TTVH Online

Giải Kiến trúc Pritzker 2018 – Kiến trúc sư Ấn Độ đầu tiên đoạt giải

08/03/2018 14:00 GMT+7

Kiến trúc sư kiêm nhà giáo dục Ấn Độ Balkrishna Doshi, nổi tiếng với những thiết kế đầy tính cách tân về nhà ở dành cho người có thu nhập thấp, đã được trao giải Kiến trúc Pritzker 2018, được xem là giải Nobel của làng kiến trúc. Như vậy, Doshi đã trở thành người Ấn Độ đầu tiên đoạt được giải thưởng cao quý nhất của làng kiến trúc trong 40 năm lịch sử giải thưởng.

(Thethaovanhoa.vn) - Kiến trúc sư kiêm nhà giáo dục Ấn Độ Balkrishna Doshi, nổi tiếng với những thiết kế đầy tính cách tân về nhà ở dành cho người có thu nhập thấp, đã được trao giải Kiến trúc Pritzker 2018, được xem là giải Nobel của làng kiến trúc. Như vậy, Doshi đã trở thành người Ấn Độ đầu tiên đoạt được giải thưởng cao quý nhất của làng kiến trúc trong 40 năm lịch sử giải thưởng.

Giải thưởng được Tom Pritzker, thuộc Tổ chức Hyatt có trụ sở ở Chicago (Mỹ), công bố hôm 7/3.

Chú thích ảnh
Kiến trúc sư Ấn Độ Balkrishna Doshi

Doshi là kiến trúc sư, nhà quy hoạch đô thị kiêm nhà giáo dục trong suốt 70 năm qua. Tổ chức Hyatt đánh giá các bản thiết kế của kiến trúc sư 90 tuổi này "đầy tính thơ mộng và chức năng" và khả năng tạo nên những công trình vừa tôn trọng văn hóa phương Đông vừa thúc đẩy chất lượng cuộc sống ở Ấn Độ.

Trong số những công trình của Doshi phải kể đến dự án nhà ở Aranya cho người thu nhập thấp ở Indore, nơi ở của hơn 80.000 người, phần lớn trong số đó là người nghèo, thông qua một hệ thống nhà ở, sân trong và đường nội bộ.

Doshi hiện sống ở Ahmedabad, thành phố miền Tây Ấn Độ. Ông nói rằng công việc cả đời của ông là "trao quyền cho những người nghèo, những người không có gì cả".

Chú thích ảnh
Trường Kiến trúc Ahmedabad

Theo Doshi, dự án nhà ở này có thể làm thay đổi cách cư dân nhìn thế giới của họ.

"Giờ cuộc sống của họ đã thay đổi, họ tràn đầy hy vọng. Họ có quyền sở hữu một cái gì đó" – Doshi nói.

Doshi nhìn nhận giải thưởng Pritzker là một niềm vinh dự đối với bản thân ông và cả Ấn Độ.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gửi lời chúc kiến trúc sư Doshi trên trang Twitter.

"Vinh dự này là sự ghi nhận đúng đắn cho sự nghiệp xuất chúng của Doshi, đã trải dài nhiều thập kỷ và đóng góp đáng kể cho xã hội" – Thủ tướng Modi viết.

Doshi chịu ảnh hưởng của hai kiến trúc sư vĩ đại thế kỷ 20, gồm Charles-Edouard Jeanneret, vẫn được biết đến là Le Corbusier, và Louis Kahn.

Chú thích ảnh
Dự án nhà ở dành cho người có thu nhập thấp ở Ấn Độ của Doshi

Tổ chức Hyatt ca ngợi: "Với sự hiểu biết và đánh giá sâu sắc về truyền thống kiến trúc của Ấn Độ, Doshi đã kết hợp cách đúc bê tông sẵn có và nghề thủ công địa phương để phát triển phong cách phù hợp với lịch sử, văn hóa, các truyền thống địa phương và thời cuộc đang thay đổi ở đất nước Ấn Độ quê hương ông".

Các công trình của Doshi rất đa dạng, từ tòa nhà Bảo hiểm Nhân thọ bằng bê tông ở Ahmedabad tới công trình có các đường cong tự nhiên của Phòng trưng bày Nghệ thuật ngầm Amdavad ni Gufa ở thành phố Ahmedabad.

"Công việc của tôi là câu chuyện cuộc đời tôi, liên tục phát triển, thay đổi và tìm kiếm" – tổ chức Hyatt trích lời Doshi.

Trong khi các kiến trúc sư từng đoạt giải Pritzker thường có các công trình rải rác khắp toàn cầu thì Doshi chỉ thực hiện các dự án ở Ấn Độ, thiết kế các tòa nhà cho văn phòng chính phủ, công ty và trường đại học.

Chú thích ảnh
Thính phòng hòa nhạc ở Ahmedabad do Doshi thiết kế

Sinh năm 1927 ở thành phố Pune, Doshi học kiến trúc ở Mumbai và sau đó làm việc cho Le Corbusier, giám sát các dự án của Le Corbusier ở các thành phố Chandigarh và Ahmedabad. Ông là Giám đốc sáng lập trường Kiến trúc và Quy hoạch Ahmedabad, hiện nổi tiếng là trường Đại học CEPT. Doshi hiện sống và làm việc ở Ahmedabad.

Doshi chính thức nhận giải thưởng vào tháng 5 với buổi lễ được tổ chức tại Bảo tàng Aga Khan ở Toronto.

Ngắm những tuyệt tác của KTS Chile vừa đoạt giải Pritzker 2016

Ngắm những tuyệt tác của KTS Chile vừa đoạt giải Pritzker 2016

Hôm 13/1, kiến trúc sư Chile Alejandro Aravena (48 tuổi) đã đoạt giải Pritzker 2016. Đây là một trong những giải thưởng kiến trúc danh giá nhất thế giới và được coi là giải “Nobel” trong làng kiến trúc.

Tuấn Vĩ
Theo AP

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN