TTVH Online

Paolo Maldini yêu banh nỉ, quyết xây đam mê ở tuổi 49

26/06/2017 13:46 GMT+7

Hôm nay (26/06), đúng vào sinh nhật thứ 49 của mình, huyền thoại bóng đá Paolo Maldini đánh dấu một cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp thể thao bằng việc tham dự Aspria Tennis Cup, một giải quần vợt nằm trong hệ thống ATP Challenger Tour.

(Thethaovanhoa.vn) – Hôm nay (26/06), đúng vào sinh nhật thứ 49 của mình, huyền thoại bóng đá Paolo Maldini đánh dấu một cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp thể thao bằng việc tham dự Aspria Tennis Cup, một giải quần vợt nằm trong hệ thống ATP Challenger Tour.

Anh là ngôi sao từng 5 lần vô địch châu Âu, là thủ quân mẫu mực của AC Milan và đội tuyển Italy, là người mẫu điển trai của hãng H&M, và bây giờ, anh còn là một tay vợt chuyên nghiệp nữa. Chuyện về Paolo Maldini giống như một bức tranh với những gam màu thú vị.

Không phải trò đùa

Paolo từng quả quyết rằng sẽ không bao giờ bước chân vào nghiệp huấn luyện sau khi treo giày như người cha quá cố Cesare Maldini. Nhưng nếu có thông tin cựu danh thủ này dẫn dắt AC Milan, thì hẳn nó cũng không bất ngờ bằng việc anh trở thành tay vợt chuyên nghiệp, ở tuổi... 49. Đó gần như một câu chuyện cổ tích.

Tháng 5/2015, Maldini đã trở thành đồng sở hữu của Miami FC, cùng với tỷ phú Ricardo Silva. Nhưng tham vọng của anh sau khi treo giày không liên quan gì tới sân cỏ. Đó là tham vọng trở thành một tay vợt chuyên nghiệp, và anh theo đuổi nó với sự háo hức của một chiến binh đã dành một phần tư thế kỷ của cuộc đời trong màu áo Milan. Hồi năm 2009, ở thời điểm mới treo giày, anh đã thử theo đuổi môn... quyền Anh, nhưng không lâu sau đã nhận ra rằng quần vợt mới là sở trường và mang lại đam mê thực sự. Nghe có vẻ kỳ quặc nhưng đúng là Maldini đã bước vào quần vợt ở độ tuổi ngoại tứ tuần, khi mà các tay vợt nhà nghề đều đã giải nghệ

“Pablo được trời phú những pha giao bóng tốt, bên cạnh một số cú dứt điểm nguy hiểm”, Stefano Landonio – đồng đội đánh đôi kiêm HLV của Maldini – trả lời phỏng vấn của Il Tennis Italiano, “Anh ấy cũng đang cải thiện khả năng volley, và dù không có một cú quả đặc biệt nào, nhưng anh ấy cũng không có bất cứ một điểm yếu nào”.

Chú thích ảnh
Maldini và người đồng đội Stefano Landonio, tại giải Aspri Milano, một giải đấu của ATP Challenger Tour

Tất nhiên, không có chuyện mùa hè này, Maldini sẽ tham dự Wimbledon, và việc tham dự Grand Slam chắc chắn là giấc mơ không tưởng đối với anh. Nhưng đối với một cây vợt tay ngang và bắt đầu từ quá muộn như anh, việc tham dự Aspria Tennis Cup 2017 thuộc hệ thống Challenger Tour, cùng với Landonio – một tay vợt từng xếp hạng cao nhất là 975 thế giới (dưới cả... Lý Hoàng Nam) – cũng được xem là một kỳ tích.

Paolo Maldini vượt vòng loại tennis chuyên nghiệp, tham vọng dự Wimbledon

Paolo Maldini vượt vòng loại tennis chuyên nghiệp, tham vọng dự Wimbledon

Paolo Maldini cùng người đánh cặp Stefano Landonio đã vượt qua vòng loại tennis chuyên nghiệp ở nội dung đôi nam để tham giành quyền tham dự Milan Open. Nếu có thành tích tốt, cặp đôi này hoàn toàn có thể mơ tới Wimbledon

Lấn sân, chuyện không mới

Mặc dù khá đặc biệt, song thật ra, việc Maldini lấn sân sang môn thể thao khác không phải là trường hợp duy nhất của làng túc cầu thế giới. Thực tế cũng có không ít những vận động viên có những phẩm chất đặc biệt ở môn thể thao mà mình không theo đuổi chuyên nghiệp.

Cựu danh thủ Man United và đội tuyển Anh Phil Neville là một trong những cầu thủ cricket xuất sắc trong hệ thống trường học của nước Anh. Nếu không vì tình yêu với trái bóng và Man United (anh gia nhập đội trẻ Quỷ đỏ năm 13 tuổi), có thể Phil sẽ là một cầu thủ cricket xuất sắc. Ở chiều ngược lại, Sir Ian Botham, huyền thoại trong làng cricket Anh, chơi bóng đá không tồi. Ông là trung vệ của Yeovil Town (1978-80), Scunthorpe United (1980-85), và từng thi đấu 11 trận ở Football League.

Chú thích ảnh
Maldini không phải là VĐV đầu tiên lấn sân sang môn thể thao khác

Một trong những trường hợp đặc biệt nhất về lấn sân là Rebecca Romero, người từng giành HCB về chèo thuyền tại Olympic Athens 2004 và vô địch thế giới năm 2005, nhưng sau đó đã chuyển sang đua xe đạp và thậm chí còn giành HCV ở Olympic Bắc Kinh 2008 cũng như 2 HCV ở giải VĐTG cùng năm ấy. “Tôi đã phải mất 10 tháng để được mọi người công nhận là một cua-rơ, thay vì một VĐV chèo thuyền đạp xe”, Rebecca nhớ lại.

Tất nhiên, không phải ai cũng thành công khi lấn sân. Cựu VĐV chạy nước rút Dwain Chambers đã không tạo được chút ấn tượng nào ở rugby và NFL, còn Justin Gatlin đã nhận ra rằng chạy nhanh không có nghĩa là có thể thành công với môn bóng đá kiểu Mỹ. Ngôi sao cricket Andrew Flintoff, từng thắng trận quyền Anh duy nhất, nhưng giới chuyên môn cho rằng anh không có đủ kỹ năng của một tay đấm nhà nghề.

Landonio bảo rằng kỹ thuật của Maldini vẫn còn khá thô ráp, nhưng chính điều đó đã làm tăng thêm vẻ đẹp của sự đam mê mà anh dành cho quần vợt. Maldini hoàn toàn có thể sống với những vinh quang quá khứ, nhưng anh đã chứng tỏ rằng việc theo đuổi một niềm đam mê mới không bao giờ là quá muộn.

Phương Chi
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN