TTVH Online

Đề cử Oscar 2018: Những dấu mốc đặc biệt về giới tính

25/01/2018 07:19 GMT+7

Đề cử giải Oscar lần thứ 90 đã được công bố vào sáng 23/1 (theo giờ địa phương). Theo đó, các đề cử cho nghệ sĩ nữ và người thiểu số đã trở thành tâm điểm của báo giới. Đặc biệt, Viện Hàn lâm Khoa học & Nghệ thuật Điện ảnh còn tạo bước đột phá tính lịch sử, khi đề cử một nhà làm phim chuyển giới.

(Thethaovanhoa.vn) - Đề cử giải Oscar lần thứ 90 đã được công bố vào sáng 23/1 (theo giờ địa phương). Theo đó, các đề cử cho nghệ sĩ nữ và người thiểu số đã trở thành tâm điểm của báo giới. Đặc biệt, Viện Hàn lâm Khoa học & Nghệ thuật Điện ảnh còn tạo bước đột phá tính lịch sử, khi đề cử một nhà làm phim chuyển giới.

1. Yance Ford, đạo diễn phim tài liệu Strong Island là một người đàn ông chuyển giới. Anh đã trở thành nhà làm phim đầu tiên có giới tính đặc biệt như được đề cử giải Oscar. Bộ phim của anh, do Netflix phát hành, kể về cuộc điều tra của Ford trong vụ giết chết anh trai mình hồi năm 1992. Strong Island được đề cử ở hạng mục Phim tài liệu hay nhất.

Trong khi đó, A Fantastic Woman của nhà làm phim Chile Sebastian Lelio (43 tuổi), đã lọt vào hạng mục đề cử Phim tiếng nước ngoài hay nhất. Phim có sự thủ diễn chính của Daniela Vega, nữ diễn viên chuyển giới hóa thân thành một ca sĩ chuyển giới bị ngược đãi sau cái chết của bạn trai.

Chú thích ảnh
Đạo diễn chuyển giới Yance Ford

Lọt vào danh sách đề cử năm nay còn là những bộ phim có các nhân vật là người đồng tính, như phim The Shape of Water, Call Me By Your NameLady Bird.

"Đây là một ngày trọng đại của các bộ phim có sự tham gia của người LGBTQ (đồng tính, song tính và chuyển giới) trong cuộc đua tranh giải Oscar. Những bộ phim như The Shape of Water, A Fantastic Woman, Lady Bird Call Me By Your Name không chỉ dựng nên những chân dung phức tạp, được mô tả chi tiết và đầy cảm xúc. Chúng còn cho thấy khán giả và cả giới phê bình đều thích tìm kiếm những câu chuyện đa dạng" - Sarah Kate Ellis, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của GLAAD, nói – "Những câu chuyện quan trọng này là minh chứng về sự nhìn nhận cộng đồng người LGBTQ, trong bối cảnh giới truyền thông thường tạo ranh giới và "cách ly" họ khỏi xã hội".

Thực tế, từ lâu Hollywood đã bị chỉ trích khi đề cao những câu chuyện về người chuyển giới nhưng lại do các ngôi sao không phải là người chuyển giới thủ diễn.

Hilary Swank (từng đóng vai chính trong phim Boys Don't Cry), Jared Leto (Dallas Buyers Club), Eddie Redmayne (The Danish Girl) và Felicity Huffman (Transamerica) đều đã được đề cử Oscar với ca nhân vật chuyển giới và Swank, Leto đã đoạt giải. Song các ngôi sao là người chuyển giới trong phim Tangerine (2005) của Sean Baker lại không được ghi nhận tại cuộc đua Oscar dù diễn viên Mya Taylor của bộ phim này đã đoạt giải Tinh thần Độc lập.

Trước đó, những nghệ sĩ chuyển giới đã được đề cử ở các hạng mục khác trong cuộc đua Oscar. Cụ thể, nhà soạn nhạc Angela Morley từng được đề cử với phim The Little Prince (1974) và The Slipper and the Rose (1976).

Gần đây, ca sĩ Anohni đã trở thành nghệ sĩ chuyển giới đầu tiên được đề cử Oscar. Cô được đề cử với ca khúc Manta Ray trong phim tài liệu Racing Extinction.

Chú thích ảnh
Cảnh trong phim "Mudbound"

2. Rachel Morrison (39 tuổi), nhà quay phim của bộ phim Mudbound, nhận được tin mình trở thành người phụ nữ đầu tiên được đề cử Oscar ở hạng mục Quay phim xuất sắc nhất trong 90 năm lịch sử giải khi cô đang ở sân bay và ru ngủ cho đứa con 3 tuổi.

"Tôi vẫn cực kỳ sốc" – Morrison nói sau khi tới Park City, Utah, nơi cô làm giám khảo một hạng mục chấm giải của LHP Sundance.

Phim Mudbound được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Hillary Joradan. Được lấy bối cảnh tại nước Mỹ vào thời điểm hậu thế chiến thứ II, phim diễn tả một cách chân thực cuộc sống của những người dân Mỹ vào thời điểm này.

Nội dung phim xoay quanh một gia đình nhỏ di cư đến vùng đất xa xôi của Mississippi để tìm cuộc sống yên bình, tránh xa những mảng tối ở Mỹ sau khi thế chiến diễn ra. Họ hy vọng cuộc sống của mình sẽ hoàn toàn thay đổi sau cuộc di cư này. Thế nhưng, sự thật, nơi ấy lại là một xã hội đầy khắc nghiệt và chịu chi phối bởi nạn phân biệt chủng tộc.

Chú thích ảnh
Nhà quay phim nữ Rachel Morrison

Trong phim, máy quay của Morrison tạo nên một khung cảnh đặc biệt trong câu chuyện về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đầy xấu xa. Cô quay những vòm cây, những tòa nhà thấp thoáng những đốm sáng và những ánh hoàng hôn trên bầu trời bao la cùng những thời khắc thân mật giữa hai gia đình trong phim.

Quay phim vốn được xem là nghề của đàn ông, song Morrison cho biết cô luôn nhận được sự ủng hộ của các đồng nghiệp, cả nam lẫn nữ. Cô từng hợp tác với Rick Famuyiwa, quay phim Dope (2015) và Confirmation của HBO. Cô còn quay phim Fruitvale Station của Ryan Coogler và phim được nhiều mong đợi Black Panther, sẽ có mặt ở rạp chiếu vào tháng 2.

Melissa Silverstein của tờ Women & Hollywood cho rằng, đề cử Oscar của Morrison sẽ mở cánh cửa cho nhiều nhà quay phim nữ khác. Giành chiến thắng hay không là một câu chuyện khác, song rõ ràng Morrison đã làm nên lịch sử.

Lễ trao giải Oscar lần thứ 90 sẽ được tổ chức vào ngày 4/3 tại Nhà hát Dolby, Los Angeles.
Các quy định mới về... phong bì kết quả giải Oscar

Các quy định mới về... phong bì kết quả giải Oscar

Sau khi nhận trách nhiệm về vụ trao nhầm phong bì kết quả giải Phim hay nhất tại lễ trao giải Oscar hồi năm ngoái, Tim Ryan, Chủ tịch Công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) đã đích thân đề ra những quy tắc mới nhằm tránh mắc phải sai lầm cũ một cách triệt để nhất.

Việt Lâm (tổng hợp)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN