TTVH Online

'Cải tiến' chữ Quốc ngữ: Buồn cười và kỳ cục

26/11/2017 18:22 GMT+7

Dù rằng chữ Quốc ngữ có một số hạn chế cần khắc phục, nhưng “cải tiến” là chuyện không dễ, nhất là khi không thể áp đặt và phải thuyết phục được số đông người sử dụng.

Thăm dò ý kiến

Quan điểm của bạn về ý tưởng cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS. TS Bùi Hiền

 

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà phê bình Nguyễn Hòa, tác giả của Bàn phím và cây búa đã đưa ra những quan điểm của mình về vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ đang gây xôn xao dư luận.

Ông nói với Thể thao và Văn hóa:

- Tôi thấy ngồ ngộ, buồn cười. Và tôi liên tưởng một thời có vị ở Việt Nam hì hục chứng minh Pi không phải là 3.14159265359… Không sành sỏi về Ngôn ngữ học, tôi vẫn thấy kỳ cục khi cho rằng “Hiện tại, chúng ta sử dụng 2, 3 chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ âm đứng đầu. Ví dụ C-Q-K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr-Ch (tra, cha), S-X (sa, xa)” là bất hợp lý! Như “cuốc” và “quốc” chẳng hạn, đúng là cùng một âm vị nhưng điều đáng quan tâm là lại rất khác nhau về nghĩa.

Chú thích ảnh
Nhà phê bình Nguyễn Hòa

  Tùy theo văn cảnh một câu có chữ “cuốc”, người đọc sẽ hiểu đó là chim cuốc hay cái cuốc, chắc chắn không có ai hiểu “cuốc” đó là nước - quốc gia! Tương tự, không ai hiểu “điều tra” là “điều bố”, không ai hiểu “quốc kỳ” là “cờ của chim cuốc”, và sẽ rất kỳ quái nếu hiểu “nhà cao tầng” là “nhà tầng đã nấu thành cao”!

Nhà khoa học có quyền đưa ra ý tưởng và công bố kết quả nghiên cứu, ai đó coi đây là ý tưởng khoa học nghiêm túc cũng là quyền của họ. Tuy nhiên, nếu hiểu nghiên cứu khoa học là gì thì điều đầu tiên phải tính đến là giá trị thực tiễn. Nên nếu chưa biết giá trị thực tiễn như thế nào thì dù là việc thuần túy cá nhân và không được tài trợ, cũng cần thận trọng. Tôi nghĩ trên đời này chắc chắn không ai mô phỏng “găng tay” để sáng chế ra “tất chân” lại thòi ra cả 5 ngón!

* Nếu bây giờ chữ Quốc ngữ được “cải tiến” thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cộng đồng nói chung và đời sống văn chương nói riêng?

Những biến thiên lịch sử phức tạp đã làm cho chữ viết của người Việt cũng biến thiên theo. Đến hiện tại, chưa biết tổ tiên chúng ta đã có chữ viết hay chưa. Truyện Mộng ký (Truyện một giấc mộng) trong Thánh Tông di thảo có nhắc đến văn bản “trên có bảy mươi mốt chữ ngoằn ngoèo như hình giun dế, không thể hiểu được” kèm theo giải thích là “lối chữ cổ sơ của nước Nam” và lời chỉ dẫn “Mường Mán ở các sơn động cũng có người còn đọc được”.

Nhưng dẫu sao đó cũng là giả thuyết, còn với tinh thần thực chứng thì chúng ta đã biết về quá trình từ chữ Hán đến chữ Nôm, chữ Quốc ngữ. Theo chỗ tôi biết thì các văn bản Hán, Nôm của cha ông để lại đã được dịch sang tiếng Việt tương đối nhiều và đang tiếp tục. Còn chữ Quốc ngữ, so sánh văn bản chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ XX với văn bản chữ Quốc ngữ ngày nay sẽ thấy tiếng Việt phát triển sinh động, trong sáng, chính xác,… như thế nào.

Dù rằng chữ Quốc ngữ có một số hạn chế cần khắc phục, nhưng “cải tiến” là chuyện không dễ, nhất là khi không thể áp đặt và phải thuyết phục được số đông người sử dụng.

* Hiện nay không ít bạn trẻ “tự thay đổi” rất nhiều ký tự chữ Quốc ngữ, đặc biệt là trên môi trường kỹ thuật số. Ví dụ khi nhắn tin điện thoại hoặc chát: "Em/anh đang làm gì vại (vậy), Troài oai (trời ơi)... Và, không ít cuốn sách bây giờ cũng xuất hiện hiện tượng thay đổi ký tự chữ Quốc ngữ kiểu như thế. Cách viết như vậy là “khó chấp nhận” nhưng phải thừa nhận là ký âm tiếng Việt có thể thay đổi. Ông suy nghĩ gì về vấn đề này?

Tương tác qua smartphone, tablet, laptop mà không có nhiều thời gian, hoặc muốn trả lời nhanh, nên các bạn trẻ cố gắng làm thế nào soạn một tin nhắn, hoặc comment vào facebook được nhiều chữ, từ đó các ký hiệu như đề cập đã ra đời và thực tế chỉ có ý nghĩa trong cộng đồng của người trẻ, chắc chắn chưa có ai “dám” sử dụng lối viết này trong các văn bản pháp quy.

Trong một vài cuốn sách cũng đã xuất hiện lối viết này để nhắc lại tin nhắn, comment chứ không hành văn bằng loại ký tự ấy, vì thế không đáng ngại. Và tôi coi đó là “thú chơi, thú vui” của các bạn trẻ hơn là kết quả của một suy tư nghiêm túc về “cải tiến” chữ viết. Ngôn ngữ của cộng đồng luôn vận động phát triển, vừa bổ sung yếu tố mới, vừa loại bỏ những gì không còn thích hợp.

Vấn đề là nắm bắt ngôn ngữ như thế nào để sử dụng một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo,… chứ không phải vì phức tạp, hoặc vì thấy người nước ngoài khó học mà chê bai chữ viết của dân tộc mình. Vả lại cũng nên lưu ý rằng, tiếng nói và chữ viết là sản phẩm văn hóa vô giá, và là một niềm tự hào không phải dân tộc nào trên thế giới cũng có được.

Huy Thông (Thực hiện)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN