TTVH Online

Những chú chó… nhảy dù trong trận Normandie lịch sử

14/02/2018 07:19 GMT+7

Trong Thế Chiến II tiểu đoàn dù số 13 của quân đội Hoàng gia Anh nghĩ ra một thí nghiệm khá phiêu lưu để phục vụ cho trận đổ bộ Normandie: huấn luyện cho chó nhảy dù.

(Thethaovanhoa.vn) - Trong Thế Chiến II tiểu đoàn dù số 13 của quân đội Hoàng gia Anh nghĩ ra một thí nghiệm khá phiêu lưu để phục vụ cho trận đổ bộ Normandie: huấn luyện cho chó nhảy dù.

Các “học viên” được gọi là “parachuting dog“ hay paradog, tức chó nhảy dù.

Một dạng “lính đặc nhiệm”

Brian là một lính dù thiện chiến và gan dạ, từng trải qua mọi chương trình đào tạo khắc nghiệt của quân đội Anh. Brian được dạy khả năng nhận diện bãi mìn, cách bảo vệ đồng đội, và trong Thế Chiến II Brian không tránh khỏi chứng kiến nhiều đồng đội tử trận. Ngày 6/6/1944, khi quân đội Đồng minh đổ bộ xuống Normandie, Brian cũng tiếp đất bằng dù giữa các loạt đạn cao xạ váng tai, cùng tiến vào giải phóng vùng Normandie, và chỉ vài tháng trước khi châu Âu ngừng bặt tiếng súng Brian lại nhảy dù xuống đất Đức và tiếp tục hành quân đến tận bờ biển Baltic.

Chú thích ảnh
Tập nhảy dù ở một trường dạy chó của Mỹ

Hai năm sau, quân nhân dũng cảm Brian được tặng huân chương vàng, song phần thưởng cao quý đó không phải là thứ khác biệt duy nhất giữa Brian và các binh lính khác: lính dù gan dạ Brian là một con chó chăn cừu Đức, ở ta quen gọi theo tiếng Pháp là chó berger allemand hay berger.

Trong Thế Chiến II tiểu đoàn dù số 13 của quân đội Hoàng gia Anh nghĩ ra một thí nghiệm khá phiêu lưu để phục vụ cho trận đổ bộ Normandie: huấn luyện cho chó nhảy dù. Các “học viên” được gọi là “parachuting dog“ hay paradog, tức chó nhảy dù. Paradog được huấn luyện khả năng đánh hơi được thuốc nổ nên đã từ lâu có mặt trong các đơn vị công binh, tuy chưa bao giờ được lên không trung. Ngoài ra chúng còn dùng để hỗ trợ lính gác canh phòng quân địch.

Nhà nước “đi mượn” cho quân đội

Ý tưởng đầu tiên manh nha từ hồi đầu năm 1944 – “có lẽ vì một người trong nhóm hạ sĩ quan, Ken Bailey, trước khi nhập ngũ là bác sĩ thú y”, Andrew Woolhouse cho biết. Ông là sử gia nghiệp dư và một ngày đẹp trời có ý định nghiên cứu vai trò của paradog trong chiến tranh. Các chi tiết lý thú trong cuộc nghiên cứu này khiến ông ròng rã đi tìm tài liệu trong 5 năm, đọc vô số trang nhật ký trước và sau ngày đổ bộ Normandie của cựu binh tiểu đoàn dù 13.

Chú thích ảnh
... và được đón về sau chiến tranh

Ngày đó Bailey nhận lệnh đi đến Hertfordshire,  vào trường huấn luyện chó của quân đội. Trước đó 3 năm Bộ chiến tranh Anh đã có một lời kêu gọi thống thiết trên đài phát thanh, gửi đến các gia đình nuôi chó. Họ được vận động cho quân đội “mượn” thú cưng của mình để phục vụ mục đích quân sự. Các trường dạy chó nhờ vậy được nhận một số lượng lớn “học trò”. Sau này họ bắt thêm chó hoang.

Brian dự “khai giảng” khi mới lên 2 tuổi. Trong sổ ghi chép của Bailey có thể đọc được dòng say đây: “1/1944: Một trong những con chó ở Hertfordshire thuộc giống berger allemand, cô chủ của nó ở cuộc đời dân sự là Betty Fetch và vẫn quen gọi nó là Brian. Nó là con nhỏ nhất khi đẻ ra, và đơn giản vì do không đủ thức ăn cho cả bầy nên cô chủ của nó đã nộp nó cho quân đội”.

Vào trại, Brian được đổi tên là Bing. Cùng với nó còn hai con berger nữa “nhập trường”, và người ta quyết định huấn luyện chúng thành paradog.

Đói khát để nâng cao tinh thần

Chó vốn sợ tiếng ầm, vì vậy các giờ học đầu tiên diễn ra trên các máy bay vận tải đậu dưới đất, vốn có động cơ cánh quạt rất mạnh. Sau đó chúng được học đánh hơi và nhận biết các loại thuốc nổ khác nhau. Đồng thời chúng tập bò sát đất, tập bảo vệ chủ khi bị nguy hiểm, và học cả tấn công đối phương cầm súng. Đó là các bài học chung cho chó trinh sát.  

Chú thích ảnh
Cô chủ Betty Fetch đem nộp Brian (tức Bing) vì nhà không còn đủ thức ăn

Sau 2 tháng tập dưới đất, giờ mới bắt đầu một bài mới. Những con chó gầy gò tỏ ra có lợi, vì người ra buộc được chúng vào dù loại nhỏ nhất, thường để thả xe đạp. Để dỗ chúng rời khỏi máy bay, người ta bắt chúng nhịn đói nhịn khát khá lâu. Huấn luyện viên Ken Bailey viết nhật ký hôm 2/4/1944 về cú nhảy dù đầu tiên của Ranee, con berger cái duy nhất: “Tôi đeo một túi thức ăn, khoảng 1 cân thịt, dĩ nhiên Ranee đánh hơi được ngay. Máy bay cất cánh ở Netheravon và chỉ bay chừng 2 dặm là đến điểm thả dù. Tôi là người nhảy dù thứ 9, Ranee thứ 10. Máy bay giảm tốc độ, mọi người chuẩn bị sẵn sàng, Ranee tỏ vẻ bồn chồn kích động. Đèn xanh bật lên, nó tò mò quan sát mấy người lính theo nhau biến mất ngoài cửa phi cơ, nhưng vẫn ngoan ngoãn nằm phủ phục sau gót chân tôi”.

Rồi Ken Bailey nhảy, tin chắc là túi thịt 1kg sẽ khiến Ranee lao theo. “Khi dù tôi bung ra, tôi nhìn lên phía máy bay và thấy con Ranee cách tôi chừng ba chục mét. Trông nó có vẻ ngơ ngác, nhưng không hoảng sợ. Tôi gọi tên nó, và nó quay phắt về phía tôi, đuôi vẫy lia lịa. Nó chạm đất khi tôi còn chừng 25 mét. Xuống đến nơi là tôi chạy ngay đến tháo dù và cho nó ăn”.

Sau mỗi lần nhảy, lính paradog dạn dần, thậm chí còn thấy thích thú. Ban đầu huấn luyện viên phải ném chúng ra, dần dần chúng còn tự nhảy khỏi phi cơ. Dù của chó tự mở sau vài giây.

Rồi cũng đến ngày trọng đại của quân Đồng minh và của nhóm paradog.

“Cứu nhiều mạng sống”

Nhật ký đơn vị ghi nhận “Bing vô cùng có ích”, đặc biệt đã đánh động và chỉ ra nhiều bãi mìn và lựu đạn gài của lính Đức. “Nó chỉ cần đánh hơi một giây và ngồi ngay xuống, nhìn huấn luyện viên với ánh mắt tự mãn và đợi được khen, đúng hơn là đợi thức ăn”. Cả những khi quân Đức tiến lại gần thì lính paradog đã đánh hơi được, trước khi lính Anh phát hiện ra. “Nhờ vậy đã cứu được nhiều mạng sống”, một quân nhân viết vào nhật ký.

Nhưng chúng không cứu được chính mình: Monty bị thương nặng trong cùng ngày, Ranee tiếp đất một lát thì lạc đơn vị vĩnh viễn. Bù lại thì quân Anh vớ được hai con berger của lính Đức. Chúng vui vẻ “đào ngũ” để theo Bing. Hay bị Bing dụ dỗ đầu hàng?

Bing sống sót và được tặng Dickin Medal – giải thưởng cao giá nhất cho các lính bốn chân của Anh. Huân chương này do tổ chức bảo vệ thú vật “People’s Dispensary for Sick Animals” đề nghị. 1955 nó được chôn ở nghĩa địa riêng cho thú vật ở gần London và có tượng trong bảo tàng của lính dù.
Chú chó Laika, sinh vật sống đầu tiên bay vào vũ trụ: 60 năm loài người vẫn rơi nước mắt

Chú chó Laika, sinh vật sống đầu tiên bay vào vũ trụ: 60 năm loài người vẫn rơi nước mắt

Sau khi bị đội thu gom động vật hoang bắt giữ, không biết có phải do thấy Laika có những tố chất cần thiết của một “phi hành gia” hay không mà các nhà khoa học đã lựa chọn nó.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Xuân Mậu Tuất

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN