TTVH Online

Hội đánh bài chòi - Nhìn từ một phiên chợ đặc biệt

08/12/2017 21:50 GMT+7

Chiều 7/12, tại kỳ họp diễn ra ở Hàn Quốc, Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể đã nhất trí ghi danh hồ sơ “Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 7/12, tại kỳ họp diễn ra ở Hàn Quốc, Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể đã nhất trí ghi danh hồ sơ “Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trong các Di sản văn hóa phi vật thể từng được vinh danh tại Việt Nam, Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ là trường hợp rất độc đáo, khi loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học này "phủ sóng" tới 9 tỉnh miền Trung, bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và thành phố Đà Nẵng.

Để hiểu thêm về bài chòi, chúng ta hãy trở về chợ Gò, một điểm di sản độc đáo ở miền Trung.

1. Chợ Gò thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định có lẽ là một trong những phiên chợ quê độc đáo ở nước ta, bởi đây là chợ chỉ diễn ra một phiên duy nhất vào mùng Một Tết Nguyên đán hằng năm. Và ở phiên chợ vào ngày đầu năm mới này, người dân trong vùng đến để mua bán thì ít mà chủ yếu là để tham gia vào các lễ hội truyền thống.

Chú thích ảnh
Bài chòi ở chợ Gò. Ảnh: Văn hiến

Không biết chợ Gò có từ bao giờ, chỉ còn lại những tương truyền đây là nơi đồn trú của quân đội nhà Tây Sơn trước kia. Mà tương truyền này rất có căn cứ về mặt địa lý. Bởi đây là một địa điểm sát ngay bến đò Trường Úc (nay là cầu Trường Úc) thuộc thôn Phong Thạnh (thị trấn Tuy Phước), là nơi cơ yếu để hai cánh quân thủy, bộ hợp nhau bảo vệ cửa ngõ kinh thành khi đi từ đầm Thị Nại vào.

Vì là nơi đồn trú của quân đội nên ngày mùng Một và mùng Hai Tết, các binh sĩ thường tổ chức cuộc vui để vơi nỗi nhớ nhà, mọi người kéo đến chia vui, bà con quanh vùng kẻ ít, người nhiều góp chút quà cho binh sĩ. Nhưng lúc xế bóng của ngày, cả đồn phải quay lại phiên gác canh giữ nên cuộc vui cũng theo đó mà giải tán đi.

Từ đó thành lệ, hằng năm cứ vào mùng Một Tết là người dân trong vùng tổ chức phiên chợ Gò, đến giữa trưa hay xế chiều thì cũng tan chợ, tan hội.

Tại đây, ngoài việc mua bán các loại hàng hóa như trầu cau, hoa trái thì những lễ hội dân gian rất được mọi người quan tâm như múa lân, hội chơi cờ người, hội đánh lô tô,  hội đánh bài chòi dân gian…

Hội đánh bài chòi có lẽ là phần hội được mọi người trông chờ nhất vào buổi sáng đầu Xuân này. Bởi ở cuộc chơi này, mọi người nếu chiến thắng có thể có được lộc đầu năm và có những giây phút cười sảng khoái theo những lời hô câu thai dí dỏm của anh hiệu.

Chú thích ảnh
Đoàn Việt Nam tại phiên họp của UNESCO. Ảnh: Vũ Toàn-P/v TTXVN tại Hàn Quốc

2. Vốn xuất phát từ trò chơi dân gian của những người dựng chòi canh nương rẫy rồi sau này được Đào Duy Từ khi theo chân chúa Nguyễn vào Nam đã tập hợp, chỉnh lý lại thành những làn điệu hò vè, hát ru, hát lí… để làm thành những câu hát cho hội đánh bài chòi dân gian nhiều kiểu cách như hiện nay.

Tại chợ Gò, cách thức chơi bài chòi truyền thống gần như vẫn được giữ nguyên. Với 9 chòi tất cả và số lượng quân bài đủ 3 pho như bộ bài tam cúc: Pho văn, pho sách, pho vạn. Các nhạc cụ phục vụ hô bài chòi cũng được duy trì đầy đủ: Trống chiến, mõ, thanh la, đàn nhị, đàn hồ, kèn bầu…

Hội đánh bài chòi ở đây luôn được chức sắc của làng đánh trống khai hội và chứng minh cũng như trao giải cho những người tham gia và dành chiến thắng sau cùng. Phần thưởng ở đây thường là một ly rượu trắng ngon và một ít tiền tượng trưng cho lộc đầu năm.

Mỗi lượt chơi chỉ có một chòi giành chiến thắng nhưng chắc chắn niềm vui và tiếng cười sẽ lan tỏa khắp hội đánh bài chòi bởi sự hoạt náo và dí dỏm của những anh hiệu. Cũng như ở đó, những câu ca dao, những trích đoạn dân ca sinh động gắn liền với tâm tư, đời sống thường nhật của người dân được đưa ra làm câu thai đổ hô quân bài.

Không như nhiều người vẫn nghĩ rằng hội đánh bài chòi diễn ra ở nhiều lễ hội trong năm, hội này chỉ diễn ra vào dịp Tết. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha - người có công rất lớn trong việc phục dựng lại cách chơi bài chòi truyền thống - qua hai cuộc kháng chiến, người dân miền Trung nói chung và Bình Định nói riêng vì điều kiện chiến tranh, nên hội đánh bài chòi Xuân bị mai một dần.

Nói thế để thấy rằng, việc vẫn duy trì được phiên chợ Gò hằng năm và hội đánh bài chòi ngày Xuân đã khiến cho phiên chợ này trở thành một đặc sản về mặt văn hóa cũng như góp phần rất lớn vào việc lưu giữ môn nghệ thuật truyền thống giàu giá trị này ngay chính trong dân gian.

Bài chòi vẫn sống được trong đời sống cộng đồng nơi nó sinh ra và phát triển. Mà phiên chợ Gò ở Bình Định là một trong những nơi như thế.

Sáng nay, 8/12, UNESCO sẽ xem xét việc đưa hồ sơ “Hát Xoan Phú Thọ” của Việt Nam ra khỏi danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và chuyển sang danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Niềm vui của bài chòi khi được công nhận Di sản thế giới

Niềm vui của bài chòi khi được công nhận Di sản thế giới

Nếu một lần ngang qua xứ Quảng, mọi người sẽ vô cùng thú vị với một thể loại dân ca dân vũ vô cùng đặc sắc của xứ sở này. Đặc  biệt những ngày tết đến xuân về, những hội bài chòi xứ Quảng lại rộn rã chào mời muôn người cùng đến tham gia, thưởng thức, và thấy trong đó nét đẹp và tình yêu quê hương đất nước hiện lên trong mỗi câu hát dung dị và đời thường ấy.

Tiểu Mục Đồng

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN