TTVH Online

Lãnh đạo Bộ VH,TT&DL nói gì về việc bỏ hay giữ Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn?

05/07/2017 07:33 GMT+7

Trở về sau chuyến công tác, khảo sát, kiểm tra tại Sân vận động Đồ Sơn (Hải Phòng), khu vực tổ chức vòng loại của Lễ hội chọi trâu năm 2017, làm việc với UBND quận Đồ Sơn, chia buồn cùng gia đình chủ trâu bị tử vong... bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL đã dành cho báo giới một cuộc trò chuyện.

(Thethaovanhoa.vn) - Trở về sau chuyến công tác, khảo sát, kiểm tra tại Sân vận động Đồ Sơn (Hải Phòng), khu vực tổ chức vòng loại của Lễ hội chọi trâu năm 2017, làm việc với UBND quận Đồ Sơn, chia buồn cùng gia đình chủ trâu bị tử vong... bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL đã dành cho báo giới một cuộc trò chuyện.

Sau đây là một số câu hỏi của Báo Thể thao & Văn hóa, Truyền hình Thông tấn (Vnews), Truyền hình Nhân dân và Truyền hình Quốc hội được bà Trịnh Thị Thủy trả lời vào chiều 4/7.

Cần có hội thảo để tìm phương án tổ chức…

* Thưa bà, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã tạm dừng hai trận đấu vòng loại, vậy dư luận quan tâm đặt câu hỏi lễ hội này sẽ tạm dừng đến bao giờ?

- Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã được triển khai tổ chức 27 năm qua. Việc tổ chức những năm trước đó thì thuận buồm xuôi gió, có một số năm cũng xảy ra sự cố trâu húc người nhưng không để lại hậu quả nghiêm trọng như năm nay. Qua thực tế năm nay, chúng tôi thấy rằng công tác chuẩn bị đã không lường trước các phương án đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách và cho cả những người tham gia lễ hội.

Chú thích ảnh
Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL

Đặc biệt là quy chế tổ chức lễ hội này có chỗ chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo an toàn cho những người tham gia lễ hội, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như những phương án đối phó với những tình huống xấu nhất không có. Xem lại video clip, có thể thấy khi xảy ra sự cố không thấy phản ứng gì từ phía BTC hoặc có phản ứng thì cũng rất chậm và không an toàn.

Con trâu có biểu hiện bất thường nhưng không có biện pháp gì khống chế kịp thời và để xảy ra tai nạn thương tâm. Chính vì thế, chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương phải ra soát lại, trong trường hợp không đảm bảo an toàn thì dừng lễ hội năm 2017. UBND TP Hải Phòng cũng đã có văn bản yêu cầu UBND quận Đồ Sơn dừng lễ hội chọi trâu năm 2017.

* Nếu tổ chức lại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn thì cơ quan quản lý văn hóa sẽ xem xét như thế nào, thưa bà?

- Chúng tôi cho rằng lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đồng nghĩa với việc nó phải có những giá trị nhất định về văn hóa, về tâm linh và phải đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng lành mạnh của cộng đồng và hồ sơ công nhận phải đầy đủ và nó phải thể hiện, đáp ứng được trong đời sống cộng đồng.

Chú thích ảnh
UBND TP Hải Phòng đã quyết định dừng Lễ hội chọi trâu năm 2017. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, qua sự cố vừa rồi chúng ta thấy rằng phần hồn của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn gần như bị coi nhẹ. Trên các phương tiện truyền thông quảng bá về lễ hội này cùng gần như rất mờ nhạt khi nói về giá trị tín ngưỡng, tâm linh, yếu tố linh thiêng của lễ hội… mà chủ yếu là quảng bá về hội chọi trâu, trong khi nó chỉ là một phần của lễ hội này.

Do đó, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn nếu tổ chức tiếp Bộ VH,TT&DL sẽ giao cho các đơn vị liên quan như Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, Cục Văn hóa cở sở phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các hội thảo để tìm ra các phương án tổ chức nhằm bảo tồn phát huy giá trị của di sản…

Làm sai lệch, biến tướng lễ hội là không thể chấp nhận

* Dư luận cũng đang bỏ ngỏ câu hỏi bỏ hay không bỏ lễ hội chọi trâu, bà có thể nói về vấn đề này?

- Đây chính là vấn đề chúng tôi đặt ra với chính quyền địa phương. Chúng ta công nhận di sản văn hóa với lễ hội này, trong hồ sơ di sản cũng khẳng định giá trị ở phần hồn, còn chọi trâu chỉ là phần hội. Trong khi chính quyền địa phương quảng bá về phần lễ rất mờ nhạt, thậm chí không quan tâm, do vậy phải xem xét lại việc tổ chức lễ hội này.

Chúng tôi cho rằng, bản chất của lễ hội này không có gì sai. Di sản này đã sống với cộng đồng và đã đi vào tâm thức của người dân miền biển từ rất lâu đời và trước đây không phải tổ chức như hiện nay. Nhiều nhà nghiên cứu cũng đã lên tiếng rằng chúng ta đang bóp méo, làm sai lệch theo hướng thương mại hóa.

* Nói về bản chất lễ hội chọi trâu, có nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng lễ hội chọi trâu không tổ chức ở sân vận động như hiện nay…

- Đúng rồi, trong hồ sơ và qua trao đổi với các nhà nghiên cứu thì lễ hội được tổ chức ở bãi cát gần biển và trong một không gian nhỏ chứ không mở rộng ra như bây giờ. Bây gi có sự tham gia của nhiều nơi, người dân bỏ bê công việc, hùn vốn mua trâu chọi, quy mô đã thay đổi đi rất nhiều, không còn nguyên gốc như xưa…

THĂM DÒ: Có nên duy trì lễ hội chọi trâu Đồ Sơn?

THĂM DÒ: Có nên duy trì lễ hội chọi trâu Đồ Sơn?

Sự cố trâu chọi đâm chết người tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn ngày 1/7 vừa qua đã đặt ra rất nhiều ý kiến khác nhau quanh việc duy trì lễ hội này.

* Thế theo bà, di sản đang bị biến đổi là đánh mất hay đang phù hợp với cuộc sống thực tế?

- Chúng tôi cho rằng đây là câu chuyện phải mang ra bàn, nhưng thay đổi làm sai lệch, biến tướng lễ hội là việc không thể chấp nhận được. Các di sản văn hóa hiện nay theo chiều hướng phục vụ cộng đồng, nhưng không được sai lệch với giá trị nguyên gốc, phải bảo tồn phát triển trên cơ sở chọn lọc…

* 3 năm nay, Bộ VH,TT&DL đã quán triệt không cấp phép tổ chức lễ hội chọi trâu, trừ những lễ hội đã được công nhận di sản quốc gia. Nhưng được biết vài địa phương vẫn xin cấp phép lễ hội này, vậy quan điểm của Bộ như thế nào về vấn đề này?

- Quan điểm của Bộ VH,TT&DL trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2015, 2016 là đã rõ ràng. Chúng tôi đã có văn bản yêu cầu các địa phương không cấp phép mới các loại hình lễ hội có yếu tố bạo lực trong đó có chọi trâu, và cũng không cấp phép phục dựng với các địa phương có hồ sơ xin phục dựng. Cơ bản các địa phương đã chấp hành nghiêm chỉnh quy định này.

* Xin cảm ơn bà!

Gia đình chủ trâu bị nạn có gia cảnh nghèo khó

“Chính quyền địa phương báo cáo rằng việc tổ chức lễ hội mang lại rất nhiều nguồn lợi cũng như quảng bá xúc tiến du lịch, nhưng quan trọng hơn nếu mang lại giá trị lợi ích cho cộng đồng, thực tế chúng tôi lại thấy rằng gia đình chủ trâu bị mất có gia cảnh nghèo khó, thương tâm...”. (Bà Trịnh Thị Thủy)

Thực tế đi xa so với di sản

“Việc tổ chức như hiện nay đang đi xa so với di sản được công nhận: nào là thịt trâu bán với giá cao, phó thác cho chủ trâu nuôi trâu, gọt sừng trâu cho sắc để gây hại cho đối phương, biểu hiện sự ganh đua, kích động, cá cược, tiêm chất kích thích, thu tiền với các chủ trâu tham gia lễ hội…”. (Bà Trịnh Thị Thủy)

Kết quả thăm dò trên Thể thao & Văn hóa (TTXVN) tính đến 18h30 ngày 4/7 về lễ hội chọi trâu Đồ Sơn như sau:

- Ngừng tổ chức: 84%

- Vẫn tổ chức: 2%

- Phải hoàn thiện công tác tổ chức và bảo đảm an toàn: 12%

Ngọc Tường (ghi)
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN