TTVH Online

Bức 'Phố cũ' đề tên Bùi Xuân Phái bị nghi tranh giả: Người trong cuộc nói gì?

25/07/2017 07:25 GMT+7

Bức Phố cũ của họa sĩ Bùi Xuân Phái vừa được Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn (Chọn Auction House) mang ra trưng bày đồng thời sẽ bán đấu giá vào chiều 30/7 tới.

(Thethaovanhoa.vn) - Bức Phố cũ của họa sĩ Bùi Xuân Phái vừa được Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn (Chọn Auction House) mang ra trưng bày đồng thời sẽ bán đấu giá vào chiều 30/7 tới. Tuy nhiên, ngay từ khi bức tranh vừa được trưng ra, giới chuyên môn đã thắc mắc là bức này giống tới 99% so với bức tranh từng bán tại hai nhà đấu giá quốc tế.

Bức Phố cũ được giới thiệu là tranh của Bùi Xuân Phái chất liệu sơn dầu, kích thước 50x40cm có mức giá khởi điểm 8.000 USD. 

Bức Phố cũ này giống bức Phố cũ (Hanoi Streets) xuất hiện trong phiên đấu giá của Sotheby’s (Singapore) bán 11.443USD năm 2006, sau đó nhà Christie’s (Hong Kong) bán 12.804 USD vào 2014.

Chú thích ảnh
Bức tranh Phố cũ được đấu giá tại nhà Sotheby's năm 2006.

"Tôi có bức tranh này đến nay 20 năm, chưa cho ai xem cả”

Chủ sở hữu bức Phố cũ là sư thầy Thích Minh Thịnh (chùa Minh Khánh). Sư thầy Thích Minh Thịnh kể: “Ông sở hữu hai bức tranh là Ký họa cô Như của Nguyễn Gia Trí và Phố cũ của Bùi Xuân Phái. Cô Như là người phụ trách hậu cần ở lán Nà Lừa xưa. Cô Như không có gia đình, cuối đời cô sống ở số 19 Phan Bội Châu, tại đây lưu giữ khá nhiều bức tranh, cô cũng công đức nhiều tranh cho chùa chiền”.

“Trước khi cô mất, tôi ngỏ ý trả lại hai bức tranh trên vì rất nhiều người hỏi mua tranh cô. Nhưng cô Như nói với tôi rằng, nếu thầy không thích thì thầy bán lấy tiền để làm từ thiện, còn con không biết gì về tranh cả, thời trước tiếp xúc với văn nghệ sĩ nhiều, người ta thích người ta biếu thôi. Còn số nhà 19 – Phan Bội Châu quan trọng với giới hội họa Việt Nam thế nào, chắc nhiều người biết” – sư thầy Thích Minh Thịnh giải thích.

“Tôi cũng không hiểu về nhiều về tranh, nhưng từ lúc tôi có bức tranh này đến nay 20 năm rồi, tôi úp trên mặt tủ suốt, không ai được chụp lại bức tranh này ”- sư thầy Thích Minh Thịnh nói.

Tuy nhiên, khi có người đặt nghi vấn: “Bức tranh quá cũ, rách thì liệu do không giữ gìn cẩn thận hay do làm giả?”. Sư thầy Thích Minh Thịnh phân trần: “Có lúc cất trong nhà kho, có khi dựng lên mặt tủ, có khi nghệ sĩ xem xong lại úp trên mặt tủ”.

Chú thích ảnh
Bức Phố cũ của sư thầy Thích Minh Thịnh (chùa Minh Khánh) được Nhà đấu giá Chọn mang ra bán đấu giá với khởi điểm 8.000 USD.

BTC và người bán sẽ đền bù, xin lỗi công khai nếu là tranh giả

Ông Vũ Tuấn Anh, thành viên sáng lập Nhà đấu giá Chọn cho biết: “Chúng tôi có ký hợp đồng đúng luật đấu giá với thầy Thích Minh Thịnh. Thầy cam đoan chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về nguồn gốc xuất xứ của tác phẩm. Đồng thời, trong thời gian một tháng, nếu ai có bằng chứng và xác nhận là tranh giả, BTC cùng người bán sẽ đền hoàn lại giá trị bức tranh cũng như bồi thường thiệt hại tinh thần cho người mua cộng với xin lỗi công khai”.

Về kỹ thuật, bút pháp bức tranh, ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc Nhà đấu giá Chọn khẳng định: Bút pháp của bức Phố cũ hoàn toàn trùng hợp với phong cách của Bùi Xuân Phái. Theo ông Quốc Hùng, độ cũ của tranh, chất liệu toan và độ cũ của từng chiếc đinh vít trên tranh có niên đại khớp với giai đoạn mà Bùi Xuân Phái vẽ theo phong cách này.

“Với kinh nghiệm, tay nghề, mắt nhìn tranh của các chuyên gia thẩm định, chúng tôi đang rất tin tưởng vào độ xác thực của bức tranh này” – ông Trần Quốc Hùng nói.

Về quá trình thẩm định bức Phố cũ, theo ông Trần Quốc Hùng, BTC đã thẩm định chủ sở hữu qua nhiều kênh và nhờ cậy đội ngũ chuyên gia thẩm định tranh có uy tín. Tuy nhiên, “chuyên gia của chúng tôi là tài sản quốc gia, là chuyên gia của bảo tàng mỹ thuật, tuy nhiên họ không muốn ra mặt”, ông Hùng cho biết.

Đại diện Nhà đấu giá Chọn nhấn mạnh, đấu giá là để đưa tác phẩm tốt ra thị trường, đồng thời, đấu giá khẳng định tranh của Bùi Xuân Phái là thật sẽ “ghi điểm” trong mắt các nhà sưu tầm quốc tế.

“Đó là bức tranh chép lại tranh của Bùi Xuân Phái”

PV báo Thể thao &Văn hóa (TTXVN) cũng liên lạc với họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai họa sĩ Bùi Xuân Phái để hỏi về bức tranh Phố cũ này. Ông Phương cho biết, bức tranh mới trưng bày chứ chưa đến ngày đấu giá, do đó ông chưa muốn lên tiếng sớm.

Tuy nhiên, theo ông Phương, “với những người am hiểu hội hoạ và phong cách của từng hoạ sĩ, thì khi đứng trước một bức hoạ, chỉ cần nửa giây thôi là nhận biết được ngay đó là thật hay giả”.

Nói về bức Phố cũ xuất hiện tại Nhà đấu giá Chọn, ông Phương khẳng định: “Đó là bức tranh chép lại tranh của Bùi Xuân Phái”.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Tranh giả xuất hiện từ khi bộ sưu tập Đức Minh bị phát tán!

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Tranh giả xuất hiện từ khi bộ sưu tập Đức Minh bị phát tán!

Xung quanh câu chuyện tranh giả gần đây đã làm dấy lên những câu hỏi về thị trường tranh giả ở Việt Nam.

Đây không phải lần đầu tiên tranh được cho là của Bùi Xuân Phái vướng nghi vấn thật – giả. Tháng 10/2016, họa sĩ Bùi Thanh Phương cũng lên tiếng khẳng định bức tranh Phố cổ Hà Nội bán đấu giá từ thiện 102.000 USD (khoảng 2,3 tỷ đồng) là tranh giả. Năm 2008, họa sĩ Bùi Thanh Phương tuyên bố sẽ kiện nhà đấu Sotheby’s (Singapore)  vì cho rằng nhà đấu giá này mang đấu bốn bức tranh giả của Bùi Xuân Phái. Website của Sotheby’s sau đó đã cho gỡ bỏ các thông tin hình ảnh bốn bức tranh và không đấu giá nữa.

Giống y như thật đã là giả thì sao 99% lại thật được!

Chủ một gallery mở cách đây 20 năm ở Hà Nội (xin được giấu tên) chia sẻ: “Hiện nay, tính chuyên nghiệp của thị trường hội họa ở Việt chưa cao, cho nên tranh thật, tranh giả trên thị trường là “sống chung với lũ”, người mua không phân biệt được thật - giả thì sẽ bị thiệt hại. Với bức tranh Phố cũ, tôi chưa được nhìn trực tiếp, nhưng vấn đề có thể quan tâm ở đây là: giống tới 99%. Thật là thật. Còn giống y như thật đã là giả thì sao 99% lại thật được”.

Đấu giá 12 tác phẩm của 2 bộ tứ trụ hội họa Việt Nam

Phiên đấu giá số 5 tại Nhà đấu giá Chọn sẽ diễn ra lúc 18h ngày 30/7 tại 17 Trần Quốc Toản. Đây là phiên đấu đặc biệt khi hội tụ 12 tác phẩm của hai bộ tứ danh họa Việt Nam: Trí – Lân – Vân – Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn) và Nghiêm – Liên – Sáng – Phái (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái).

Ngọc Tường
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN