TTVH Online

Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện: Xin nhận trách nhiệm những lỗi sai sơ đẳng

13/06/2017 15:05 GMT+7

Theo chương trình kỳ họp thứ 3, từ 15.05’, ngày 13/6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

(Thethaovanhoa.vn) - Theo chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV, chiều 13/6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Nội dung chất vấn gồm: Vấn đề quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao; tổ chức lễ hội; Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội; Công tác quản lý và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch ngành du lịch.

Bộ trưởng Bộ VH TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện báo cáo: Trong thời gian qua, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các vận động viên, văn nghệ sĩ cả nước đã nỗ lực phấn đấu đạt được một số kết quả trên các lĩnh vực như công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, có chuyển biến trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, các hoạt động văn học, nghệ thuật, triển lãm, tuyên truyền cổ động đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của nhân dân, đóng góp vào thành công các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước.

Thể thao Việt Nam dành được nhiều thành tích cao tại các giải khu vực châu lục và thế giới, có huy chương vàng Olympic. Du lịch đạt kết quả tăng cao, trong năm 2016 tăng 27%, 5 tháng đầu năm 2017 đã đón hơn 5,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý nhà nước của ngành vẫn tồn tại nhiều hạn chế và bất cập, chưa đáp ứng kỳ vọng và mong đợi của nhân dân và cử tri cả nước. Từ đầu nhiệm kỳ đến trước kỳ họp thứ 3, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được 83 nội dung kiến nghị của cử tri.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Về tình trạng du lịch chui theo Bộ trưởng, có thể nói rằng thời gian vừa qua ngành du lịch có những tiến bộ, nhưng có nhiều hạn chế, tồn tại, đặc biệt đối với các hướng dẫn viên du lịch và một số hướng dẫn viên du lịch chui. Có nghĩa là hướng dẫn viên du lịch không được cấp thẻ nhưng vẫn hành nghề hướng dẫn viên du lịch. Sự việc này xảy ra ở các thành phố như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh và nhiều thành phố khác, đặc biệt vào những mùa vụ, khi du lịch nở rộ, lúc này lượng khách du lịch của một số nước tăng đột biến. Ví dụ, khách Trung Quốc, Nga tăng đột biến, một số thị trường khách ngôn ngữ rất hiếm, chúng ta chủ yếu phổ biến là tiếng Trung, Anh, Pháp, còn các thứ tiếng khác rất hiếm.

Tình hình đó xuất hiện du lịch chui, hiện nay cả nước có 18.960 hướng dẫn viên du lịch, trong đó có hơn 11 nghìn là quốc tế và gần 8 nghìn là nội địa, so với lượng khách trên 10 triệu quốc tế và 62 triệu  lượt nội địa. Số lượng này đã đủ nhưng nó sẽ mất cân đối về ngôn ngữ, mất cân đối rất lớn về ngôn ngữ. Có nhiều thị trường gần như khi khách vào không có hướng dẫn viên cho nên dẫn đến công tác lữ hành của chúng ta xảy ra thiếu hụt tình trạng hướng dẫn viên cục bộ. Để xử lý tình trạng đó, bộ đã có một số giải pháp.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng thành phố Móng Cái tháo dỡ biển kinh doanh của một điểm vi phạm, hoạt động thương mại, du lịch chui. Ảnh: Văn Đức - TTXVN

Thứ nhất, quản lý việc cấp thẻ hướng dẫn viên và công khai giám sát hướng dẫn viên được cấp thẻ trên trang web hướng dẫn viên.

Thứ hai, ban hành các văn bản chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch trên toàn quốc sẽ phạt nặng các tình trạng các công ty lữ hành sử dụng hướng dẫn viên không phép, hoặc hoạt động chui sẽ phạt nặng. Đưa ra các giải pháp để giải quyết như tập trung đào tạo cấp thẻ hướng dẫn viên, bổ sung cho những địa điểm có khách du lịch tăng cao. Tăng cường sử dụng hướng dẫn viên từ các địa phương khác đến làm việc. Phát triển đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên tại địa phương để phối hợp hướng dẫn viên suốt tuyến, giới thiệu và phục vụ khách du lịch. Để khắc phục tình trạng này, trong Luật du lịch (sửa đổi), chúng tôi có đề nghị đưa vào tiêu chuẩn hướng dẫn viên, rất mong Quốc hội chấp nhận và thông qua điều này. Sẽ góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt hướng dẫn viên.

Đối với vấn đề về di tích, trong báo cáo của bộ đã gửi cung cấp thông tin, cả nước ta hiện nay có khoảng hơn 40.000 di tích được kiểm kê. Trong đó có 3.300 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Gần 1.000 di tích được xếp hạng quốc tịch. Hầu hết di tích được làm bằng gỗ tồn tại trong môi trường nhiệt đới nóng ẩm nhiều côn trùng, mối phá hoại, cho nên di tích xuống cấp. Trong bối cảnh đó chúng ta phải có nguồn để đầu tư tôn tạo, bảo tồn và trùng tu di tích.

Có thể nói, từ giai đoạn 2011 - 2015 chúng ta có chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, trong đó có chương trình để trùng tu và bảo tồn di tích. Chương trình này là một nguồn lực không nhiều nhưng nó cũng giúp cho công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích, đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể như Hội An, Huế và rất nhiều nơi khác được bảo tồn như Hoàng thành Thăng Long và nhiều địa phương khác.

Chú thích ảnh
Chùa Nôm ở làng Nôm thuộc xã Đại Đồng (Văn Lâm, Hưng Yên) có tên tự là “Linh thông cổ tự” có quy mô diện tích lên tới 15 ha. Đây chính là một quần thể di tích lịch sử văn hoá được bảo tồn, tôn tạo tốt. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Tuy nhiên tình hình hiện nay, từ năm 2016 - 2017, không còn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa mà chỉ còn chương trình mục tiêu phát triển văn hóa. Chương trình này sẽ không có một nguồn vốn tập trung để đầu tư đồng bộ mà chương trình này sẽ được giao về cho các địa phương. Ở địa phương nào gặp khó khăn về nguồn lực đầu tư và ưu tiên cho những di sản văn hóa, đặc biệt nên công tác trùng tu và tôn tạo di tích từ Trung ương phân bổ cho các địa phương, nhất là nguồn tu bổ văn hóa thì hiện nay không còn.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là phải xã hội hóa, huy động các nguồn lực từ xã hội, đặc biệt là những doanh nghiệp trong trùng tu, tôn tạo di tích và phải gắn việc bảo tồn, tôn tạo và khai thác.

Đối với vấn đề liên quan đến nghệ thuật truyền thống. Có thể nói rằng, nghệ thuật truyền thống là một trong những di sản văn hóa đặc sắc và quý báu của dân tộc, liên quan đến tuồng, chèo, cải lương, múa rối, từ Bắc vào Nam như quan họ Bắc Ninh, hát dặm Nghệ Tĩnh, ca Huế và dân ca Nam Bộ cũng như các loại hình truyền thống khác rất phong phú và đa dạng. Trách nhiệm hiện nay về vấn đề bảo tồn này là trách nhiệm rất lớn.

Các loại hình này hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, bởi khán giả thì ít đến để thưởng thức các loại hình truyền thống này và đặc biệt là mua vé để ủng hộ cũng như để xem thì cũng rất ít, nên tiền thu từ bán vé hay từ các nguồn thu khác đối với loại hình nghệ thuật truyền thống này hiện nay rất thấp.

Chú thích ảnh
Nghệ thuật truyền thông được đưa vào Nhà hát Lớn thường xuyên

Đời sống văn nghệ sĩ gặp rất nhiều khó khăn và có lẽ tất cả liên quan đến nhà hát kể cả Trung ương, kể cả địa phương, liên quan đến loại hình nghệ thuật này thì gặp rất nhiều khó khăn. Chúng ta cũng biết rằng, đời sống văn nghệ sĩ cũng rất khó khăn. Đây là một thực trạng.

Vừa qua, bộ cũng đã có chủ trương làm thế nào để giới thiệu, quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống này trên cả nước để đưa khán giá đến với nghệ thuật truyền thống vì đây là di sản đặc biệt, di sản của dân tộc. Cho nên chúng tôi cũng đã tổ chức các hoạt động ở Nhà hát lớn Hà Nội, các nhà hát chèo, nhà hát cải lương, nhà hát tuồng và đưa vào những vở diễn hay nhất để phục vụ đông đảo khán giả. Điều rất mừng và quan họ Bắc Ninh cũng đã về Nhà hát lớn, chèo cũng đã về Nhà hát lớn để quảng bá, giới thiệu loại hình văn hóa truyền thống này đối với nhân dân để làm quen dần. Chúng tôi rất mừng, khán giả đến xem rất đông.

Tuy nhiên, những kết quả bước đầu cũng chưa nói lên được tương lai của nó như thế nào. Chúng tôi đang có gắng làm từng bước, phải làm nhiều hơn đối với loại hình nghệ thuật truyền thống này. Đương nhiên còn rất nhiều các giải pháp để bảo tồn.

Cũng rất mong trong nguồn kinh phí hạn hẹp thì hiện nay loại hình nghệ thuật truyền thống này, các nhà hát của Trung ương thì Bộ có phân bổ kinh phí. Riêng các nhà hát của địa phương thì do ngân sách của địa phương phân bổ kinh phí. Rất mong các địa phương hết sức quan tâm đến loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Đối với về vấn đề năng lực cán bộ và giải pháp của Bộ. Thực sự mà nói những sự việc xảy ra vừa rồi trước hết là do năng lực cán bộ và cũng khẳng định nếu như năng lực cán bộ tốt thì đã không xảy ra những chuyện như vậy trong quản lý. Vấn đề liên quan đến thu hồi 5 bài hát không cấp phép,  tôi sẽ giải thích sau. Việc thu hồi 5 bài hát sau đó cho lưu hành lại.

Liên quan đến vấn đề cập nhật 324 bài hát lên website có những cái sai, những cái sai không đáng có. Sai về nghiệp vụ, người ta không yêu cầu cập nhật bài hát đó thì mình lại cập nhật, cập nhật lại vào sai mục, cập nhật vào mục cấp phép, tức là sai những nghiệp vụ rất sơ đẳng của quản lý nhà nước. Những sự việc xảy ra liên quan đến Tổng cục Du lịch v.v... Những vấn đề khác thì chúng tôi cũng đã nhận trách nhiệm và chúng tôi đã đề ra các giải pháp.

Hiện nay, chúng tôi đã tiến hành kiểm điểm trách nhiệm, xác định làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân tại đâu và trên cơ sở đó thì sẽ có các giải pháp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, nâng cao đạo đức nghiệp vụ, cần phải thuyên chuyển. Những giải pháp này hiện nay chúng tôi đang làm.

Đối với vấn đề liên quan đến quy hoạch tổng thể vùng duyên hải, quy hoạch này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2350 ngày 24/12/2014 phạm vi điều chỉnh là từ thành phố Đà Nẵng đến Bình Thuận, xin báo cáo với đại biểu Phúc nội dung này như vậy.

Liên quan đến vấn đề lễ hội thì có thể nói lễ hội là một nét đẹp văn hóa và nước ta có gần 8000 lễ hội, nhất là những ngày đầu xuân thì lễ hội khắp nơi và nhìn chung các lễ hội đều diễn ra an toàn, trật tự và văn hóa.

Tuy nhiên, có một số lễ hội còn có những biểu hiện phản cảm, nhưng năm vừa qua, các loại hình, các tổ chức lễ hội có tốt hơn, các lễ hội phản cảm giảm bớt như ở Bắc Ninh, Phú Thọ và nhiều nơi khác. Tuy nhiên, giải pháp ở đây thì có mấy giải pháp báo cáo các đại biểu cần phải tiếp tục đẩy mạnh, làm tốt công tác nhà nước về lễ hội và liên quan đến lễ hội thì Chính phủ giao cho bộ, xây dựng nghị định quản lý về lễ hội, vì hiện nay về lễ hội cụ thể chưa có nghị định nào và các loại hình lễ hội.

Đây là nhiệm vụ quan trọng, đối với các địa phương thì nâng cao vai trò, trách nhiệm trong quản lý lễ hội rồi các ban quản lý lễ hội cũng phải làm tốt hơn trách nhiệm của mình, những người dân tham gia lễ hội cũng có ý thức hơn và đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu nguồn gốc, giá trị của lễ hội, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Đó là một số giải pháp để chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong tổ chức lễ hội hiện nay.

Liên quan đến quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà, đây là sự việc vừa rồi rất nóng, cho phép tôi báo cáo cụ thể hơn một chút về dự án này. Về cơ sở Luật quy hoạch thì căn cứ vào Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong nghị quyết này có nêu thành phố Đà Nẵng phối hợp Bộ Quốc phòng xây dựng các phương án kết hợp kinh tế quốc phòng với Quốc phòng trên các địa bàn chiến lược của thành phố. Đặc biệt là bán đảo Sơn Trà, Hải Vân phục vụ cho phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch, dịch vụ gắn với quốc phòng, an ninh, trừ một số khu vực có các công trình phòng thủ.

Căn cứ thứ hai, chiến lược, quy hoạch tổng thể và phát triển khu du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định, bán đảo Sơn Trà là một trong 47 địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia. Căn cứ vào hai văn bản đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với sự thống nhất của thành phố Đà Nẵng đã tiến hành cho phép lập quy hoạch bởi đã là khu du lịch quốc gia thì phải quy hoạch đầu tiên.

Quá trình lập quy hoạch năm 2014, bộ đã lập quy hoạch và năm 2016 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong quá trình lập quy hoạch bộ đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ở tất cả các khâu từ lập đề cương nhiệm vụ, khảo sát thực địa, thu thập thông tin, tài liệu đến hình thành ý tưởng phát triển và dự thảo quy hoạch.

Sau đó, bộ cũng đã gửi dự thảo quy hoạch và nhận được ý kiến, góp ý của 11 bộ, ngành liên quan gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng và thành phố Đà Nẵng. Các ý kiến cơ bản thống nhất với Dự thảo quy hoạch và sau khi tiếp thu giải trình ý kiến các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, bộ đã tổ chức thẩm định, hoàn thiện đề án quy hoạch theo kết luật của Hội đồng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hội đồng thẩm định gồm các chuyên gia và lãnh đạo các cơ quan liên quan.

Có thể khẳng định rằng quy hoạch đã được lập và trình, phê duyệt theo đúng trình tự và thủ tục thẩm quyền, phù hợp với quy định của Luật du lịch và quy định của pháp luật có liên quan. Chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam và điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tôi xin nói rõ thêm một vài ý liên quan. Nội dung trong quy hoạch, quy hoạch bán đảo Sơn Trà có 4.439 hecta và quy hoạch này sẽ điều chỉnh là 1.056 hecta, bởi vì để quy hoạch du lịch quốc gia thì không thể thêm 1000 ha. Với tính chất của một đồ án quy hoạch tổng thể, định hướng phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà là phát triển sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao. Du lịch văn hóa tâm linh gắn với mục tiêu bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo đảm an ninh quốc phòng.

Trong nội dung quy hoạch có rất nhiều ý, trong báo cáo dài, nhưng có một nội dung là trước khi lập quy hoạch, Đà Nẵng đã cấp cho 25 dự án, trong đó có 18 dự án du lịch và 11 dự án đã được cấp phép với số lượng là 5.049 phòng.

Tóm lại, trước khi làm quy hoạch, Đà Nẵng đã cấp phép cho đầu tư chừng đó. Khi làm quy hoạch, tư vấn cũng như chuyên gia, bộ yêu cầu từ 5,049 xuống còn 1.600 phòng. 1600 phòng này còn nhiều ý kiến, nhưng đã cắt đến mức như vậy, còn lại các nội dung khác giữ nguyên, tức là tuân thủ, không có gì phát sinh trong này.

Vừa rồi có ý kiến của công luận, nhân dân, chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, chúng tôi đã xin ý kiến và thấy rằng trong quá trình vừa rồi, từ khi có dư luận đấy xảy ra, có thể khẳng định tôi là Bộ trưởng, tôi luôn trăn trở. Ở Huế trước đây có một dự án tương tự là đồi Vọng Cảnh, chúng tôi thấy thấm thía bài học này. Lần này chúng tôi đã lắng nghe tất cả các ý kiến, họp với anh em trong lãnh đạo của bộ, Tổng cục Du lịch, mình phải tiếp thu các ý kiến trên như thế nào.

Tinh thần chung là sau cuộc hội thảo vừa rồi, có chuyện không hay xảy ra thì chúng tôi đã tiếp thu, nghiên cứu, với tinh thần cầu thị, lắng nghe. Quan điểm của chúng tôi về phát triển du lịch ở Đà Nẵng, quy hoạch Sơn Trà đã báo cáo Thủ tướng và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là sẽ phát triển bền vững, có trách nhiệm bảo vệ các giá trị nổi bật về đa dạng sinh học rừng, biển, sinh thái môi trường của Sơn Trà. Gắn với phát triển và bảo tồn nhưng ưu tiên cho bảo tồn, giảm tối đa số lượng phòng khách sạn trong quy hoạch. Hiện nay 1.600, có thể giảm xuống tối đa, còn tối đa là bao nhiêu sẽ căn cứ vào tình hình sẽ làm việc cụ thể, nhưng tinh thần là giảm, ưu tiên cho bảo tồn, vì lợi ích của nhân dân Đà Nẵng cũng như nhân dân cả nước.

Còn xử lý các dự án, bây giờ có hơn 5.000 mà cắt xuống không biết bao nhiêu, có thể rất thấp, trách nhiệm xử lý dự án này theo quy định pháp luật là của thành phố Đà Nẵng. Đương nhiên trong quá trình xử lý bộ cũng phối hợp với Đà Nẵng để xử lý. Đó là những nội dung tôi xin báo cáo về quy hoạch Sơn Trà trong thời gian vừa rồi.

Về vấn đề quản lý và cấp phép, như Đại biểu Tất Thắng có nói trong báo cáo của Bộ gửi đại biểu Quốc hội nói "toàn cấp phép". Vì theo yêu cầu của Tổng thư ký kỳ họp là nói về quản lý và cấp phép. Chắc thời gian vừa rồi vấn đề quản lý cấp phép nóng nên yêu cầu chúng tôi báo cáo, không phải nội dung quản lý nhà nước của bộ chỉ có quản lý và cấp phép. Còn nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, du lịch, thể thao là lĩnh vực rất rộng.

Liên quan đến vấn đề xây dựng đạo đức, lối sống. Có thể nói đây là vấn đề rất lớn của đất nước, của Đảng, Nhà nước và Nghị quyết Trung ương 4 đã nói nhiều về vấn đề này. Nhưng riêng đối với quản lý nhà nước Nghị quyết Trung ương IX lần thứ 11 ban hành Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, trong đó đề cập rất đậm đến xây dựng đạo đức, lối sống, nếp sống của con người Việt Nam, nhưng vấn đề này là một vấn đề rất khó.

Với trách nhiệm quản lý nhà nước vì nghị quyết này là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, trình và phải có tổ chức thực hiện. Chúng tôi cũng đã xây dựng các chương trình, kế hoạch, các đề án để tổ chức thực hiện, nhưng hiện nay chỉ mới ban hành một số văn bản như chỉ thị về xây dựng đạo đức trong gia đình, đang tìm một chỉ thị của Ban bí thư liên quan đến vấn đề xây dựng đạo đức, lối sống.

Liên quan đến văn hóa doanh nghiệp, hình thành văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và cũng triển khai một số việc liên quan đến xây dựng văn hóa trong gia đình, văn hóa khu dân cư v.v... Tuy nhiên có thể nói rằng đây là một lĩnh vực lớn và rất khó nhưng nếu không làm bây giờ mà làm chậm thì chúng ta sẽ gặp những khó khăn sau này, cho nên vừa rồi chúng tôi đã triển khai. Liên quan đến vấn đề đạo đức, lối sống là như vậy.

Liên quan đến vấn đề bản quyền tác giả, trả lời ý kiến của đại biểu Ngọ Duy Hiểu Hà Nội. Bộ trưởng cho biết, việc thu và lập phí bản quyền hay nói cách khác là khi người sử dụng các bài hát của các nhạc sĩ sáng tác vì mục đích thương mại thì phải trả tiền. Nếu hát bình thường thì thôi, nhưng mục đích thương mại biểu diễn có thu tiền thì phải trả tiền cho tác giả. Đây là thực hiện theo Điều 26 và Điều 33 của Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và Điều 35 của Nghị định 100, các điều khoản được quy định trong Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 do yêu cầu của hội nhập quốc tế và được sửa đổi, bổ sung năm 2009 theo yêu cầu khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO, được thông qua tại Nghị quyết số 71 của Quốc hội ngày 29/11/2006 phê chuẩn Nghị định thư gia nhập hiệp định thành lập WTO của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tức là việc thu vừa rồi có cơ sở.

Tuy nhiên cách thu, hình thức thu đang còn một số vấn đề, như thu như thế nào, ai ủy quyền, trung tâm có căn cứ khoa học chưa, mức thu đã được thỏa thuận chưa, là những vấn đề về dân sự. Chính vì vậy sau đó chúng tôi đã yêu cầu trung tâm dừng thu để cùng nhau rà soát lại xem cách thu như vậy đã đúng chưa, khi nào làm theo đúng các quy định của pháp luật thì trung tâm mới tiếp tục thu. Đây là một trong những vấn đề rất quan trọng để xây dựng công nghiệp văn hóa và là một trong những nội dung của bản quyền tác giả.

Luật sở hữu trí tuệ hiện nay có thu ở khách sạn và một số quán cà phê, nhưng vừa rồi có dư luận và chúng tôi kiểm tra lại đề nghị trung tâm phải đảm bảo các thủ tục về cách thu, phương thức thu như thế nào. Riêng vấn đề này chúng tôi xin tiếp thu và có báo cáo giải trình cụ thể cho đại biểu Quốc hội và Quốc hội.

Tiếp theo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đăng đàn trong thời gian 10 phút để nói về các vấn đề các đại biểu quan tâm, đặc biệt Phó Thủ tướng tập trung nói về Sơn Trà:

Đây là vấn đề không chỉ các đại biểu Quốc hội quan tâm, tôi theo dõi trên mạng đi gặp taxi, xe ôm, hàng nước cũng hỏi về cái này. Thông tin rất nhiều chưa có lúc nào các cơ quan Nhà nước có những phát biểu đầy đủ và chính thức, tôi cho rằng đây cũng là một trọng điểm mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng là một kinh nghiệm. Khi làm một công việc gì nhất là có tính chuyên môn nhưng xã hội quan tâm, thì mình phải có những thông tin rất chính thức, rất đầy đủ và kịp thời.

Thứ nhất, Bộ trưởng đã nói tại sao phải có quy hoạch này, vì đây là căn cứ vào Luật du lịch quy định Thủ tướng phải phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch cả nước, trong đó có danh mục các đô thị du lịch và có danh mục các khu có tiềm năng để phát triển thành khu du lịch quốc gia, gọi tắt là các khu du lịch quốc gia. Dựa vào đề nghị của Đà Nẵng được công nhận là đô thị du lịch và có hai khu, du lịch quốc gia là khu Bà Nà và khu Sơn Trà, cũng theo quy định của Luật du lịch thì các khu du lịch quốc gia phải có diện tích 1.000 ha trở lên phải đón được khách du lịch 1 triệu người trở lên/năm và phải có cơ sở lưu trú. Đã là khu vực du lịch quốc gia thì phải quy hoạch do Thủ tướng duyệt. Quy hoạch này được xây dựng từ cuối năm 2013 đến 2016 thì trình và theo quy định của luật vì là quy hoạch ký xong rồi cũng chưa thực hiện ngay mà phải tổ chức công bố quy hoạch.

Ngày 15/02/2017 mới tổ chức công bố quy hoạch tại Đà Nẵng. Ngay sau khi quy hoạch được công bố thì đã có ý kiến của hiệp hội về quy hoạch này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tôi đã trực tiếp yêu cầu bằng văn bản là bộ và thành phố phải xem xét, tiếp thu các ý kiến đóng góp một cách rất cầu thị, khoa học và công khai. Tôi đã trực tiếp đi nhìn tận mắt những gì đã xây dựng, đang xây dựng và những gì cần phải bảo tồn ở Sơn Trà. Tôi đã đọc mấy trăm trang tài liệu, tôi đã mời kiến trúc sư trực tiếp làm đồ án này lên để hỏi, sau đó tôi đã quyết định để việc tiếp thu ý kiến được thật sự khách quan thì tạm dừng thực hiện quy hoạch này, thực chất là chưa triển khai quy hoạch này cho tới khi các bên xong việc tiếp thu ý kiến. Có nghĩa trên thực tế hiện nay quy hoạch này chưa hề được triển khai, đây là một điểm rất quan trọng chưa hề được triển khai.

Trước năm 2013 như Bộ trưởng đã nói Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng theo thẩm quyền của mình đã phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, phê duyệt dự án đầu tư vì cử tri đông, tôi xin sau đây gọi tắt là cấp phép cho 25 dự án, trong đó có 18 dự án về du lịch, 11 dự án có xây dựng cơ sở lưu trú. Một trong những chỉ tiêu rất quan trọng là số phòng lưu trú, chính xác số phòng là 1.400 phòng khách sạn, cộng với 1920 căn biệt thự. Nếu mỗi căn biệt thự 2 phòng thì sẽ có 5.240 phòng. Nếu mỗi căn biệt thự có 3 phòng thì có 7160 phòng. Như vậy, dự án du lịch sinh thái biển Tiên Sa hay bất kỳ dự án nào khác trên bán đảo Sơn Trà đều được cấp phép và nếu có vấn đề vi phạm thì đều phải được quản lý và xử lý bởi Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng. Điều này là rất rõ ràng.

Thứ ba, quy hoạch bán đảo Sơn Trà được thực hiện bởi một cơ quan tư vấn gồm các nhà chuyên môn, đưa rất nhiều giải pháp để đảm bảo phát triển đi đôi với bảo tồn và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tôi cũng xin phép các đồng chí như thế này, tôi đã gặp trực tiếp các nhà chuyên môn, con số 1.600 không phải là ý chí hành chính, không phải dựa vào từ 5000 cắt xuống 1600 mà kiến trúc sư trưởng, những người chủ trì đã nói với tôi rằng: đây là tính toán trên các công thức, mô hình chuyên ngành du lịch. Người ta tính ra ngưỡng để đảm bảo phát triển mô hình cân đối. Nói 1.600 là số tròn còn tính ra mô hình thì là số lẻ. Từ 1.600 - 3.200 phòng và hội đồng của bộ cuối cùng đã ấn định lấy ngượng thấp, tức là ưu tiên hơn cho bảo tồn là 1600 phòng. 1600 phòng này là quy hoạch đến năm 2030.

Thứ ba, như đã báo cáo ngay sau khi quy hoạch được công bố thì đã có ý kiến. Chúng tôi đã yêu cầu Đà Nẵng làm việc và có ý kiến chính thức. Ngày 29/05/2017 vừa qua, Đà Nẵng đã có ý kiến chính thức. Trong báo cáo của Đà Nẵng đã nói rõ, Đà Nẵng không đồng ý với kiến nghị là giữ nguyên hiện trạng bán đảo Sơn Trà, không xây dựng thêm cơ sở lưu trú của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng kiến nghị. Mặc dù, Đà Nẵng nói vậy nhưng tôi vẫn có văn bản giao lại Đà Nẵng là yêu cầu Đà Nẵng tiếp tục rà soát các dự án, làm việc với Hiệp hội du lịch Đà Nẵng về hướng và quy mô phát triển du lịch trên bán đảo Sơn Trà trên nguyên tắc phải đảm bảo phát triển bền vững. Có hai vấn đề theo tôi chúng ta phải rất thống nhất.

Một là nguyên tắc thì Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn luôn từ đầu vẫn quán triệt là chúng ta phải phát triển bền vững. Đương nhiên trong quá trình phát triển, chúng ta phải khai thác tài nguyên thiên nhiên. Chúng ta phải khai thác các lợi thế so sánh của chúng ta về tự nhiên và về xã hội để phục vụ phát triển nhưng phải đảm bảo bền vững. Khi các yếu tố bền vững còn chưa được đảm bảo thì tốt nhất đẩy lui lại để đến khi có đủ điều kiện chúng ta sẽ làm, bảo tồn không cực đoan là đóng khung lại, thực tế trên thế giới có rất nhiều khu du lịch kể cả các khu bảo tồn thiên nhiên có động vật hoang dã người ta cũng vẫn phát triển du lịch mà thu hút rất tốt và chính việc bảo tồn tốt thì đấy là tài nguyên du lịch.

Hai là Sơn Trà thực ra trong du lịch cả nước đóng góp rất nhỏ chỉ một vài phần nghìn, vì thế không ảnh hưởng lớn đến du lịch cả nước, vì thế phát triển du lịch Sơn Trà trước hết phục vụ kinh tế, xã hội Đà Nẵng, cho nên cần phải có sự thống nhất của cấp ủy, chính quyền Đà Nẵng và phải được sự đồng thuận của nhân dân Đà Nẵng.

Hiệp hội du lịch Đà Nẵng là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, hoạt động trong lĩnh vực du lịch và trên địa bàn Đà Nẵng, chúng tôi yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng phải làm việc với Hiệp hội du lịch Đà Nẵng bàn tất cả các khía cạnh của vấn đề để đi đến một sự đồng thuận nhằm có một quy hoạch tốt để phát triển Sơn Trà và tinh thần của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, nếu Đà Nẵng sau khi rà soát lại tất cả các dự án làm việc với các nhà đầu tư, làm việc với hiệp hội mà thống nhất kiến nghị giảm quy mô đầu tư trên bán đảo Sơn Trà xuống, xuống mức nào Chính phủ cũng sẽ đồng ý, miễn là dưới mức 1.600 và nếu Đà Nẵng thống nhất với các hiệp hội giữ nguyên trạng thì Chính phủ cũng hoan nghênh. Cao hơn nữa nếu Đà Nẵng và hiệp hội thấy rằng Sơn Trà chưa cần phát triển du lịch xin rút khỏi các khu du lịch quốc gia Chính phủ cũng đồng ý. Tinh thần chung của Chính phủ là phát triển nhưng phải đảm bảo bền vững.

Có một đại biểu hỏi một câu hỏi, tôi nghĩ cũng rất nên trả lời, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chưa trả lời, tức là có phải Chính phủ phê duyệt 3 quy hoạch thì cứ cái sau cắt đi 1.000ha rừng so với cái trước không, nếu đúng như vậy thì nguy hiểm quá. Sự thực là thế nào, sự thực tháng 1/2014 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có Sơn Trà thì có khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà có diện tích, nếu tôi nhớ không nhầm là 3.871 ha. Sau đó 10 tháng, đến tháng 10/2014 cũng Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiếp một quy hoạch là quy hoạch về rừng đặc dụng trên cả nước, trong đó rừng đặc dụng ở bán đảo Sơn Trà 2.591,1ha và tới tháng 11/2016 quy hoạch du lịch Sơn Trà cho tôi ký quy định diện tích khu du lịch Sơn Trà là 1.056 ha. Con số 1.056 ha này không chỉ là 1.000 ha trở lên quy định bởi Luật du lịch mà đây là con số nằm trong bản đồ quy hoạch phát triển Đà Nẵng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Vấn đề này do Bộ Xây dựng chủ trì thẩm định. Tôi phải lục cả tập hồ sơ ra, nằm trong bản đồ V19 của kèm theo quyết định đó. Ba con số này là 3 khái niệm hoàn toàn khác nhau. Một cái là diện tích khu bảo tồn, một cái là diện tích rừng đặc dụng, một cái là diện tích phạm vi quy hoạch khu du lịch. Không phải Chính phủ cứ phê duyệt cái sau thì cắt đi 1.000 ha so với cái trước. Ngay trong 1.056 ha phạm vi quy hoạch của khu du lịch quốc gia này cũng vẫn có rừng đặc dụng và không phải 1.000 đấy để làm xây dựng hết. Một trong những thông số rất quan trọng là số phòng lưu trú, với số phòng lưu trú là 1.600 phòng thì anh em chuyên môn báo cáo rằng diện tích để xây dựng chỉ khoảng một vài chục ha.

Chúng ta cần hiểu cho đúng vì nếu không nhân dân nhìn vào không hiểu tại sao Chính phủ một mặt nói là không đánh đổi môi trường, một mặt thì cứ cái sau lại cất đi của cái trước 1.000 ha thì hoàn toàn không đúng, đây là các khái niệm khác nhau chứ không phải như vậy.

Tôi báo cáo với Quốc hội và qua đây để cử tri yên lòng, tức là những quy hoạch này được các bộ chuẩn bị và đến Thủ tướng ký, có rất nhiều điểm chúng ta cầu thị, tiếp thu và có những điểm căn bản thì cả hệ thống, bộ máy của chúng ta cũng đã làm rất trách nhiệm chứ không phải quá ẩu đến mức như một số lời suy đoán.

Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN