TTVH Online

‘Hello, Dolly!’ - Bản hit không ai muốn thu

04/08/2017 07:00 GMT+7

Tại Việt Nam, người ta vẫn thường nhớ đến Louis Armstrong với bản hit đình đám nhất của ông là "What a wonderful world". Nhưng không mấy người biết rằng, Louis Armstrong còn có một “siêu phẩm” khác đình đám không kém.

(Thethaovanhoa.vn) - Tại Việt Nam, người ta vẫn thường nhớ đến Louis Armstrong với bản hit đình đám nhất của ông là What a wonderful world. Nhưng không mấy người biết rằng, Louis Armstrong còn có một “siêu phẩm” khác đình đám không kém và là bản hit duy nhất của ông chạm đến vị trí quán quân tại BXH Billboard - Hello, Dolly!

Thực ra, Hello, Dolly! không phải được sáng tác để dành riêng cho Louis Armstrong. Nó là bài hát chủ đề của vở nhạc kịch cùng tên do nhạc sĩ Jerry Herman xây dựng, được công diễn lần đầu vào năm 1964. Tuy nhiên, Louis Armstrong đã góp vào thành công của Hello, Dolly! theo một cách khác, cách mà một tờ báo Mỹ hồi đó đã mô tả là “chẳng ai muốn làm”, thậm chí kể cả Louis.

Chú thích ảnh
Album "Hello, Dolly!" của Louis Armstrong

Lựa chọn duy nhất và phù hợp nhất

Jerry Herman là một nhạc sĩ chuyên sáng tác nhạc kịch. Ông đã sáng tác Hello, Dolly! dựa trên tác phẩm của Thornton Wilder vào năm 1938, cái mà sau này được đổi tên thành The Matchmaker vào năm 1955.

Hello, Dolly! bám theo câu chuyện về một bà mối lạc quan, mạnh mẽ có tên Dolly, khi cô lên đường đến New York để tìm “ý trung nhân” cho khách hàng của mình. Và cuối cùng chẳng cần tìm đâu xa, chính cô lại là người phù hợp nhất cho vị trí đó. Bài hát chủ đề Hello, Dolly! cũng vì thế mà đầy vẻ tưng tửng, vui nhộn như chính tính cách của nhân vật chính.

Tất nhiên, một tác phẩm không tự nó lan tỏa và được đón nhận. Các nhà sản xuất cũng đã thực hiện một chiến dịch quảng bá đi kèm, trong đó bao gồm việc sử dụng bài hát chủ đề Hello, Dolly! làm chất liệu truyền thông.

Bản thu âm dùng để quảng bá cho Hello, Dolly! được thực hiện vào tháng 12/1963. Và giọng ca được “chọn mặt gửi vàng” cho nhiệm vụ này không ai khác chính là huyền thoại nhạc jazz Louis Armstrong.

Hello, Dolly! đến với Louis Armstrong trong khoảng thời gian "xế chiều" của sự nghiệp khi Louis Armstrong đã ngừng chơi nhạc jazz và chỉ thi thoảng thu âm, biểu diễn gọi là.

Trên thực tế người thuyết phục Louis Armstrong không phải nhạc sĩ Jerry Herman hay bất kỳ ai thuộc ê-kíp sản xuất Hello, Dolly! mà chính là quản lý của ông. Khi ấy, ngoài Louis Armstrong, không có nghệ sĩ nào khác chịu thu âm Hello, Dolly!, và bản thân Satchmo (nghệ danh của Louis Armstrong) cũng không có nhiều hứng thú đối với nó bởi họ đều cho rằng ca khúc này khá “dễ đoán” và khó có thể tạo hit. Thậm chí bản thân “cha đẻ” của nó Jerry Herman cũng không khỏi nghi ngờ về Hello, Dolly!

Thế nên, khi nghe tin Louis cuối cùng cũng chịu đồng ý thu âm Hello, Dolly! nhạc sĩ Jerry Herman thậm chí còn cho đó là ý tưởng điên rồ. Nhưng kết quả về sau cùng đã khiến Jerry phải “té ghế” vì bất ngờ với những thay đổi rõ rệt.

Chú thích ảnh
 Phiên bản song ca "Hello, Dolly!" của Louis Armstrong và Barbra Streisand 

 Đó là bản solo “độc nhất vô nhị” với chất giọng cứng rắn, khàn đục của một “ông già” ở tuổi 63 nhưng vẫn ở đó đặc trưng không thể nhầm lẫn của Satchmo. Như nghệ sĩ trumpet đồng thời là nhà soạn nhạc Wynton Marsalis từng nói “Louis luôn biết cách cá nhân hóa mọi bản thu mà ông thực hiện”.

Với Hello, Dolly! , đó là sự tự do và niềm vui mà Louis nhấn nhá qua từng câu hát “You're lookin' swell, Dolly. I can tell, Dolly” (Trông bạn thật đẹp, Dolly. Tôi chắc chắn đó, Dolly). Hay đó là cách mà ông tự “đóng dấu” trực tiếp tên mình qua việc thay đổi lời hát, từ “Hello Dolly. This is miss Dolly” (Xin chào Dolly. Đây là cô Dolly)  thành “Hello Dolly. This is Louis, Dolly” (Xin chào Dolly. Đây là Louis, Dolly) với âm “s” kéo dài có chủ đích. Còn với người đã nghe nhạc của Louis lâu năm, thì tinh hoa vẫn cứ là ở phần ngẫu hứng trumpet giữa 2 đoạn hát.

Và hẳn là, sự tưng tửng vui tươi cùng tiếng trumpet “thương hiệu” của Louis Armstrong là chất liệu quá hoàn hảo hóa giải sự “dễ đoán” ban đầu cho Hello, Dolly! Thật sự may mắn cho Hello, Dolly! bởi người duy nhất chịu thu âm lại xem ra là người phù hợp nhất.

Danh tiếng kéo theo tai tiếng

Cả vở nhạc kịch lẫn bài hát Hello, Dolly! đều mang lại thành công vang dội. Vở nhạc kịch sau khi công diễn năm 1964 nhận được 10 giải thưởng Tony, trong đó bao gồm hạng mục dành cho Vở nhạc kịch xuất sắc nhất, một kỷ lục mà Hello Dolly! đã giữ trong vòng 37 năm. Vở diễn được tái hiện lại tại Broadway tổng cộng 4 lần đồng thời gây được tiếng vang trên toàn thế giới. Bộ phim cùng tên chuyển thể từ Hello, Dolly! cũng đã vinh dự nhận 3 giải Academy Awards vào năm 1969.

Bản thân bài hát Hello, Dolly! cũng là một “cú dội bom” của Louis Armstrong lên BXH Billboard Hot 100. Lần đầu tiên một người “già cả” như Louis Armstrong lúc bấy giờ nắm giữ ngôi vị quán quân tại BXH này vào tháng 5/1964, đẩy 4 “trai trẻ” The Beatles xuống vị trí thứ 2 sau 14 tuần thống lĩnh và trở thành single thành công nhất của Louis Armstrong.

Một năm sau, Hello, Dolly! cùng Louis Armstrong cùng được xướng tên tại Lễ trao giải Grammy với hạng mục Bài hát của năm và Phần trình diễn xuất sắc nhất năm với bản song ca cùng Barbra Streisand trong bộ phim cùng tên.

Chú thích ảnh
Louis Armstrong và Barbra Streisand nhận giải Grammy năm 1965

Album toàn bộ nhạc phẩm của vở diễn Hello, Dolly! xếp thứ 1 BXH album của Billboard vào tháng 6, 1964 và bị thay thế 1 tuần sau đó bởi album… Hello, Dolly! của Louis Armstrong.

Thành công liên tiếp thành công như vậy, nhưng sự nổi tiếng ấy lại vô tình đem đến cho Hello, Dolly! vấn đề nghiêm trọng liên quan đến luật pháp, đe dọa đến toàn bộ kế hoạch và thậm chí là cả sự thành công sau này. Mack David, một nhạc sĩ nổi tiếng với các sáng tác trong những bộ phim của Disney, đã đưa ra cáo buộc về sự xâm phạm bản quyền, bởi vì 4 ô nhạc đầu tiên của Hello, Dolly! giống với bài hát khác của David là Sunflower năm 1948.

Nhạc sĩ Jerry Herman khi biết tin đã vô cùng tức giận, bởi theo ông thì ông chưa bao giờ nghe Sunflower trước đây, và yêu cầu được đối chất trước tòa. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo lợi ích cho những người liên quan và không ảnh hưởng đến kế hoạch tương lai của bộ phim, Jerry đã đồng ý trả một khoản tiền 200.000 USD để vụ việc khỏi bị đưa ra tòa.

Huyền thoại Barbra Streisand: Vẫn... dễ thương ở tuổi 75

Huyền thoại Barbra Streisand: Vẫn... dễ thương ở tuổi 75

Ngày 24/4 vừa qua, Barbra Streisand tròn 75 tuổi. Nhìn lại nửa thế kỷ qua, hiếm có ngôi sao nào thành công như bà: cả ở Hollywood, trên sân khấu Broadway và trong làng nhạc.

Quan điểm của nhạc sĩ Jerry Herman về vụ việc này được ghi lại trong cuốn sách American Popular Song Composers: Oral Histories, 1920s-1950s (Những câu chuyện truyền miệng về các nhạc sĩ nổi tiếng nước Mỹ, những năm 1920 đến 1950) như sau: “Đây là vấn đề của việc sáng tác với 13 nốt. Thật không may rằng khi đó bài hát đã trở nên quá nổi tiếng. Nếu như nó ít được biết đến, thì sẽ chẳng có vấn đề gì xảy ra. Có hàng trăm ví dụ về trường hợp kiểu như thế này. Việc 4, 6 hay 8 nốt trùng nhau giữa các bài hát là chuyện bình thường và nó cực kỳ khó tránh, gần như là phải xảy ra. Về phía mình, tôi coi nó như một lỗi lầm thiếu may mắn”.

Huyền thoại jazz Louis Armstrong và tình bạn nơi cánh gà sau Bức tường Berlin

Huyền thoại jazz Louis Armstrong và tình bạn nơi cánh gà sau Bức tường Berlin

Bức tường Berlin dựng lên ngót bốn năm, Chiến tranh lạnh đang ở đỉnh điểm. Trong bối cảnh ấy, có tin huyền thoại Louis Armstrong sang lưu diễn ở CHDC Đức với sản phẩm “Mỹ nhất trong các giá trị Mỹ - nhạc jazz“.

Hiện nay, vở nhạc kịch Hello, Dolly! vẫn tiếp tục được tái hiện khắp thế giới và được đông đảo công chúng đón nhận tích cực, cho thấy sức sống trường tồn của tác phẩm này.

Tròn 116 năm ngày sinh huyền thoại Louis Armstrong

Louis Armstrong (4/8/1901 - 1971) tên thật là Louis Sullivan, là nghệ sĩ trumpet, nhạc sĩ, ca sĩ và diễn viên người Mỹ. Ông là một trong những gương mặt có ảnh hưởng nhất tới nền nhạc jazz. Sự nghiệp của ông kéo dài gần 50 năm và đã trải qua những thời đại khác nhau của jazz.

Hình ảnh đặc trưng của Louis Armstrong là nụ cười rộng miệng bẩm sinh. Ông được nhớ đến với chất giọng khàn nội lực đặc trưng cùng lối hát tự nhiên, khéo léo và những phần ngẫu hứng trumpet trong các ca khúc của mình.

Ảnh hưởng của ông còn vượt ra khỏi thể loại jazz, tác động đến âm nhạc đại chúng nói chung. Ông là một trong những người Mỹ gốc Phi đầu tiên thực sự nổi tiếng vượt qua được trở ngại về “màu da” ở một nước phân biệt chủng tộc như nước Mỹ. Khả năng nghệ thuật đã giúp ông tiếp cận được với tầng lớp trên của xã hội, vốn bị hạn chế đối với những người da đen cùng thời.

Hà My
 Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN