TTVH Online

Bài chòi ngày tết (kỳ 2): Từ hội bài chòi tết đến ca kịch bài chòi

19/02/2018 08:01 GMT+7

Hơn hai trăm năm hội bài chòi xuân đã có những cải biến dần dần và từ một môn nghệ thuật dân gian thuần túy, do biến động và nhu cầu của thời cuộc nó đã sinh ra một môn nghệ thuật chuyên nghiệp có tên ca kịch bài chòi như hiện nay.

(Thethaovanhoa.vn) - Hơn hai trăm năm hội bài chòi xuân lưu truyền trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của những người dân duyên hải Nam trung bộ, nó đã có những cải biến dần dần và từ một môn nghệ thuật dân gian thuần túy, do biến động và nhu cầu của thời cuộc nó đã sinh ra một môn nghệ thuật chuyên nghiệp có tên ca kịch bài chòi như hiện nay.

Trong lòng hội bài chòi xuân

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha – người đã có công rất lớn trong việc phục dựng lại môn nghệ thuật bài chòi cổ dân gian Trung Bộ thì nói đến lịch sử ca kịch bài chòi trên sân khấu trước hết nói đến sự dây mơ rễ má của nó với những đặc tính của hội đánh bài chòi dân gian.

Ông cho biết, trong hội bài chòi dân gian xưa luôn có quãng nghỉ giữa các vái bài. Lúc đó các hiệu phụ sẽ đi bán thẻ bài cho người chơi muốn tham gia. Không thể để sân chơi bị trống, lúc này hiệu chính sẽ trải ra một chiếc chiếu dài ngày giữa sân chòi, đặt ống thẻ vào giữa và bắt đầu tự diễn một tuồng tích dân gian nào đó như Thạch Sanh – Lý Thông chẳng hạn. Đây gọi là bài chòi kể của thể loại bài chòi chiếu trong hội chơi bài chòi.

Chú thích ảnh
Nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha trong một lần đánh trống khai hội bài chòi. Ảnh: Hoa Khá     

Đáng chú ý ở bài chòi kể là chỉ có một hiệu tự mình diễn tuồng tích và đóng tất cả các vai từ kép đến đào, từ chính diện đến phản diện mà không có thêm bất kì bạn diễn phụ trợ nào. Một tuồng tích như thế chỉ diễn giữa các quảng nghỉ của các ván bài nên để kể xong một tích có khi phải mất hai đến ba hội trong hai ba ngày như vậy.

Bên cạnh bài chòi kể thì bài chòi chiếu còn có một hình thức diễn xướng khác mang tên bài chòi lớp. Nếu không diễn bài chòi kể thì các hiệu sẽ diễn bài chòi lớp. Bài chòi lớp sẽ có sự tham gia từ hai hiệu trở lên. Theo đó, lớp đầu sẽ có hai diễn viên tham gia hai vai và đối đáp lẫn nhau rồi lớp tiếp theo sẽ có thêm một hiệu nữa, cứ như vậy càng về lớp sau số nhân vật sẽ xuất hiện càng nhiều hơn. Cũng như bài chòi kể, bài chòi lớp cũng phải qua vài hội chơi mới diễn xong một tuồng tích dân gian.

Sinh ra trong lòng hội bài chòi tết và là một thành tố của môn nghệ thuật dân gian này, bài chòi chiếu với hai thể loại gồm bài chòi kể và bài chòi lớp cứ hiện lên một cách đều đặn theo các hội đánh bài chòi mỗi dịp tết đến xuân về. Cho đến sau năm 1930, khi các hội đánh bài chòi vẫn còn ở trong dịp lễ tết thì bài chòi chiếu bắt đầu mở rộng ra ngoài mà diễn ở các ngày lễ riêng của làng xã thì bài chòi chiếu cũng dần có một số phận khác.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Hoàng Việt trong vai trò anh hiệu đang tái hiện các cách hô câu thai truyền thống. Ảnh: Hoa Khá

Từ chiếu lên giàn

Một trong những mốc thời gian mang tính thay đổi số phận của bài chòi kiếu không thể không kể đến năm 1934. Đây là năm mà đoàn cải lương Nam bộ đầu tiên ra Bình Định – cái nôi của hát bội và bài chòi biểu diễn. Nếu trước đó, ở sân đình, sân chợ các làng ở mảnh đất xứ Nẫu này chỉ có tiếng trống chầu của các gánh hát bội và bầu đoàn bài chòi chiếu thì năm 1934 sân khấu cải lương lúc này lung linh hơn, hào nhoáng hơn đã gây một mối đe dọa diệt vong khá lớn đối với hai môn nghệ thuật dân gian bản địa này.

Để đối phó với tình huống mang tính sống còn này, môn hát bội cổ điển tự biến thể và cải biên thành tuồng tiểu thuyết. Nó cũng diễn những tuồng tích và học hỏi nhiều từ dáng điệu, vai diễn của diễn viên lẫn cách thức dựng sân khấu của cải lương Nam bộ. Và hú vía, sự cải biên này đã giúp các gánh hát bội sống được.

Chú thích ảnh
“Mê chi cái hội bài chòi/ để con nó khóc nó lòi rún ra”. Ảnh: Hoa Khá

Nhìn thấy hai môn nghệ thuật chuyên nghiệp kia đang dần kéo hết khách của mình đến sân khấu của họ, các gánh diễn bài chòi chiếu vốn chỉ diễn ở những sân chơi dân gian thuần túy cũng tự thấy cái nguy đang đến cận kề. Vậy là, ngay sau đó, tại xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ, Bình Định, các ông bầu bài chòi như Bốn Trang, Sáu Cóc, Hai Miệt… liền họp với nhau và thành lập một bầu đoàn bài chòi chung lớn nhất chưa từng có. Họ làm một điều táo bạo đó là đưa bài chòi chiếu từ chiếu lên giàn diễn trên sân khấu như hát bội và cải lương đã làm. Và đó là khởi đầu của môn nghệ thuật ca kịch bài chòi.

Năm 1952 khi đoàn văn công liên khu 5 được thành lập thì bài chòi chiếu Bình Định thành một bộ phận của đoàn tuồng và dân ca ở đây. Đây là bước ngoặc để bài chòi đứng trên sân khấu chuyên nghiệp.

Sau đó năm năm, đoàn văn công lên khu 5 đã tách đoàn tuống và dân ca thành đoàn tuồng liên khu 5 và đoàn dân ca liên khu năm 5 (mà thực chất đây là đoàn ca kịch bài chòi nhân tố chủ yếu là nghệ sĩ Bình Định). Đến năm 1985 khi đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định được thành lập thì nghệ thuật ca kịch bài chòi được chính danh trong bản đồ những môn nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp của Việt Nam.

Như vậy có thể thấy một tiến trình dài kể từ hội đánh bài chòi xuân dân gian đi đến một môn nghệ thuật như ca kịch bài chòi chuyên nghiệp hiện nay.

Chú thích ảnh
Trích đoạn bài chòi sân khấu "Lưu Bình - Dương Lễ" do nghệ sĩ Minh Đức và Hoàng Việt biểu diễn. Ảnh: Hoa Khá
Chú thích ảnh
Tái hiện bài chòi lớp với tích Lưu Bình – Dương Lễ. Ảnh: Hoa Khá
Chú thích ảnh
Ảnh: Hoa Khá
Chú thích ảnh
Ảnh: Hoa Khá
Bài chòi ngày tết (Kỳ 1): Thong dong theo hội bài chòi xuân

Bài chòi ngày tết (Kỳ 1): Thong dong theo hội bài chòi xuân

Hẳn ai đã từng có tuổi thơ gắn liền với mảnh đất duyên hải Trung bộ sẽ không ít thì nhiều cũng có ấn tượng với những cái tết quê ở đây. Và một trong những lễ hội không thể thiếu ở những sân đình, sân chợ, nơi hội họp chung của cả làng ngày xuân chính là hội đánh bài chòi truyền thống.

Văn Đồng

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN