TTVH Online

Chủ tịch nước Trần Đại Quang viết về ‘Tâm huyết trao đời’ của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký

02/07/2017 20:52 GMT+7

Cuốn tự truyện Tâm huyết trao đời vừa ấn hành có bài viết Tâm huyết trao đời, cuốn sách truyền cảm hứng trân trọng, tình cảm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang dành cho Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký.

(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn tự truyện Tâm huyết trao đời vừa ấn hành có bài viết Tâm huyết trao đời, cuốn sách truyền cảm hứng của Chủ tịch nước Trần Đại Quang dành cho Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhận xét: “Với tâm huyết cháy bỏng của mình, thông qua mỗi câu chuyện kể, Nhà giáo Ưu tú, Nhà văn Nguyễn Ngọc Ký cũng “trao đời” những bài học kinh nghiệm sâu sắc, đúc rút từ chính cuộc đời mình – người thầy dạy học, viết văn bằng chân đầu tiên ở Việt Nam, với tư duy đổi mới về dạy và học, về đào tạo phát triển toàn diện con người. Đó không chỉ là những chắt lọc mang tính chuyên môn mà còn là tâm hồn, tình cảm, nhân cách cao đẹp của một nhà giáo chân chính, có sức lan tỏa tích cực trong xã hội”.

Thể thao & Văn hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang:

Mấy chục năm qua, tấm gương Nguyễn Ngọc Ký đã được các thế hệ thanh niên, học sinh ở nước ta trân trọng, cảm phục như một trong những điển hình sáng ngời về nghị lực vượt lên số phận tật nguyền, để sống có ích và giúp ích cho mọi người, cho đất nước.

Chú thích ảnh
Cuốn tự truyện Tâm huyết trao đời vừa ấn hành nhân dịp Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký mừng thọ tuổi 70

Nguyễn Ngọc Ký sinh ra và lớn lên ở Hải Hậu, Nam Định – vùng đất giàu truyền thống văn hiến và hiếu học. Lên 4 tuổi, không may bị bệnh, liệt cả hai tay, Nguyễn Ngọc Ký không còn điều kiện để được ăn, học, vui chơi, phát triển như bao đứa trẻ bình thường khác. Nhưng không đầu hàng số phận, Nguyễn Ngọc Ký đã kiên trì khổ luyện, tập viết bằng chân, tập làm việc, sinh hoạt bằng chân, thay đôi tay đã bị tàn phế; được đến trường đi học, phấn đấu trở thành học sinh giỏi, hai lần được Bác Hồ tặng Huy hiệu cao quý của Người; rồi anh thi đỗ đại học, mở cánh cửa vào đời bằng… đôi chân kỳ diệu.

Gần năm mươi câu chuyện trong cuốn tự truyện “Tâm huyết trao đời”, bao quát khoảng thời gian từ lúc chàng sinh viên Nguyễn Ngọc Ký tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, theo lời khuyên của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về quê dạy học, trở thành giáo viên dạy giỏi của toàn ngành, đến khi là cán bộ xuất sắc của Phòng Giáo dục Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, nghỉ hưu năm 2005… càng giúp bạn đọc thêm ngưỡng mộ một con người tuy bị tàn tật về thân thể, nhưng mạnh mẽ về trí tuệ, tinh thần, có lòng tha thiết yêu đời, yêu nghề, kiên cường vượt lên thử thách nghiệt ngã của số phận và đã làm nên những điều tuyệt vời mà không phải ai cũng có thể làm được.

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nhận xét: "Nhà giáo Ưu tú, Nhà văn Nguyễn Ngọc Ký cũng “trao đời” những bài học kinh nghiệm sâu sắc, đúc rút từ chính cuộc đời mình – người thầy dạy học, viết văn bằng chân đầu tiên ở Việt Nam"

Với tâm huyết cháy bỏng của mình, thông qua mỗi câu chuyện kể, Nhà giáo Ưu tú, Nhà văn Nguyễn Ngọc Ký cũng “trao đời” những bài học kinh nghiệm sâu sắc, đúc rút từ chính cuộc đời mình – người thầy dạy học, viết văn bằng chân đầu tiên ở Việt Nam, với tư duy đổi mới về dạy và học, về đào tạo phát triển toàn diện con người. Đó không chỉ là những chắt lọc mang tính chuyên môn mà còn là tâm hồn, tình cảm, nhân cách cao đẹp của một nhà giáo chân chính, có sức lan tỏa tích cực trong xã hội.

Nguyễn Ngọc Ký tự kể về mình

Nguyễn Ngọc Ký tự kể về mình

NXB Trẻ vừa ấn hành cuốn sách tập hợp các bài viết của NGƯT Nguyễn Ngọc Ký mang tên Những tâm hồn dấu yêu. Cuốn sách có nhiều bài viết như những tự truyện về cuộc đời tác giả.

Chính những ưu điểm trên, cuốn “Tâm huyết trao đời” của Nhà giáo Ưu tú, Nhà văn Nguyễn Ngọc Ký như người bạn hiền, luôn khích lệ bạn đọc mỗi khi họ phải đối mặt với khó khăn, thử thách. Cuốn sách cũng truyền cảm hứng yêu đời, luôn phấn đấu vượt lên chính mình, cho các thế hệ học sinh hôm nay và mai sau".

Hoàng Nhân

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN