TTVH Online

Năm 2017, Hà Nội đạt 20/20 chỉ tiêu, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra

05/12/2017 06:56 GMT+7

Năm 2017, Hà Nội đã đạt được 20/20 chỉ tiêu đã đề ra, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc, xếp 14/63 tỉnh, thành phố cao nhất từ trước tới nay.

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2017, Hà Nội đã đạt được 20/20 chỉ tiêu đã đề ra, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc, xếp 14/63 tỉnh, thành phố cao nhất từ trước tới nay. Đây là những thông tin được đưa ra tại Kỳ họp thứ 5 HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, diễn ra từ 4 đến 6/12/2017.

Phát biểu tại buổi khai mạc Kỳ họp thứ năm HĐND thành phố Hà Nội khóa XV (ngày 4/12), Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, năm 2017 được thành phố Hà Nội chọn là “Năm kỷ cương hành chính”.

Với quyết tâm cao ngay từ đầu năm, các ngành, các cấp thành phố đã nỗ lực phấn đấu, đổi mới phương thức hoạt động theo hướng sâu sát, quyết liệt, rõ trách nhiệm, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trên tinh thần 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả” để thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ. 

Chú thích ảnh
Chú thích ảnhCác đại biểu trao đổi bên lề kỳ họp thứ 5, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2016 -2021. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Báo cáo trước HĐND thành phố, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội, việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của thành phố năm 2017 đã đạt được kết quả khá toàn diện.

Cụ thể, thành phố đạt được 20/20 chỉ tiêu, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2017 ước tăng 8,5%. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7%; mặc dù thời tiết diễn biến bất lợi, giá một số nông sản có thời điểm giảm mạnh, nhưng nông nghiệp tiếp tục phát triển, giá trị gia tăng ước tăng 2%.

Thu hút đầu tư tăng cao (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt gần 3,4 tỷ USD; tổng vốn đầu tư xã hội trên 308 nghìn tỷ đồng, tăng 11%), giá cả thị trường ổn định, lạm phát được kiểm soát, xuất khẩu tăng cao so kế hoạch (tăng 8%). Du lịch phát triển mạnh (khách quốc tế đạt 4,95 triệu người, tăng 23%). Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,71%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt trên 207 nghìn tỷ đồng, bằng 101,4% dự toán và tăng 15,8% so với cùng kỳ. 

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 5, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2016 -2021. Ảnh: TTXVN

Thành phố đã quan tâm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét, thu hút đầu tư đạt kết quả cao; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc, xếp 14/63 tỉnh, thành phố cao nhất từ trước tới nay. Chỉ số cải cách hành chính tăng 6 bậc so với năm 2016, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố. 

Thực hiện nghiêm túc “Năm kỷ cương hành chính”, ý thức, trách nhiệm và chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ công chức đã chuyển biến tích cực; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và tác nghiệp. Hà Nội xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin; quản lý đô thị được đẩy mạnh, cây xanh, chiếu sáng, chỉnh trang đường phố được đổi mới; quản lý hè phố, vệ sinh môi trường được duy trì. 

Cùng với đó, thành phố quyết liệt chỉ đạo và quan tâm thực hiện các chương trình, đề án xây dựng nông thôn mới; có thêm 30 xã đạt chuẩn nâng tổng số lên 285 xã nông thôn mới (đạt 73,8%). 

Bên cạnh đó, công tác văn hóa xã hội, an sinh xã hội được chăm lo tốt hơn, chu đáo hơn. Thành phố đã chủ động, tích cực tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sỹ, nhất là việc thăm hỏi, tặng quà, động viên gia đình chính sách, hỗ trợ xây dựng nhà cho người có công cách mạng. Ngoài ra, quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị, trật tự xã hội được đảm bảo, đối ngoại tiếp tục được mở rộng…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế trong phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô trong năm qua như: sản xuất, kinh doanh còn gặp không ít khó khăn, vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất công, đặc biệt là lấn chiếm trên đất nông nghiệp còn xảy ra; công tác kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường, thu gom rác thải chưa thật sự chủ động, để xảy ra tình trạng dịch bệnh, sốt xuất huyết kéo dài, ảnh hưởng dến cuộc sống của người dân...

Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị

Về nhiệm vụ cho năm 2018, phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, năm 2018 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu 10 năm thực hiện Nghị quyết 15, Quốc hội khóa 12 về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội; năm đánh giá giữa nhiệm kỳ việc thực hiện Nghị quyết 12 của Đảng, Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố; năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020. Năm 2018 cũng được thành phố lựa chọn là năm “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”.

Đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, các vị đại biểu HĐND thành phố tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng các nội dung cơ chế, chính sách lớn. Trên cơ sở đó, xác định rõ thứ tự ưu tiên, lộ trình giải quyết, cách thức tổ chức triển khai thực hiện, nhất là với các nhiệm vụ nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém đã xác định. Trong đó, tập trung vào việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018; vấn đề đời sống dân sinh; việc thực hiện các nhiệm vụ cho cả giai đoạn từ nay đến năm 2020 (Kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2018-2020; Kế hoạch hoàn chỉnh đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020; bổ sung danh mục công trình trọng điểm của thành phố Hà Nội, giai đoạn 2016-2020 đã được HĐND thành phố thông qua tại Nghị quyết số 18/NQ-HĐND)…

Đặc biệt, với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, năm 2018, thành phố phải khẩn trương xây dựng Đề án thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền chính quyền nông thôn để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội trong năm 2018. Chú trọng nâng cao kỷ cương, kỷ luật, đạo đức thi hành công vụ tại các cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư; đồng hành cùng với các doanh nghiệp, thực hiện quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là về thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, thủ tục đầu tư, tiếp cận vốn, giải phóng mặt bằng, thuế, hải quan.

Tán thành với những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu và các đề nghị của thành phố trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị thành phố tiếp tục triển khai kịp thời, có hiệu quả các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô; quyết tâm thực hiện cho được mục tiêu, kế hoạch về tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng phải siết chặt kỷ cương, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong quản lý đô thị; thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp; tiếp tục đổi mới, chủ động, sáng tạo hơn nữa trong hoạt động giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của HĐND thành phố, có những quyết sách mang tính lâu dài, tác động nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội, được cử tri quan tâm.

Hà Nội tuyên dương người có uy tín, trưởng thôn, người dân tộc thiểu số

Hà Nội tuyên dương người có uy tín, trưởng thôn, người dân tộc thiểu số

Sáng 2/12, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tuyên dương người có uy tín, trưởng thôn, người dân tộc thiểu số Thủ đô Hà Nội có thành tích xuất sắc năm 2017.

Tử Yến

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN