mà ít biết tới David Foster.

Hơn 30 năm hoạt động của Chicago là một hành trình đầy những khúc rẽ biến động mà nguồn cơn chủ yếu đến từ cơn ngẫu hứng đi-ở của các thành viên, đôi lúc bởi những tai nạn bất ngờ. Có người đến rồi đi và không để lại nhiều dấu ấn. Có người dù đến hay đi cũng tạo được một “trang sử” của chính mình.

Nhưng nếu nhìn vào cuốn nhật ký hành trình của Chicago, ở những trang vẻ vang nhất đầu thập niên 1980, sẽ thấy bóng dáng những “vị cứu tinh”. Một thành viên kỳ cựu, và một nhà sản xuất “mới toanh”. Cùng nhau, họ giải cứu Chicago khỏi cơ suy thoái trông thấy, làm nên cuộc cách mạng về thời đại mới cho nhóm này.

Thời đại mới ấy được bắt đầu với bản hit Hard To Say I’m Sorry.

Chú thích ảnh
Đĩa đơn “Hard To Say I’m Sorry”

Bên bờ vực và sự “mát tay” của nhà sản xuất

Chicago đã từng thống trị những năm 1970 với chuỗi dài các bản hit. Thành công này đưa họ sánh vai với những nhóm nhạc Mỹ thành công nhất trong lịch sử âm nhạc. Tuy nhiên, ngưỡng cửa những năm 1980 dường như lại báo trước một thời kỳ thoái trào khỏi đỉnh cao của nhóm.

Bi kịch đến vào năm 1978 khi tay guitar kỳ cựu Terry Kath qua đời sau một vụ xả súng đẫm máu. Sau đó, dù nhóm đã nỗ lực cho ra mắt album tiếp theo Hot Street với màu sắc disco vui tươi, thì bóng đen từ tai nạn vẫn còn đó, lần lượt kéo vài thành viên còn lại “ra đi” sau chuỗi ngày dài mệt mỏi chán nản.

Doanh số lẹt đẹt, tinh thần rệu rã, Chicago bị hãng thu âm chủ quản Columbia Records (CBS) đánh giá là “không còn khả năng thương mại”. Nhanh chóng ra mắt nốt một album cuối cùng, Greatest Hits (hay còn được biết đến với cái tên Chicago XV), CBS hoàn thành hợp đồng với Chicago và “đường ai nấy đi” từ năm 1981.

Người được kỳ vọng nhất khi ấy là giọng ca chính Peter Cetera cũng chẳng thể lạc quan nổi: “Đây là bước ngoặt của tôi. Tôi nhận ra hoặc là mình ra đi, hoặc là cố công vực cả nhóm dậy. Chúng tôi như hai hình trụ nhưng thiếu dây xích, không hề hoạt động”.

Thế rồi người thực sự vực cả nhóm dậy lại là tay trống Danny Seraphine. Ông đã có những quyết định trọng đại mang đến thay đổi lớn. Thứ nhất, Danny Seraphine mời Irving Azoff làm quản lý nhóm, người này về sau đã đưa về cho Chicago một nhãn đĩa mới, Full Moon thuộc Warner Bros.. Tiếp theo, ông đưa về cho Chicago giọng R&B của Bill Champlin, một sự thay thế cho Terry Kath đã khuất.

Và đặc biệt, cùng với Bill Champlin, Danny Seraphine đã liên hệ được với nhà sản xuất David Foster. Với 16 giải Grammy trên tổng số 47 đề cử cùng danh sách dài ngoằng các ngôi sao từng hợp tác, không ngoa khi nói David Foster là nhà sản xuất “mát tay” bậc nhất làng nhạc thế giới.

Chú thích ảnh
Ban nhạc Chicago hồi thập niên 1980

Khi nhà sản xuất “lên tiếng”

Sự xuất hiện của David Foster mang lại điều gì? Hẳn nhiên là âm nhạc. Với đầu óc của một nhà sản xuất đại tài nhận thấy làn sóng thay đổi đang tràn đến cùng bước đi của thập niên 1980, David Foster định hướng Chicago trở lại với power ballad, hạn chế tối đa, thậm chí loại bỏ hoàn toàn bộ kèn, thứ vốn là “thương hiệu” của Chicago. Ông cũng cập nhật toàn bộ những công nghệ thu âm hiện đại nhất bấy giờ về cho Chicago.

Đây là lúc Hard To Say I’m Sorry xuất hiện. Bản hit thứ hai trong sự nghiệp của Chicago được viết bởi David Foster và giọng ca chính của Chicago, Peter Cetera, nằm trong album Chicago 16 ra mắt năm 1982.

Công thức làm nên thành công của Hard To Say I’m Sorry cũng giống như bản hit If You Leave Me Now của Chicago trước đây. Bản power ballad khai thác tối đa lợi thế giọng hát Peter Cetera, vừa sâu lắng, da diết đồng thời tận dụng triệt để những điểm nhấn rất “đắt”, khi thì khắc khoải nôn nao, lúc lại bùng cháy, giằng xé đến cùng cực.

Đó là trạng thái của một người đàn ông biết mình đã mang tội với người yêu. Anh ta giằng xé vì mặc cảm tội lỗi, nhưng lại quá kiêu hãnh (hoặc tự ti) để nói lời xin lỗi. Thay vào đó, hãy để anh ta được bù đắp tất cả.

Hard To Say I’m Sorry đặc trưng cho phong cách sáng tác của David Foster với khánhiều biến hóa trong giai điệu. Bài hát thực chất có hai phần, điệp khúc: đoạn bắt đầu từ “hold me now” và phần thứ hai từ câu “After all that we've been through”.

Đến khoảng 2’45, giai điệu đẩy lên đến cùng cực của cao trào với giọng Cetera cao vút giằng xé “after all that we been through”, tiếp nối bởi đoạn solo guitar, riff keyboard và bất chợt rơi xuống, chơi vơi trong câu hát “You're gonna be the lucky one...”, cứ thế trôi đến điểm kết thúc trong nỗi sững sờ của người nghe.

Suy cho cùng, Hard To Say I’m Sorry hay đến đâu, xúc cảm đến đâu, còn phụ thuộc vào mỗi người. Nhưng điều không thể phủ nhận là thành công của nó qua hàng loạt danh vị, giải thưởng. Sự thành công mở đầu cho thập niên thành công tiếp theo của Chicago, trước khi cặp David Foster - Peter Cetera tách ra với dự án riêng.

Công lao của David Foster, ngoài âm nhạc còn nằm ở cách ông lãnh đạo Chicago, đưa họ vào quy củ sau nhiều năm “dân chủ quá đà”.

Cái gì đến cũng phải đến, Hard To Say I’m Sorry vươn lên vị trí thứ 1 trên BXH Billboard Hot 100, dẫn đầu BXH tại Anh quốc và nhiều nước khác. Đầu năm sau, bản hit này mang về cho Chicago giải Grammy cho “Phần trình diễn đôi/nhóm nhạc pop xuất sắc nhất”. Đĩa đơn Hard To Say I’m Sorry đạt chứng nhận đĩa Vàng bởi Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Hoa Kỳ.

Chicago - Ban nhạc rock nổi tiếng bằng ballad

Chicago là một trong những ban nhạc rock của Mỹ lâu đời và nổi tiếng nhất, thành lập từ năm 1967. Thời kỳ đỉnh cao của họ là trong khoảng thập niên 1970 và 1980.

Khi mới thành lập, Chicago có đến 7 thành viên gồm 3 người thổi kèn, một tay trống, một keyboard và một tay bass. Năm 1969, họ ký hợp đồng thu âm đầu tiên với hãng đĩa Columbia Records.

Ban đầu, họ tự định nghĩa mình là “ban nhạc rock’n’roll với kèn”, thường hát những bản rock về vấn đề chính trị, sau này chuyển dần sang thể loại ballad nhẹ nhàng hơn.

Chicago là một trong những ban nhạc rock tồn tại lâu và thành công nhất (dù thay đổi thành viên rất nhiều), đồng thời là một trong những nhóm nhạc có doanh số “khủng” nhất mọi thời đại..

Tính đến hiện tại. Chicago đã sở hữu 23 album vàng, 18 album bạch kim tại Mỹ. Họ có 5 album đạt vị trí quán quân tại BXH Billboard 200 cùng 20 đĩa đơn lọt Top 10 BXH Billboard Hot 100.

Chicago được vinh danh tại Sảnh danh vọng Rock and Roll vào năm 2016. Năm 2017, cựu thành viên Peter Cetera, Robert Lamm và James Pankow được đưa vào Sảnh danh vọng nhạc sĩ do đóng góp của họ với tư cách một thành viên ban nhạc.

Siêu sao nhạc rock đi lưu diễn ở Anh sau khi… qua đời 30 năm

Siêu sao nhạc rock đi lưu diễn ở Anh sau khi… qua đời 30 năm

Ba mươi năm sau cái chết của Roy Orbison, người hâm mộ lại có cơ hội gặp lại ông trong chuyến lưu diễn vòng quanh nước Anh.

Hà My

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN