TTVH Online

Bóng rổ Việt Nam thắp sáng mục tiêu top 3 SEA Games nhờ VBA

17/07/2017 22:00 GMT+7

Bóng rổ tại Việt Nam từ lâu đã được xem như môn thể thao “ngoại nhập”, khi khởi nguồn của bóng rổ được du nhập nhờ vào cộng đồng người Hoa di cư vào miền Nam Việt Nam và được lan truyền hơn khi chịu ảnh hưởng đến từ các nền văn hóa phương Tây.

(Thethaovanhoa.vn) - Bóng rổ tại Việt Nam từ lâu đã được xem như môn thể thao “ngoại nhập”, khi khởi nguồn của bóng rổ được du nhập nhờ vào cộng đồng người Hoa di cư vào miền Nam Việt Nam và được lan truyền hơn khi chịu ảnh hưởng đến từ các nền văn hóa phương Tây.

Cộng đồng những người chơi bóng rổ tại Việt Nam đã nhen nhóm từ đó. Tuy là môn thể thao sinh sau đẻ muộn, nhưng bóng rổ tại Việt Nam vẫn mang trong mình những sức hút kỳ lạ.

Hành trình dài của bóng rổ Việt Nam

Nhớ lại cái thời mà Internet còn chưa được phổ cập, thời mà xu hướng của giới trẻ dễ bị cuốn theo những bộ phim truyền hình Hàn Quốc, trong số đó phải kể đến cơn sốt đã kéo các cô bé, cậu bé tìm đến trái bóng cam thông qua bộ phim “Bước Nhảy Cuối Cùng”.

Bóng rổ lúc đó bỗng trở thành một môn “thể thao thời thượng” và nhận được rất nhiều sự quan tâm của giới trẻ. Và câu hỏi đặt ra là liệu bóng rổ có trở thành một môn thể thao phổ biến tại Việt Nam? Thậm chí có thể là một “bộ môn săn vàng của Việt Nam” tại SEA Games?

Chú thích ảnh
Một trận đấu bóng rổ thời kháng chiến nêm chật cứng khán giả. Nguồn: Bóng Rổ Việt Nam

SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam là một sự kiện mà các fan của trái bóng cam thời đó lần đầu tiên được chứng kiến tận mắt những trận thi đấu chuyên nghiệp mang tầm cỡ khu vực. Dĩ nhiên, đội tuyển bóng rổ Việt Nam không làm nên chuyện lớn nhưng việc khán giả đến kín nhà thi đấu để xem tất các trận đấu đã chứng minh sức hấp dẫn của quả bóng cam.

Phong trào bóng rổ sau SEA Games 22 càng nở rộ hơn nữa, các giải thi đấu bắt đầu tấn công từ cấp trường học, cấp quận đến cấp quốc gia nhưng rồi tất cả chỉ dừng lại ở đó. Các cấp lãnh đạo bộ môn bóng rổ mãi loay hoay với bài toán kinh phí cũng như chiến lược phát triển bài bản để xây dựng được một lực lượng thi đấu đỉnh cao.

Bài toán không lời giải

Các hoạt động thi đấu của bộ môn bóng rổ không đáp ứng được kỳ vọng vì không đào tạo được những lớp VĐV kế thừa, trình độ VĐV không được nâng cao, mãi không thể thoát khỏi phạm vi quốc gia. Thậm chí đã có lúc giải VĐQG còn gặp khó khăn vì không có đủ số đội đăng ký tham gia thi đấu.

Lúc đấy, bóng rổ Việt Nam thực sự khát khao một bộ máy lãnh đạo không những có tâm mà còn phải có tầm, một giải VĐQG được đầu tư đủ mạnh và hệ thống gây dựng phong trào được dàn trải rộng khắp.

VBA giúp nâng tầm cầu thủ Việt

VBA giúp nâng tầm cầu thủ Việt

Tính đến thời điểm hiện tại, làng bóng rổ Việt Nam đã có những thành tựu đáng kể. Điển hình như sự xuất hiện của giải đấu VBA, hay các CLB lớn dần được hình thành đông đảo và đầu tư quy mô hơn.

Sự ra đời của CLB Saigon Heat vào năm 2011 đánh dấu bước chuyển mình trong công tác đầu tư xã hội hóa dành cho môn thể thao này. Tuy nhiên, sự xuất hiện Saigon Heat được ví như “một giọt nước giữa sa mạc”, khi chỉ có một CLB là không thể đủ sức để phát triển phong trào và tạo ra một ĐTQG hùng mạnh, đủ sức cạnh tranh trong khu vực.

Bước ngoặt lịch sử

Ngày 27/9/2015 có thể được xem là cột mốc lịch sử của bóng rổ Việt Nam, khi Đại hội Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam (VBF) lần thứ 6 tại TP.HCM đã bầu ra dàn lãnh đạo mới với quyết tâm nâng tầm bóng rổ nước nhà.

Ngay khi vừa nhậm chức, ông Nguyễn Bảo Hoàng, Chủ tịch VBF, đã phát biểu: "Nhiệm vụ trong của VBF trong 5 năm tới rất nặng nề. Chúng ta phải cùng nhau nỗ lực vượt bậc. Chúng ta phải đưa bóng rổ phát triển thành môn thể thao Olympic số 2 tại Việt Nam, phát triển phong trào tập luyện, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, góp phần làm tăng sức khỏe và nâng cao tầm vóc người Việt”.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Bảo Hoàng (hàng đầu bên trái) trong lễ nhậm chức Chủ tịch Liên đoàn bóng rổ Việt Nam

Tuy nhiên, những tuyên bố có cánh của lãnh đạo VBF có thể sẽ không thể thuyết phục người hâm mộ tin tưởng vào một tương lai tươi sáng cho bóng rổ Việt Nam, nếu lời hứa chỉ là lời hứa, và chỉ tới khi giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) xuất hiện thì người ta mới thực sự tin rằng VBF khóa 6 nói được là sẽ làm được.

Nền móng mang tên VBA

Ngay trong lần tổ chức đầu tiên vào năm 2016, VBA đã mang lại không khí phấn khích cho cộng đồng người hâm mộ bóng rổ Việt Nam. Thậm chí, sẽ là không quá lời khi nhận định rằng VBA chính là một nền móng vững chắc nhất trong quá trình phát triển của bóng rổ Việt Nam.

Hãy nhìn vào đội hình cũng như lối chơi của đội tuyển Việt Nam tại giải vô địch bóng rổ Đông Nam Á (SEABA) vừa rồi để thấy VBA đang làm nhiệm vụ và sứ mệnh của mình tốt đến như thế nào.

Bóng rổ Việt Nam ghi dấu ấn tại SEABA 2017

Bóng rổ Việt Nam ghi dấu ấn tại SEABA 2017

Dù không gặt hái được nhiều thành công tại Giải vô địch bóng rổ Đông Nam Á – SEABA 2017, nhưng những gì mà đội tuyển Việt Nam đã nỗ lực cống hiến đủ để người hâm mộ có thể tin tưởng vào sự phát triển của nền bóng rổ nước nhà.

Với đội hình gồm các cầu thủ đến từ VBA, được đặt dưới sự chỉ đạo của một nhà cầm quân tài năng đã quá am hiểu bóng rổ Việt Nam là HLV Donte Hill, đội tuyển bóng rổ Việt Nam đã gây ra nhiều bất ngờ cho các đối thủ tại SEABA. Dù không đạt được thứ hạng cao do còn thiếu vắng một số cầu thủ ngôi sao, nhưng đội tuyển bóng rổ Việt Nam vẫn tạo được dấu ấn đậm nét tại SEABA, mang lại niềm tin và sự ủng hộ lớn lao cho các CĐV, điều mà từ trước đến nay bóng rổ Việt Nam chưa từng làm được.

Trên cơ sở những gì đã làm được ở VBA 2016 và SEABA 2017, với dàn cầu thủ ngôi sao quen thuộc tại VBA như Nguyễn Văn Hùng, Tô Quang Trung, Lê Ngọc Tú, Triệu Hán Minh và đặc biệt là các cầu thủ Việt kiều là Horace Nguyễn Tâm Phúc, Stefan Nguyễn Tuấn Tú và Tâm Đinh cùng HLV Todd Purves, đội tuyển bóng rổ Việt Nam nhận được rất nhiều kỳ vọng tại SEA Games 29 sắp tới, để rồi mục tiêu lọt vào top 3 Đông Nam Á của bóng rổ Việt Nam sẽ không còn là ước mơ viển vông.

Thu Minh

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN