TTVH Online

Báo chí thể thao với bài toán tồn tại hay không tồn tại?

21/06/2017 13:43 GMT+7

Cái ngày xưa huy hoàng chỉ mới đây thôi, nhưng chắc chắn chả "bao giờ cho tới ngày xưa" khi báo chí và công nghệ đã thay đổi đến chóng mặt. Với làng báo chí thể thao trong nước lúc này có lẽ câu danh ngôn bất hủ - Tồn tại hay không tồn tại? (To be, or not to be?) là hợp cảnh, hợp người hơn cả.

(Thethaovanhoa.vn) - Cái ngày xưa huy hoàng chỉ mới đây thôi, nhưng chắc chắn chả "bao giờ cho tới ngày xưa" khi báo chí và công nghệ đã thay đổi đến chóng mặt. Với làng báo chí thể thao trong nước lúc này có lẽ câu danh ngôn bất hủ - Tồn tại hay không tồn tại? (To be, or not to be?) là hợp cảnh, hợp người hơn cả.

Thời của "mì ăn liền"

Lịch sử báo chí thể thao Việt Nam (báo giấy) cũng dài tới 87 năm nếu lấy dấu mốc từ tờ báo chuyên về thể thao đầu tiên - Nam Kỳ thể thao, số 1 ấn hành vào ngày 8/5/1930. Nhưng có lẽ, thời cực thịnh thì chưa đâu xa, mới chỉ cuối thập niên 90 và đầu những năm 2000, cái thời mà báo chí thể thao đi tiên phong trong làng báo chí nước nhà.

Internet và sự phát triển của công nghệ hỗ trợ cho tất cả các khâu sản xuất là nguyên nhân chính giúp báo chí thể thao bùng nổ (về số lượng) trong giai đoạn này. Hơn chục đầu báo thể thao xuất hiện trên sạp vào mỗi sáng sớm, đó là chưa kể nhiều báo chẳng chuyên ngành cũng ra riêng một tờ thể thao, hoặc Tin nhanh mỗi dịp có sự kiện thể thao quốc tế lớn như: World Cup, Euro, SEA Games... Báo ngày, Tin nhanh chưa hết, còn có cả tờ Thể thao buổi chiều!

Đấy cũng là thời kỳ kinh tế trong nước phát triển, cộng thêm nhu cầu tiếp cận thông tin, đặc biệt là thể thao từ người hâm mộ, nên chẳng quá lời khi nói đây là giai đoạn Vàng của báo chí thể thao. Theo ước tính không chính thức, thời cao điểm, trên toàn quốc có khoảng 300.000 đến 500.000 ngàn bản được phát hành mỗi ngày trên toàn quốc với số lợi nhuận là cực lớn. Nghề phóng viên thể thao thành nghề hot, hút số lớn sinh viên báo chí ra trường, trong khi làm ra tờ báo lại dễ như kiểu... mì ăn liền!

Chú thích ảnh
Phóng viên tác nghiệp tại hiện trường

Nhưng rồi thì ngày vui cũng qua mau bởi lẽ - Cái gì dễ đến thì cùng dễ đi! Cơn khủng hoảng báo giấy đến với làng báo thể thao sớm hơn cả. Tira (số lượng phát hành) bắt đầu giảm, quảng cáo ít đi... không đủ bù đắp chi phí xuất bản cũng như giấy mực, công in. Chuyện các tòa soạn chậm, rồi nợ nhuận bút, lương bổng trở nên... phổ biến. Nhiều biện pháp chữa cháy được tiến hành như: Giảm trang, giảm kỳ, giảm giá... nhưng cũng chẳng mang lại kết quả.

Tới lúc này, số báo giấy thể thao tròm trèm 1 bàn tay, nhưng hầu hết chỉ là tồn tại theo đúng nghĩa đen.

Vật vã tìm lối ra

Ngoài tác động chung từ cơn thoái trào của báo giấy, cũng phải thừa nhận rằng, chính cách làm kiểu "mỳ ăn liền" đã làm hại chính làng báo thể thao. Từ nội dung đến hình thức "na ná" lẫn nhau theo kiểu đồng phục khiến các báo đánh mất bản sắc. Và cũng chính internet khiến các tờ báo thể thao trở nên lạc hậu khi độc giả dễ dàng tiếp cận nhanh hơn, đầy đủ hơn thông tin thể thao trên chính môi trường này...

Báo giấy ngày càng "teo" lại, ai cũng rõ. Nhưng ngay cả lúc này khi làng thể thao chuyển qua làm báo điện tử cũng vấp phải đầy khó khăn thách thức khi bị sức ép từ các mạng xã hội và áp lực bằng mọi cách để có, có thật nhiều view mới hy vọng tìm kiếm được quảng cáo, hoặc chí ít kiếm được quảng cáo từ Google. Rồi chỉ vì view để cùng hướng đến cái đích – Kiếm tiền từ quảng cáo, PR, nên cuộc đua ngày càng khốc liệt và nó cũng là cái hệ lụy nảy sinh ra những kiểu làm báo “copy and paste”; “fake news”, “bán cái”…

Đó là chưa kể đến việc "có view" bằng mọi cách cũng khiến chi phí sản xuất tăng cao chẳng kém gì chi phí để sản xuất báo giấy, bên cạnh đó là áp lực mới từ chuyện bản quyền ngoài càng bị siết chặt.

Ông bầu Đỗ Quang Hiển: 'Mặt trận báo chí thể thao cũng rất nghiệt ngã'!

Ông bầu Đỗ Quang Hiển: 'Mặt trận báo chí thể thao cũng rất nghiệt ngã'!

Dù xuất hiện muộn so với nhiều doanh nghiệp khác nhưng ông Đỗ Quang Hiển đã để lại nhiều dấu ấn. Xét mặt nào đó, hấp lực của ông bầu họ Đỗ mỗi lần xuất hiện trên các sân cỏ không thua kém bất cứ “ngôi sao” thể thao nào.

Tìm lối ra đương nhiên không phải câu chuyện dễ và riêng gì của báo chí thể thao mà của chung báo chí toàn cầu. Cho tới giờ, có nhiều, nhưng cũng chẳng ai dự báo chính xác nổi đâu là xu hướng báo chí tương lai. Nhưng có lẽ, để tìm được lối ra, thì cần nhìn vào chính đối thủ số 1 - Mạng xã hội. Nếu trước đây, báo chí đã mang cả thế giới đến cho bạn đọc, thì nay, mạng xã hội lại đưa từng cá nhân ra với thế giới. Vậy nên, nếu không kết nối được với bạn đọc, tương lai tồn tại báo chí thể thao càng mù mịt hơn bất chấp ở loại hình nào.

Vũ Minh

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN