TTVH Online

'Sát thủ bikini' ở thiên đường hippie

02/12/2017 07:18 GMT+7

Thập kỷ 1960-1970 là thời điểm khủng hoảng lòng tin của thế hệ trẻ phương Tây và Bắc Mỹ khi ý nghĩa cuộc đời gửi gắm vào các giá trị vật chất bị đổ bể thê thảm. Phong trào hippie bắt nguồn từ San Francisco lập tức thu hút vô số thanh niên đi tìm lối thoát mới, họ dạt về những vùng ấm áp như Ấn Độ, Thái Lan v.v...

(Thethaovanhoa.vn) - Thập kỷ 1960-1970 là thời điểm khủng hoảng lòng tin của thế hệ trẻ phương Tây và Bắc Mỹ khi ý nghĩa cuộc đời gửi gắm vào các giá trị vật chất bị đổ bể thê thảm. Phong trào hippie bắt nguồn từ San Francisco lập tức thu hút vô số thanh niên đi tìm lối thoát mới, họ dạt về những vùng ấm áp như Ấn Độ, Thái Lan v.v... để sống thành quần thể hoà quyện với thiên nhiên. Và giữa những đứa trẻ ngơ ngác vô tư ấy, “sát thủ bikini” Charles Sobhraj dễ dàng thực thi ý tưởng bệnh hoạn của mình.

Băng ghi âm nhiễu loẹt xoẹt, rồi một giọng đàn ông khẽ cất lên: “Cô ấy nói: Anh cho gì vào đồ uống phải không, em chóng mặt quá. Tôi đáp: Rất đáng tiếc, Teresa, anh phải nói với  em là anh sẽ làm một điều ác với em. Cô ta hỏi: Anh sẽ đánh em? Và tôi nói: Không, thú vị hơn nhiều”.

Khởi đầu với Teresa Knowlton, 18 tuổi

Như nhiều thanh niên ở thế hệ mình, cô gái Teresa Knowlton tự gọi là một đứa con của hoa lá (flower child), rời Bờ Tây nước Mỹ đi Nepal tìm cuộc sống mới trong một tu viện Kathmandu. Điểm chạm đất đầu tiên của cô là Thái Lan. Ngày ấy (1975), Pattaya còn là một làng chài nghèo xơ xác với bãi biển hoang sơ, điểm lý tưởng để Teresa dự tính sẽ nghỉ ngơi vài hôm trước khi tiếp xúc với cuộc sống tâm linh nơi xứ lạ.     

Một ngày tháng 10 ngư dân kéo xác cô từ dưới biển lên, trên người Teresa chỉ có bộ bikini hoa, các bác sĩ pháp y tìm được trong máu cô một lượng rượu và ma tuý lớn - có lẽ là một tai nạn tắm biển không hiếm lắm. 

Chú thích ảnh
Với cách hành xử lịch thiệp và năng khiếu ngoại ngữ, Charles Sobhraj dễ dàng làm quen rồi sát hại hàng loạt khách du lịch ba lô ở Nam Á, sau đó vượt ngục ngoạn mục

Một tháng sau, khi phát hiện ra xác chết bị đốt cháy gần hết của Vitali Hakim từ Thổ Nhĩ Kỳ, cảnh sát hình sự bỏ ra nhiều công sức điều tra hơn. Cuộc khám nghiệm tử thi cho thấy Hakim đã bị tra tấn bằng dao và đốt khi còn sống! Lập tức họ khai quật xác Teresa để xem lại: cô bị đánh thuốc mê và bóp cổ đến chết.   

Tháng 12 ở làng Pattaya xuất hiện thêm hai xác bị đốt nữa: Henricus Bintanja và Cornelia Hemker, người Hà Lan, toàn thân biến dạng vì ngoại lực. Trước giao thừa lại tìm được xác cô gái Charmayne Carrou người Mỹ trôi dạt trên sóng trong bộ bikini hoa. Giờ thì Thái Lan có một vụ bê bối không thể giấu nổi, và báo chí vào cuộc truy tìm một “sát thủ bikini”. 

Như một ảo thuật gia

Ở thời điểm đó không ai nghi Charles Sobhraj, một người sống như tàng hình ở nhiều quốc gia châu Á. Sobhraj sinh năm 1944, con một bà mẹ Việt Nam và bố Ấn Độ, lớn lên ở Pháp, đã ngồi tù nhiều lần trước khi trôi dạt qua Ấn Độ để sống bằng nghề trộm cắp xe hơi. Năm 1973 Sobhraj tiến hành một vụ thật lớn: cướp trang sức đắt tiền tại khách sạn Ashoka sang trọng của Delhi. Kết quả lại là một chuyến vào tù mới.

Ngồi được vài hôm, Sobhraj kêu ốm để được vào trạm xá của trại giam. Hắn trộn thuốc ngủ vào đồ ăn của lính gác và trốn thoát. Những năm sau đó Sobhraj trà trộn vào các nhóm hippie tóc dài đi tìm đất mới ở châu Á.

Chú thích ảnh
Tháng 2/1997 Sobhraj mãn hạn tù sau 20 năm và bị Ấn Độ trục xuất về Pháp

Với 7 ngôn ngữ thành thạo, hắn không khó tìm được thiện cảm từ nhóm Tây ba lô chán đời. Tuỳ trường hợp mà hắn tự xưng là người buôn ma tuý hay nhà khoa học. Khi đã thân nhau, hắn đổ một hợp chất gồm thuốc xổ và chất Methaqualon gây ảo giác vào đồ uống để nạn nhân mất tự chủ. Sau đó Sobhraj biến mất cùng đồ đạc và hộ chiếu của họ. Những xác người đầu tiên xuất hiện ở thời kỳ này, song nhà chức trách chưa thấy bận tâm lắm, dân hippie chết do dùng quá liều ma tuý là chuyện thường.

Bị sa lưới cảnh sát ở Kabul, Sobhraj dùng mẹo cũ từ Ấn Độ, đánh thuốc mê quản tù và tẩu thoát. Lần thoát hiểm thứ ba là ở Athens năm 1975, khi quản tù đưa hắn vào bệnh viện. Cứ thế Sobhraj vào tù ra khám như đi chợ. Lần này hắn gặp dọc đường cô gái Canada Marie-Andrée Leclerc và Ajay Chowdhury, một kẻ trộm người Ấn Độ, và cùng hai tòng phạm đó nối tiếp xê-ri giết người được bắt đầu bằng Teresa Knowlton ở Pattaya - có vẻ như sát thủ bikini dần thấy vui thú khi say máu.

Lễ Giáng sinh 1975, khi một vụ giết người mới xảy ra được ba hôm ở Thái Lan thì cảnh sát Kathmandu cách đó 3.500 km tìm được hai xác chết cháy, nạn nhân đến từ Canada. Họ lần theo dấu vết của Sobhraj và hai cá nhân khác đi cùng, nhưng khi đến khách sạn thì cả ba đã lại biến mất tăm. Nepal báo cho Interpol, nhờ đó các mảnh ghép được chắp lại và từ thời điểm đó “sát thủ bikini“ Charles Sobhraj nằm trong danh sách điều tra tại hầu hết các quốc gia châu Á với tối thiểu 8 nạn nhân. Và danh sách đó ngày càng dài thêm: Avoni Jacob người Israel ở Varanasi (Ấn Độ), Jean-Luc Solomon người Pháp ở Bombay, và chính đồng phạm Chowdhury cũng lìa đời một cách bí ẩn sau một vụ cùng đi cướp trang sức ở Malaysia.

Chú thích ảnh
Sát thủ trở thành ngôi sao truyền thông ở Pháp và sống sung túc nhờ bán bản quyền dựng phim và thuật lại các hành vi của mình

“Tôi không bao giờ giết người tử tế”

Tháng 6/1976 “hướng dẫn viên” Sobhraj đánh thuốc mê cả một nhóm kỹ sư Pháp du lịch ở New Delhi bằng thuốc Diphterie. Nhân viên khách sạn bắt được và trao hắn cho cảnh sát. Giờ đây Sobhraj bị tuyên án 12 năm tù giam tại Tihar, được coi là nhà tù hà khắc nhất Ấn Độ. Cuộc sống trong tù của sát thủ lừng danh ấy không tệ: Sobhraj ngày nào cũng nhận được cả chục lá thư của các nữ fan cuồng, gọi thức ăn từ nhà hàng 5 sao bên ngoài đưa vào, có cả máy truyền hình riêng và thao túng đám quản tù bằng kim cương đưa lậu vào tù.

Hắn rảnh rỗi tâm sự với Richard Neville, một nhà văn Australia, về động cơ sát nhân của mình: “Tôi có lý do chứ. Tôi không bao giờ giết người tử tế. Tôi căm thù đế quốc phương Tây và tệ nạn ma tuý”. Cũng trong dịp này hắn tường thuật chi tiết các vụ giết người vào băng ghi âm.

Vụ xử “sát thủ bikini” cho thấy hắn giết tối thiểu 10 người ở Thái Lan và sẽ bị dẫn độ về đó để nhận án tử hình. Trước khi chia tay, Sobhraj tặng các quản tù Ấn Độ một giỏ hoa quả và bánh ngọt. Dĩ nhiên có trộn chút Methaqualon. Và Sobhraj lại một lần nữa tự do một cách khó tin. Mãi ba tuần sau cảnh sát mới tóm lại được hắn, nhưng vận may tiếp tục mỉm cười với “sát thủ bikini”: vì nhận án 10 năm tù do vượt ngục mà thời hạn khiếu tố ở Thái Lan chấm dứt!

Tháng 2/1997 Charles Sobhraj rời nhà tù Tihar ở tuổi 52, quay về Pháp và bán chuyện đời của mình với giá cắt cổ: mỗi cuộc phỏng vấn có giá 5.000 USD, bản quyền dựng phim 2 triệu USD... Các vụ điều tra toàn cầu buộc phải chấm dứt sau nhiều năm và Sobhraj có thể sống yên ổn cuộc đời “hưu trí”.   

Điểm kết khó ngờ

Không ai biết vì sao, nhưng mùa hè 2003 Sobhraj đến Kathmandu, vào chơi ở sòng bạc của Yak & Yeti Hotel và ở thời điểm này mới nhận ra đã đặt vận may của mình vào cửa tử: Nepal là quốc gia duy nhất trên thế giới còn duy trì lệnh điều tra Sobhraj Charles! Năm 2014 toà tuyên án chung thân. Sau đó người ta khơi ra thêm một vụ nữa và Sobhraj nhận tổng cộng hai án chung thân. Ở thời điểm này, vào tuổi 70, Charles Sobhraj bị coi là đã sát hại 24 người và có lẽ không bao giờ ra khỏi trại giam Kathmandu nữa, trừ phi trong áo quan.

Hà Nội: 'Hippie Land' đất diễn của các tín đồ Hippie

Hà Nội: 'Hippie Land' đất diễn của các tín đồ Hippie

Sáng nay 11/3, tại Bể bơi Sao Mai, 98 Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội đã khai mạc sự kiện “Hippie Land” lần đầu tiên. Đây là sự kiện đuợc mong chờ và hứa hẹn đem đến cho các tín đồ Hippie được bộc lộ những phong cách tự do phóng khoáng.

Lê Quang

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN